Thấy gì qua vụ lùm xùm cổ phần hóa hãng phim truyện

Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước nếu không được tiến hành một cách minh bạch, dễ dẫn đến tranh cãi, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, như trường hợp ở Hãng phim truyện Việt Nam.

Sự thiếu minh bạch trong cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam đang gây bức xúc cho các nghệ sỹ.

1. Sau một thời gian dài tiến hành cổ phần hóa, đến tháng 6/2017, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam (tên mới của Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa) chính thức đi vào hoạt động. 

Tuy nhiên, ban lãnh đạo mới ngay lập tức vấp phải những phản ứng bất bình từ phía nghệ sỹ của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) xung quanh việc điều hành công ty: Từ việc sáp nhập 4 phòng chuyên môn gồm biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật thành Phòng nghệ thuật, những cam kết liên quan đến việc trả lương nghệ sỹ, đầu tư làm phim, vực dậy sức sống của hãng,… 

Các nghệ sỹ còn hoài nghi về năng lực thực hiện cam kết của nhà đầu tư chiến lược, lo rằng, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến những “khu đất vàng” mà VFS đang sở hữu hoặc đang thuê với mục đích khác, chứ không quan tâm đến việc phát triển điện ảnh… 

Trước những bức xúc của các nghệ sỹ, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam đã có cuộc đối thoại trực tiếp với các nghệ sỹ. Tuy nhiên, sau gần 4 tiếng đồng hồ đối thoại trong không khí căng thẳng, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra và trả lời, tuy nhiên, những lý giải của nhà đầu tư chiến lược vẫn không thể xoa dịu được nỗi niềm của các nghệ sỹ. 


2. Trước những lùm xùm gây tranh cãi liên quan đến hãng phim, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có cuộc làm việc với các bên để làm rõ những vấn đề xảy ra tại hãng phim truyện Việt Nam, và có kết luận: Việc xảy ra tại Hãng phim là đáng tiếc. Bộ trưởng yêu cầu ban lãnh đạo công ty Hãng phim phải thực hiện những cam kết, tập trung vào việc xây dựng phát triển hãng phim sao cho tốt… các nghệ sỹ phải thực hiện tốt quy chế làm việc, trong đó phải phân công cán bộ cho rõ ràng, người nào việc nấy. Sắp xếp phòng ban cho hợp lý, cũng như sửa chữa nơi làm việc. Nhà đầu tư chiến lược cũng đã nhận lỗi trước lãnh đạo Bộ VHTTDL về cách quản lý, làm việc … và hứa sẽ sửa và thực hiện đúng cam kết, từng bước ổn định,  đưa ra được những sản phẩm đầu tiên.


Tuy nhiên, nhiều nghệ sỹ vẫn băn khoăn, lo lắng việc Hãng phim truyện Việt Nam - địa chỉ đỏ của điện ảnh cách mạng nước nhà đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ; đồng thời nêu lên nguyện vọng Hãng phim cần được trao vào tay những nhà đầu tư thực sự có tâm, có tầm. Nhà đầu tư phải thể hiện rõ bằng hành động các cam kết khi tham gia cổ phần hóa VFS, vì mục tiêu phát triển của nền điện ảnh nước nhà… Trước tình trạng này, Chính phủ đã vào cuộc, và yêu cầu thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS, để có câu trả lời, minh bạch… 

Những tác phẩm điện ảnh kinh điển làm nên tên tuổi của Hãng phim truyện Việt Nam.

3. Một trong những lý do khiến các nghệ sỹ bức xúc, là việc xác định giá trị của hãng phim truyện. Tổng Công ty cổ phần Vận tải Thủy Việt Nam (Vivaso) trở thành cổ đông chiến lược, nắm 65% cổ phần với mức giá 34 tỷ đồng (tổng giá trị VFS được định khoảng 50 tỷ đồng). Còn các nghệ sỹ của VFS cho rằng số tiền này quá bèo bọt so với giá trị hãng phim hiện tại, nhất là giá trị thương hiệu lại chỉ được định giá 0 đồng. 

Phải thừa nhận rằng, việc thương hiệu của hãng có gần 60 năm được định giá bằng 0 là một “nỗi đau” của các thế hệ nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là, nhiều năm trở lại đây, tình trạng kinh doanh của VFS rất tồi tệ. 

Theo thông tin từ Bộ VHTTDL, ở thời điểm định giá doanh nghiệp (năm 2014), VFS lỗ lũy kế hơn 39,6 tỉ đồng. Sang năm 2015 lỗ hơn 7 tỉ, năm 2016 lỗ 15 tỉ và 6 tháng đầu năm 2017, Hãng tiếp tục lỗ 4,7 tỉ đồng. 

Trong khi đó, các giá trị thương hiệu mang yếu tố đặc thù của Hãng như hệ thống lao động và uy tín của lực lượng lao động, bề dày truyền thống, lịch sử,… hiện chưa có văn bản pháp luật hiện hành nào, hoặc không có quy định nào về xác định giá trị tài sản dựa trên các yếu tố lịch sử, truyền thống. Nên việc xác định giá trị thương hiệu vẫn được thực hiện theo cách tiếp cận định giá (từ chi phí, thị trường hoặc thu nhập)… 


4. Qua các cuộc gặp gỡ báo chí, các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam đã trưng ra rất nhiều dấu hiệu tố cáo sự không minh bạch, trục lợi trong quá trình cổ phần hoá tại Hãng phim truyện Việt Nam. Và có lẽ, có rất nhiều người cũng cho rằng, bên mua (Vivaso) thực ra không quan tâm tới hoạt động kinh doanh chính là làm phim mà họ quan tâm nhiều hơn tới các giá trị từ đất đai, (đều là những khu đất vàng, thuộc trung tâm Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh), dù rằng đất đai phần lớn là đất thuê. 


Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên mua thực ra không có lỗi gì, vì họ tham gia vào một cuộc đấu giá và về nguyên tắc ai trả giá cao nhất sẽ thắng cuộc. 


Theo các chuyên gia, trong trường hợp này, lỗi là do bên bán. Họ đã không biết cách thực hiện thương vụ theo cách có lợi hơn mặc dù có thể làm được, hoặc đã không quan tâm tới lợi ích của các bên liên quan trước khi chào đấu giá. Và nếu Vivaso không thực hiện đúng các cam kết khi tiếp quản VFS, lỗi còn ở bên bán vì đã đặt ra điều kiện nhưng lại lựa chọn sai đối tác không đủ năng lực thực hiện các điều kiện đó. 


Còn việc thương vụ cổ phần hóa này do khả năng yếu kém của cơ quan chủ quản, hay do có trục lợi thì còn cần chờ kết quả thanh tra sắp tới. 


5. Theo dõi diễn biến vụ việc, có thể thấy rằng, mặc dù lộ trình cổ phần hóa đã đưa ra từ hàng chục năm nay, nhưng đến Bộ VHTTDL vẫn lúng túng trong việc tiến hành cổ phần hóa các đơn vị nghệ thuật. 


Việc một công ty không liên quan gì đến nghệ thuật trở thành cổ đông chiến lược cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc trục lợi, về sự minh bạch trong quá trình cổ phần hóa VFS. 


Thêm vào đó, việc hai bên không có tiếng nói chung, không cùng quan điểm, và đặc biệt là thái độ ứng xử chưa thiện chí của chủ đầu tư đã dẫn đến những xung đột đáng tiếc. 


Rồi những câu hỏi trong quá trình cổ phần VFS chưa được những người có đủ trách nhiệm như Ban Giám đốc VFS, Bộ VHTTDL giải đáp tận tình, cặn kẽ, thấu đáo đã khiến các nghệ sỹ lo lắng, thắc mắc và chưa yên tâm. 


Hy vọng rằng, tới đây, khi tiến hành thanh tra lại quá trình cổ phần hóa, những lo lắng, thắc mắc của các nghệ sỹ sẽ được giải đáp thấu đáo, khi đó, mọi người sẽ đồng lòng để cùng nhau đưa VFS và nền điện ảnh phát triển tốt hơn. 


Linh Lang/Báo Tin Tức
‘Nóng’ tuần qua: Lùm xùm cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
‘Nóng’ tuần qua: Lùm xùm cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được dư luận quan tâm nhiều trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN