Thi hoa hậu có từ bao giờ?

Thi hoa hậu có từ bao giờ, ở đâu? Chưa có một tài liệu nào chính xác trả lời cho câu hỏi đó. Tuy nhiên, tại thư viện bảo tàng Anh có lưu giữ một tài liệu mang tính truyền thuyết, cho biết cuộc thi hoa hậu tầm cỡ quốc gia lần đầu tiên diễn ra cách đây 2.700 năm tại thành Tơ-roa, thời đế quốc La Mã. Bấy giờ, các nhà triết học, nhà thơ, nhà quân sự, doanh nhân đã tổ chức cuộc thi chọn cô gái đẹp nhất thành đô của mình.


Ở các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Hoa, Hà Lan, Mỹ… cũng có các cuộc thi tuyển chọn hoa hậu từ rất sớm. Tuy nhiên, cuộc thi hoa hậu duy nhất sớm được lữu giữ bằng hình ảnh, đến nay được biết là cuộc thi ở Anh năm 1909. Cô hoa hậu Giô-va, với vòng hoa quàng mái tóc, mặt nghiêng về phía trái, lưng quay lại khán giả, trình diễn trong bộ quần áo tắm thời bấy giờ.


Năm 1932, nước Pháp lần đầu tiên thi hoa hậu. Trước đó năm 1928 đã có cuộc thi hoa hậu toàn châu Âu.


Các cuộc thi hoa hậu luôn được nhiều người quan tâm.


Trong hơn một thế kỷ qua, đặc biệt trong vòng vài chục năm trở lại đây, các cuộc thi hoa hậu ngày càng nhiều hơn, trở thành một sinh hoạt văn hóa thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp, được các quốc gia coi trọng. Đó là những cuộc thi hoa hậu có hàng trăm triệu người theo dõi, xem trực tiếp hoặc qua vô tuyến truyền hình như các cuộc thi quốc tế ở Mê-hi-cô, Mỹ, Trung Quốc…, các cuộc thi khu vực châu Âu, châu Á, châu Phi… Điều đó được giải thích bởi nền văn minh nhân loại ngày càng tiến lên, nhu cầu thưởng thức cái đẹp ngày càng cao. Những đường nét tuyệt vời không bao giờ trùng lặp ở mỗi thiếu nữ, là đề tài khám phá không bao giờ hết đối với những ai đi tìm cái đẹp.


Quan niệm về cái đẹp ở mỗi thời kỳ, mỗi tầng lớp, mỗi dân tộc có khác nhau. Điều đó thể hiện trong chỉ tiêu của các cuộc thi hoa hậu. Các vua chúa Tây Ban Nha thời xưa chọn người đẹp theo công thức “ba đen, ba đỏ, ba trắng” (mắt đen, lông mày đen, lông mi đen), (môi đỏ, má đỏ, móng tay đỏ), (răng trắng, da mặt trắng, bàn tay trắng). Người Âu, Mỹ thời nay trọng trước hết là vóc dáng, hình thể, khuôn mặt chỉ cần tươi là được. Đối với người Á Đông, khuôn mặt không thể là hàng thứ yếu, được đánh giá không kém hình thể, phải tươi tắn phản ánh được nội tâm, dịu dàng, duyên dáng. Ngày nay thông số thế giới về hoa hậu theo công thức sau: 90 x 60 x 90 (vòng ngực, vòng eo, vòng mông). Trên cơ sở công thức đó, các vòng đo có thể xê dịch, nhưng phải đảm bảo cơ thể nở nang, thanh tú nhờ ưu việt chiều cao và “thắt đáy lưng ong”. Ngoài hình thể được đo chính xác từng centimet, các cô gái dự thi còn phải trải qua thử thách về ứng xử, biết ngoại ngữ, biết khiêu vũ và am hiểu văn hóa dân tộc mình.


Cái đẹp rõ ràng là nhu cầu của mỗi dân tộc, người đẹp là tài sản quý giá của mỗi quốc gia. Mỗi nước khi tuyển người đẹp đã nâng lên ngang tầm thang độ quốc tế về chỉ số cân đo và chiều cao, đồng thời chú ý đưa truyền thống văn hóa vào nội dung, quy trình thi ở các mặt trang phục, ứng xử, tài năng…
Ở nước ta, các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử cho rằng, có những cuộc thi chọn người đẹp từ thời các vua Hùng. Từ năm 1988 - 2012 đã trải qua 13 lần thi hoa hậu Việt Nam, trong đó có 6 hoa hậu là người Hà Nội. Người đẹp đăng quang năm 1988 là Bùi Bích Phương, 17 tuổi người Hà Nội. Trước đó, khi Bắc -Nam chưa thống nhất, ngày 20/5/1955, nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, tại rạp hát Lido ở khu Chợ Lớn, cuộc thi hoa hậu Việt Nam đã diễn ra. Gần như tất cả mỹ nhân đang sinh sống ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đều xuất hiện tại cuộc thi này. Nữ văn sĩ, người đẹp Thu Trang lộng lẫy đăng quang.


Thu Trang (tên thật là Công Thị Nghĩa) sinh năm1932 quê gốc Hà Nội. Học xong tiểu học, bà Nghĩa theo cha mẹ vào sinh sống tại Sài Gòn. Ngay từ thời con gái bà đã đam mê viết văn, viết báo, đặc biệt là nghiên cứu về sử học. Năm 20 tuổi, bà tham gia Việt Minh, hoạt động điệp báo trong nội thành Sài Gòn. Tháng 7/1952, mật thám Pháp phát hiện ra vai trò của bà trong tổ chức, bà bị bắt tại bót catinat (đường Đồng Khởi, quận 1 ngày nay). Thụ án ở bót này một thời gian, bà bị chuyển qua khám lớn Sài Gòn. Thời gian thụ án của bà chỉ khép lại, khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã thắng lý quan tòa, trong phiên xử về tội danh mà bọn thực dân đã cáo buộc cho bà.


Ra tù, với vốn năng khiếu sẵn có, sau khi học thêm trong thời gian ngắn, Thu Trang theo nghề ký giả, chuyên viết mảng văn hóa, văn nghệ. Bút danh Thu Trang là bút danh chính cho tất cả các trang viết. Trong một lần đến phỏng vấn thành phần ban giám khảo để đưa tin, vài thành viên ban giám khảo đã khuyên: “Cô đẹp như vậy, nên đăng ký tham gia cuộc thi”.


Là một mỹ nhân có cuộc sống riêng tư éo le, nhưng không vì vậy mà sức quyến rũ của Thu Trang suy chuyển. Một trong những người đàn ông rất nổi tiếng, mê đắm Thu Trang đến quên ăn, mất ngủ… chính là… thi sĩ Bùi Giáng. Trong bài Thu Trang, thi sĩ viết về người đẹp quê gốc Hà Nội: Trang của tờ giấy cũ/ của vầng tóc ban đầu/ Trang của hồi vàng tụ/ về mệt mỏi mai sau/ anh nhớ em vô cùng/ đất sầu không xiết kể…


Quỳnh Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN