Thơ Việt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế

Sáng 5/3, từ khắp các ngả đường, hàng ngàn người yêu thơ trong nước và quốc tế đổ về Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội nơi diễn ra sự kiện lớn của Làng thơ Việt Nam - Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 với chủ đề “Hướng về biển đảo Tổ quốc”.

Hòa trong dòng người đa sắc màu đó, nhà thơ Đỗ Hàn, Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Ban tổ chức ngày thơ cho biết: Trong ngày thơ năm nay, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hai sân thơ trẻ và truyền thống được nhập thành sân thơ trăm miền để dành đất diễn cho các bạn quốc tế.

Như vậy, mọi đặc sắc được dồn cho 2 sân thơ Việt Nam và quốc tế. Ở sân thơ truyền thống Việt Nam, ngoài các nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, ban tổ chức mời sinh viên của 6 trường đại học, gần 20 câu lạc bộ thơ ở Hà Nội và 8 địa phương tham gia.

Đặc biệt, trong dịp này, 15 gương mặt nhà thơ Việt Nam tiêu biểu được tuyển chọn, giới thiệu thơ bằng tiếng Pháp và do một họa sĩ người Pháp vẽ minh họa. 100 nhà thơ Việt Nam được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật… cũng được lựa chọn để tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ quốc tế tiêu biểu. Bên cạnh đó, 10 nhà xuất bản có tên tuổi cũng được mời tham dự giới thiệu tác phẩm viết về cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế...

Các nhà thơ đến với Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13. Ảnh: TTXVN


Tiếng trống báo hiệu Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 khai mạc thúc giục mọi người trở về sân thơ chính. Tại đây, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt những người yêu thơ cả nước cám ơn bạn bè quốc tế đã vượt qua nghìn trùng cách trở để đến Việt Nam, các bạn đọc xa gần đã về dự Ngày hội tao nhã này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, cùng thời điểm này, ở hơn 100 địa điểm trên khắp đất nước Việt Nam đang diễn ra các hoạt động phong phú của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13. Tại thủ đô Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam năm nay có sự tham gia của 150 nhà thơ, nhà văn, dịch giả đến từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là hình ảnh sống động chứng tỏ thơ ca có khả năng kỳ diệu, thu hẹp khoảng cách.

Năm nay, Ngày thơ Việt Nam còn có sự tham gia của hai lực lượng: Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Biên phòng, góp phần làm đậm nét chủ đề của Ngày thơ “Hướng về biển đảo”. Các nhà thơ mang đến ngày thơ nhiều tác phẩm hay viết về biển đảo để giới thiệu tới bạn bè quốc tế cùng đông đảo người yêu thơ trong nước.

Bước xuống từ sân khấu trong tràng pháo tay dài, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tác giả bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" được đông đảo bạn bè, công chúng vây quanh chúc mừng. Nhà thi pháp Chu Văn Thịnh dành tặng ông qua bức thi họa về bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” được thể hiện bằng hình ảnh mềm mại mà kiêu hùng của đất nước Việt Nam.

Là người được chọn thể hiện tác phẩm mở đầu cho ngày thơ lần thứ 13 này, Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, ông đã tham dự hầu như tất cả Ngày thơ Việt Nam từ trước đến nay và cũng nhiều lần được đọc thơ trong ngày hội thi ca này. Mỗi năm, Hội Nhà văn Việt Nam đều tổ chức một ngày thơ mang một diện mạo, sắc thái riêng. Đặc biệt năm nay, Ngày thơ đã rất thành công khi được kết nối tốt với Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3 và Liên hoan thơ Châu Á-Thái Bình dương lần thứ 2. Đây là cơ hội rất lớn để đưa thơ Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đặc biệt là nói tới sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam qua thi ca tới người dân khu vực và thế giới.

Có mặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nhà văn nhân dân Luginov Nikolai Alekseevich, Chủ tịch Hội Nhà văn Nga, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Yakutia tỏ ra rấy hào hứng và đánh giá cao về Ngày thơ Việt Nam bởi sự kiện đã hội tụ được đông đảo nhà văn, nhà thơ, người yêu thơ khắp mọi miền đất nước.

Ông cũng chia sẻ: Ở Yakutia cũng tổ chức những lễ hội thi ca nhưng quy mô nhỏ hơn Ngày thơ Việt Nam. Vào tháng 10/2014 vừa qua, Hội Nhà văn Yakutia đã tổ chức một lễ hội thơ mang tên “Ân sủng mùa tuyết lớn”, có mời một số các nhà thơ nước ngoài tham dự, trong đó có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Với suy nghĩ, tình yêu với thơ ca là khởi nguồn của sự cao thượng, sự phát triển của cả dân tộc, nhà văn Luginov Nikolai Alekseevich cũng cảm thấy rất "ghen tị" khi chứng kiến tại mảnh đất hình chữ “S” này, mọi người đều nghe thơ rất chăm chú, bất chấp thời tiết lạnh và mưa gió như ngày Rằm tháng Giêng năm nay. Ông cho rằng xây dựng được ngày thơ truyền thống như vậy thật không dễ dàng và hy vọng Việt Nam tiếp tục duy trì được lễ hội thi ca đẹp đẽ này.


Mỹ Bình (TTXVN)
Thơ ca Việt Nam dưới con mắt bạn bè quốc tế
Thơ ca Việt Nam dưới con mắt bạn bè quốc tế

Thơ ca Việt Nam có sức truyền cảm rất trực tiếp và mạnh mẽ do vậy nó rất dễ đi vào lòng độc giả và nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn bè quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN