Tín ngưỡng thờ Vua Hùng: Sợi dây thiêng gắn kết toàn dân tộc

Mới đây Việt Nam đã đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo tiến độ thông thường thì khoảng tháng 11/2011 sẽ có kết quả từ UNESCO. Và trong những ngày tháng ba (âm lịch) cả dân tộc thành kính dâng hương giỗ Tổ, mọi người cùng lắng hồn nhớ về nguồn cội.

Lễ tế và dâng hương tại đền Tổ mẫu Âu Cơ.

Tín ngưỡng thờ Vua Hùng có từ xa xưa

Về Tín ngưỡng thờ Hùng Vương, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam khẳng định: "Hùng Vương là ông Thủy Tổ đã khai sinh ra Nhà nước Văn Lang cổ đại và trở thành nhân vật quan trọng trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam. Vua Hùng đã trở thành chỗ dựa tinh thần của mỗi người con nước Việt và là sợi dây thiêng gắn kết toàn dân tộc”.

Tín ngưỡng thờ vua Hùng đã có từ xa xưa. Các vương triều ở Việt Nam đã coi Lễ hội Đền Hùng là Quốc lễ. Hằng năm, các quan đầu tỉnh về đó để tế lễ. Việc thờ cúng vua Hùng cũng được các triều đại, con cháu người Việt chú trọng thực hiện. Trong Sắc phong của triều Nguyễn ghi rõ Hùng Vương là Thánh Tổ. Các triều đại yêu cầu dân làng cúng Thánh Tổ Hùng Vương, yêu cầu cấp công điền trong các làng để lấy hoa lợi thờ cúng. Từ trước, người dân cúng vua Hùng vào mùa thu. Một số nơi như làng Trẹo ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh cúng Hùng Vương vào 24 tháng Chạp với ý nghĩa rước vua về ăn Tết… Tới năm 1917, ngày giỗ Tổ được chọn là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Điều này được căn cứ theo bia đá hiện còn ở Đền Hùng.

Đây là hồ sơ thứ tư Phó Giáo sư, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Chí Bền tham gia chỉ đạo, xây dựng trình lên UNESCO để công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể. Ông cho biết, việc này hoàn toàn không dễ dàng. Hồi Việt Nam tham dự và được công nhận về Không gian Cồng chiêng Tây Nguyên, trong 64 hồ sơ trình lên UNESCO, chỉ có 43 hồ sơ được UNESCO công nhận. Đợt trình hồ sơ Quan họ, 111 hồ sơ tham dự cũng chỉ được công nhận 76 hồ sơ. Và gần đây nhất là khi tham gia trình hồ sơ về Lễ hội Đền Gióng, các nước đã trình lên 147 hồ sơ nhưng chỉ được công nhận 47 hồ sơ. Và Việt Nam đều đã vinh dự ở trong số được vinh danh.

Dù theo đạo nào vẫn thờ Hùng Vương

PGS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật, người trực tiếp tham gia thực hiện và hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO yêu cầu công nhận "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cho biết: “Thờ vua Hùng là biểu tượng kết tinh của tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt. Nghiên cứu về vấn đề này, chúng tôi được biết nhiều nước cũng thờ vua, nhưng thờ những vị vua khai sáng với vị trí bao trùm như vua Hùng ở Việt Nam là độc đáo. Ở Trung Quốc có thờ vua Thần Nông, ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có thờ vua nhưng chỉ trong phạm vi cung đình. Trường hợp có sức lan tỏa trong cộng đồng như ở Việt Nam ta với tín ngưỡng vua Hùng là hiếm”.

Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng là tín ngưỡng mang tầm vóc quốc gia. Có nhiều tôn giáo ở Việt Nam phát triển nhưng dù sao cũng chỉ nằm trong một cộng đồng nhất định. Còn "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" có tính phổ cập khác các tôn giáo vì nguồn gốc là tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc nên là tín ngưỡng bao trùm tất cả. Mọi người dân dù theo tín ngưỡng nào như đạo Phật hay đạo Thiên Chúa giáo, đạo Cao Đài hay đạo Hòa Hảo thì vẫn cùng chung trong tín ngưỡng thờ vua Hùng. Song vẫn rất cần tuyên truyền đến thế hệ trẻ. PGS.TS Bùi Quang Thanh cho biết: “Trong chương trình hành động của chúng tôi sẽ có việc phối hợp với ngành giáo dục để giáo dục truyền thống và đạo lý cho các em học sinh từ các nhà trường. Vì như chúng ta thấy cha mẹ thời nay cũng rất ít có thời gian kể chuyện hay giảng giải cho con”.

Với tư cách là Trưởng ban Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật nước ngoài, PGS.TS Bùi Quang Thanh cho biết: Năm ngoái, cùng với việc bỏ phiếu công nhận “Lễ hội Đền Gióng” của Việt Nam thì Trung Quốc cũng đã được công nhận tín ngưỡng thờ nữ thần Biển Đông (tín ngưỡng có ảnh hưởng từ Hải Nam ra triền phía đông của vùng biển này). Ở khu vực Đông Nam Á thì hồ sơ đề nghị công nhận tín ngưỡng của ta là đầu tiên. Thách thức lớn nhất khi trình lên UNESCO để được công nhận là tính chất cộng đồng của tín ngưỡng cần công nhận. Họ không quan tâm nhà nước ta đã đầu tư thế nào mà quan tâm tín ngưỡng đó phải nảy sinh từ cộng đồng, được bảo tồn và duy trì trong cộng đồng. Đó chính là việc trao - truyền thế nào.

Được UNESCO công nhận thì được gì?

Đặt vấn đề nếu người dân chưa hiểu hết nên rất hay “hỏi cụ thể” rằng nếu được công nhận thì “ta sẽ được gì?”, PGS.TS Bùi Quang Thanh trao đổi: Đúng là có những ý hỏi thế thật. Chúng tôi đã giải thích cho nhân dân ở tỉnh Phú Thọ biết rằng nếu được công nhận thì đó là một thành công chung, có ý nghĩa lớn lao. Từ đó, văn hóa của Phú Thọ nói riêng và văn hóa của Việt Nam nói chung sẽ được cả thế giới biết đến. Ngay cả với người Việt Nam thì cũng có được nhận thức sâu sắc hơn về Tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Đó là “nguồn lợi” tinh thần rất lớn, hun đúc niềm tự hào về một di sản văn hóa vô giá. Còn nói riêng về lợi ích kinh tế, nếu thu hút được du lịch, thu hút quan tâm đến địa phương sẽ có nhiều thành công, thắng lợi về lâu dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN