Tiếp nhận hơn 8.000 tài liệu hiện vật của GS Phong Lê

Ngày 25/9/2016, tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu, hiện vật về lịch sử cuộc đời GS Phong Lê.

Hơn 8.000 tài liệu, hiện vật gồm các sổ ghi chép, bản ghi chép, bản thảo sách, bản thảo bài viết, thư từ trao đổi, kỷ vật, bài viết, báo cáo khoa học, ảnh tư liệu, sách xuất bản… là những tài liệu thể hiện về cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu khoa học, giảng dạy và quản lý của GS Phong Lê đã được ông trao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ. 


Toàn bộ khối tài liệu, hiện vật này có giá trị rất lớn trong việc giúp các thế hệ sau tìm hiểu về lịch sử phát triển của Viện Văn học, nhất là giai đoạn đổi mới văn học từ giữa những năm 80 đến giữa những năm 90 thế kỷ trước. Những tài liệu này cũng liên quan đến nhiều nhà nghiên cứu từng làm việc với GS Phong Lê hay nhiều vấn đề văn học mà ông quan tâm, sưu tầm lại để sử dụng qua các giai đoạn khác nhau.

GS Phong Lê trao tặng bộ sưu tập của mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Tại lễ tiếp nhận, các đồng nghiệp, bạn bè và học trò của GS Phong Lê đã chia sẻ những kỷ niệm về GS Phong Lê, trao đổi về những đóng góp của ông trong nghiên cứu, phê bình văn học, quản lý Viện Văn học và đào tào, giảng dạy. Đây cũng là dịp không những để nhìn nhận lại khối tài liệu to lớn cả về số lượng và giá trị mà GS Phong Lê đã để lại cho các thế hệ sau mà còn để thấy công việc giữ gìn di sản của các nhà khoa học là vô cùng hữu ích và cần thiết với đất nước.


GS Phong Lê tên thật là Lê Phong Sừ, sinh năm 1938 tại xã Sơn Trà, một vùng quê nghèo thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sinh ra ở một vùng đất hiếu học, bố ông lại là một thầy giáo nên từ bé ông đã được học hành tử tế, lại được tiếp cận với nhiều sách vở, tạo nên nguồn cảm hứng cho riêng ông đối với văn học.


Năm 1956, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phong Lê ra Hà Nội và thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa mới thành lập, trở thành sinh viên khóa đầu tiên của nhà trường. Sau 3 năm học tập tại khoa Ngữ văn, năm 1959, Phong Lê tốt nghiệp đại học và được nhận về Viện Văn học vừa mới thành lập, làm việc tại Ban văn học Việt Nam cận hiện đại. Tại đây, ông được làm việc và học hỏi rất nhiều từ các bậc trưởng lão đi trước như Viện trưởng Đặng Thai Mai, Viện phó Hoài Thanh, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan… Từ đó ông trưởng thành nhanh chóng và trở thành cán bộ cốt cán của Viện Văn học. Đến năm 1988, trong cuộc bầu cử Viện trưởng đầu tiên được tổ chức ở Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Phong Lê được cán bộ Viện tín nhiệm bầu làm Viện trưởng. Ông được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1984 và Giáo sư năm 1991.


Gần như cả cuộc đời GS Phong Lê đã dành hết tâm huyết cho công tác khoa học và giáo dục. Ông tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước, đào tạo nên nhiều thế hệ học trò trong ngành nghiên cứu, phê bình văn học. Sau hơn nửa thế kỷ miệt mài tìm tòi, khám phá, ông đã để lại nhiều dấu ấn trên cả ba phương diện: nghiên cứu, phê bình văn học, quản lý khoa học và giảng dạy, đào tạo cán bộ. Nhiều công trình nghiên cứu của ông được đánh giá cao, đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín, tái bản nhiều lần và và trở thành những tài liệu tham khảo quan trọng của giới nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại.

Phương Lan
Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp nhận hiện vật quý
Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp nhận hiện vật quý

Ngày 15/8, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức tiếp nhận hiện vật do gia đình cựu chiến binh Mỹ Walter Eugene Wilber hiến tặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN