Toạ đàm về "nàng thơ" của người sưu tập

Nhiều ấn bản đặc biệt trước năm 1945 đến nay đã được nhiều nhà sưu tập gìn giữ và trân quý. Nó được ví như "nàng thơ" của nhà sưu tập và lần đầu tiên những "nàng thơ" ấy đã ra mắt công chúng TP Hồ Chí Minh.


Ngày 28/11, Ban điều hành đường sách TP Hồ Chí Minh cho biết, tọa đàm “Ấn bản đặc biệt – Nàng thơ của người sưu tập” mới được tổ chức tại đường sách đã đem đến cho độc giả những góc nhìn đa chiều về những ấn bản đặc biệt từ trước đến nay.


Đây là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động của triển lãm các bản sách đặc biệt mang tên “Sự tinh tế song hành cùng tri thức” do Ban điều hành đường sách và Quán sách Mùa Thu thực hiện.


Tham dự tọa đàm lần này có 3 vị khách mời là nhà sưu tập sách, luật sư Nguyễn Anh Tuấn; nhà sưu tập, luật sư Nguyễn Văn Doãn và anh Nguyễn Quang Diệu, đại diện Công ty sách Dân Trí DTbooks.


Nội dung đầu tiên được thảo luận tập trung khai thác về khái niệm “ấn bản đặc biệt”. Theo các khách mời tham dự, trong các hình thức ấn bản của một quyển sách, ấn bản đặc biệt được thực hiện hướng đến sự hoàn hảo từ nội dung đến hình thức, thường dành cho các đầu sách có giá trị, để sách không những hay mà còn phải đẹp và quý, có thể bảo quản và lưu giữ lâu dài. Các ấn bản đặc biệt luôn được các nhà sưu tập cũng như bạn đọc yêu thích sách đẹp quan tâm và mong muốn sở hữu.

Những khách mời tham dự tọa đàm "ấn bản đặc biệt - nàng thơ của người sưu tập" đã cho độc giả biết nhiều kiến thức hay về ấn bản đặc biệt của Việt Nam.


Ngành xuất bản Việt Nam tuy còn non trẻ và trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã có những ấn bản đặc biệt ngay từ thời tiền chiến (trước năm 1945). Qua từng thời kỳ, tuy có nhiều điểm khác biệt, nhưng những người làm sách luôn dành sự quan tâm để cho ra đời các ấn bản đặc biệt. Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập, tuy có một khoảng thời gian khá dài vắng bóng các ấn bản đặc biệt, nhưng hiện nay đã có nhiều đơn vị quan tâm, phục hồi và phát triển các ấn bản đặc biệt trong kế hoạch xuất bản của mình, có thể kể đến Nhã Nam, Phương Nam, Đông A, DTbooks, Tao Đàn, Sao Bắc… như những điển hình.


Nếu ấn bản đặc biệt thời trước thường chú trọng vào sự khác biệt ở chất liệu giấy (vì công nghệ sản xuất chưa đáp ứng được việc đóng bìa cứng), thì ấn bản đặc biệt hiện nay đa số được đóng bìa cứng, để bảo quản sách tốt hơn.


Các khách mời cũng đã tiết lộ thông tin, tư liệu thú vị liên quan đến các tác giả, tác phẩm và cuộc đời của nhiều quyển sách giá trị. Các bản in đặc biệt thường chứa đựng những thông tin kèm theo về đời sống của một bản sách gắn liền với tác giả và những độc giả đặc biệt, nhiều khi là riêng biệt của bản sách ấy.


Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Giám đốc ban điều hành đường sách TP Hồ Chí Minh, cho biết cuộc triển lãm lần này quy tụ những bản sách thực sự quý hiếm, bởi ngay cả giới sưu tập không phải ai cũng có duyên để sở hữu được. Những năm gần đây, giới xuất bản bắt đầu có ý thức phục hồi những ấn bản đặc biệt và cộng đồng những người yêu sách cũng rất quan tâm đến những ấn bản đặc biệt mới này. Những ấn bản đặc biệt của Nhã Nam, Đông A, Tao Đàn, Sao Bắc, Phương Nam, DTbooks… có thể xem như sự kế tục dòng ấn phẩm đặc biệt.


Tương tự, anh Nguyễn Quang Diệu, đại diện DTbooks, cũng cho rằng một đơn vị xuất bản được đánh giá cao với những ấn bản đặc biệt trong tủ sách biên khảo – sử liệu, nhờ những ấn bản đặc biệt mà độc giả biết đến nhà xuất bản nhiều hơn.


Ngay sau buổi tọa đàm, nữ nghệ sỹ ưu tú Thanh Thúy đã mang đến cho bạn đọc đường sách món quà tinh thần đặc biệt, đó là những ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng như bài hát: Thoi tơ (Nhạc Đức Quỳnh, Thơ Nguyễn Bính); ô mê ly (Văn Phụng) và ngày xưa Hoàng Thị (nhạc Phạm Duy, phổ thơ Phạm Thiên Thư).

Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Thúy đã mang đến cho bạn đọc đường sách món quà tinh thần bằng những ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng.


Dịp này, ban điều hành còn tổ chức đấu giá sách gây quỹ từ thiện với tên gọi “Một quyển sách – Một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung” với 2 quyển sách ấn bản đặc biệt là Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn do Đại học Vạn Hạnh xuất bản năm 1966. Quyển sách này có thể xem là một chuẩn mực trong nghiên cứu biên khảo sử liệu. 

Ông Lê Hoàng (bìa phải), Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam trao sách đấu giá cho chủ nhân mới là anh Trần Thế Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TIE.


Cuốn thứ hai được đấu giá là cuốn Lê Mạt Sự Ký - Sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ XVIII của tác giả Nguyễn Duy Chính do DTbooks và NXB Khoa học xã hội xuất bản 2016, bản dị bản có thủ bút và chữ ký của tác giả. Đây là bản đặc biệt của đặc biệt – bản Nguyễn Duy Chính, không đánh số, có triện son và thủ bút của tác giả viết hai câu tuyên bố của Lê Quýnh: “Ngã bối đầu khả đoạn, phát bất khả thế, bì khả tước, phục bất khả dịch dã (Tạm dịch: Bọn ta có thể chịu chặt đầu nhưng không chịu cắt tóc, có thể chịu lột da nhưng không chịu thay kiểu y phục).


Sau những lần ra giá sôi nổi của những người mê sách, cuối cùng anh Trần Thế Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TIE, đã trở thành chủ nhân mới của hai cuốn sách giá trị, với mức giá cuốn Lý Thường Kiệt là 7,5 triệu đồng và Lê Mạt Sự Ký, có giá 7 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn ủng hộ thêm 10 triệu đồng cho quỹ "Một quyển sách - Một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung" của ban điều hành đường sách.


Hoàng Tuyết
600 triệu đồng ủng hộ miền Trung trong đêm nhạc và đấu giá tại Séc
600 triệu đồng ủng hộ miền Trung trong đêm nhạc và đấu giá tại Séc

Tối 22/10, tại thủ đô Praha, 16 nghệ sỹ của cộng đồng Việt Nam ở Séc đã tổ chức đêm ca nhạc và đấu giá từ thiện Hướng về miền Trung để gây quỹ giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt tại hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN