Thiên nhiên bí ẩn, kì thú qua trang sách của nhà văn Vũ Hùng

Nhà thơ Cao Xuân Sơn nhận xét sự trở lại của những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng giống như việc khai quật một mỏ vàng đã bị phủ bụi hơn 20 năm qua.


Tọa đàm “Thiên nhiên bí ẩn và kì thú trong tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng” được Nhà xuất bản Kim Đồng, Thư viện Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 24/9, tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học tên tuổi trong nước, các độc giả nhiều lứa tuổi yêu mến nhà văn Vũ Hùng.

Đây là dịp để độc giả nhiều thế hệ trao đổi, chia sẻ về những tác phẩm của một nhà văn chiếm vị trí quan trọng trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với đề tài rừng – thiên nhiên – muông thú.

Ba trong số sáu tác phẩm vừa ra mắt của nhà văn Vũ Hùng. Ảnh: Vnexpress


Sau 1 năm kí kết hợp đồng xuất bản trên 30 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt 12 cuốn: Mùa săn trên núi, Sống giữa bầy voi, Giữ lấy bầu mật, Sao sao, Chú ngựa đồng cỏ, Mái nhà xưa, Những kẻ lưu lạc, Người quản tượng và con voi chiến sĩ, Bầy voi đen, Con voi xa đàn, Con culi của tôi, Vườn chim.

Nhà văn Trần Đức Tiến đánh giá: Nhà văn Vũ Hùng là một trong những tác giả quan trọng trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với lối văn chương chuẩn mực. Tác phẩm của ông không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn hướng đến những người đã trưởng thành.

Nhà văn Hà Phạm Phú, đồng nghiệp, “đàn em” của nhà văn Vũ Hùng nói rằng nhà văn gần như dành cả đời văn để viết về thú vật, từ ông voi bồ tượng cho tới con ong, cái kiến mỏng manh. Đọc các trang viết về loài vật của nhà văn, ta thấy được một Vũ Hùng rất trẻ với quan sát tinh tế, cái nhìn nhân văn đã dành trọn tình yêu cho thiên nhiên, con người, đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Tại hội thảo, nhà văn Vũ Hùng chia sẻ, hồi tưởng lại ký ức về những cuộc hành quân dài dặc, vất vả trong những năm tháng kháng chiến của một người lính đã mang lại cho ông nhiều khám phá về thiên nhiên, đất nước, về phong tục tập quán của các dân tộc Việt - Lào cùng chung sống trên dải Trường Sơn. Đặc biệt, câu chuyện của những người đi rừng lão luyện với “một ngôn ngữ giản dị, ít lời nhưng nhiều hình ảnh, thứ ngôn ngữ riêng chỉ có trong rừng” chính là nguồn cảm hứng để ông viết rất nhiều tác phẩm. Qua những trang viết của mình, nhà văn Vũ Hùng hy vọng các độc giả nhỏ tuổi hiện nay biết đến thiên nhiên đất nước Việt Nam tươi đẹp, trong lành với muông thú phong phú và con người hiền hòa.

Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 tại làng Láng, Cầu Giấy, Hà Nội, cựu học sinh trường Bưởi (Chu Văn An) và Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1950... Sau đó, ông là Đài trưởng Đài Vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Lào. Từng là phóng viên Khoa học kĩ thuật của Báo Quân đội nhân dân, biên tập viên của Nhà xuất bản Ngoại văn và Nhà xuất bản Văn học, nhà văn Vũ Hùng nguyên là Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

Nhà văn Vũ Hùng viết cuốn sách đầu tiên năm 1961; đến nay, ông đã có gia tài hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ông cũng đã hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho các tác phẩm “Sao Sao” (1982) và “Sống giữa bầy voi” (1986).

Mỹ Bình (TTXVN)
Nhớ mãi nhà báo Nguyễn Văn Linh
Nhớ mãi nhà báo Nguyễn Văn Linh

Nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam và 100 năm Ngày sinh của Cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, tôi xin ghi lại một kỷ niệm nhỏ làm báo chí cách mạng có liên quan đến tác giả Nguyễn Văn Linh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN