“Thắp lửa”chèo cho giới trẻ

Say sưa ngắm nhìn các bạn trẻ hóa thân vào vai xã trưởng, mẹ Đốp, thị Màu... giảng viên chèo Trịnh Thị Thanh Huyền (khoa Kịch hát dân tộc, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh) gật đầu mãn nguyện với thành quả giảng dạy của mình. Chỉ trong vòng 2 tháng tham gia cùng dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”, Thanh Huyền đã giúp các bạn trẻ trở nên yêu chèo, say mê khám phá chèo, diễn được một số trích đoạn chèo cổ.

 

Giảng viên chèo Trịnh Thị Thanh Huyền đang hướng dẫn các bạn trong lớp chèo “Khám phá”.

 

Bỏ qua kỳ nghỉ hè, Thanh Huyền hăng hái nhận lời tham gia và trở thành giảng viên chính của lớp chèo “Khám phá”, thuộc dự án “Chèo 48h” diễn ra vào tháng 7, tháng 8 vừa qua.


“Cũng có duyên hay sao mà tôi lại được “Chèo 48h” mời về giảng dạy cho các bạn độ tuổi từ 15 - 22 tuổi. Chỉ nghe đến độ tuổi của các bạn tham gia học là tôi đã cảm thấy rất hào hứng. Vì tôi muốn dành tất cả tâm huyết của mình để giúp các bạn trẻ hiểu và yêu chèo hơn, giống như tình yêu tôi dành cho chèo khi tôi còn ở tuổi của các em bây giờ”.


Sinh ra ở mảnh đất Thái Bình có truyền thống chèo, từ nhỏ, chèo đã “ngấm vào” Thanh Huyền qua những lần nghe hát ở chiếu chèo quê, những trích đoạn trên loa phát thanh, tình yêu chèo đã hình thành từ đó. Một lần, khi đến chơi nhà người bác là nghệ sĩ chèo, cô bé Huyền đã hát thử một đoạn chèo cho bác nghe. Rất bất ngờ về chất giọng hát rất tốt của cô cháu, người bác đã khuyến khích Huyền học hát chèo và chèo đã thành “nghiệp” của Thanh Huyền.


Từ cơ duyên đến với chèo một cách tự nhiên như thế, nên Thanh Huyền không hề ngần ngại khi dạy cho các bạn trẻ chưa được chọn lọc năng khiếu, thậm chí có bạn mới chỉ nghe và thích, chứ gần như chưa biết về nghệ thuật chèo. Thanh Huyền chia sẻ: “Đang quen với việc dạy cho các bạn có đầu vào chọn lọc, tức là những bạn đã có năng khiếu hát chèo từ trước, cho nên khi dạy cho dự án, ngay từ đầu, tôi đã phải lên kế hoạch và chuẩn bị từng chi tiết nhỏ một, phải truyền đạt từ những cái cơ bản nhất về chèo cho các bạn hiểu, sau đó mới có thể dạy hát, dạy diễn được. Muốn hát được chèo, các bạn còn phải học và hiểu về tính chất của bài hát, nhập mình được vào nhân vật trong bài hát ấy như thế nào. Tuy nhiên, trong quá trình dạy, tôi thấy tuy còn ít tuổi nhưng các bạn học rất nhanh, thậm chí nhiều bạn còn bộc lộ năng khiếu rõ rệt. Có những trích đoạn chỉ trong một thời gian ngắn mà các bạn đã hát và bắt nhịp được ngay. Vì các bạn hiểu nhanh, nên ngoài những kiến thức cơ bản tôi còn dạy thêm về kỹ thuật như cao độ, trường độ, sau đó là nhấn nhá, luyến láy, rồi đến các động tác biểu diễn...”.


“Tôi đến với dự án Chèo 48h vì yêu tinh thần của các bạn trẻ, vì thấy rằng giới trẻ không hờ hững với nghệ thuật truyền thống như mình trăn trở trước đây. Tôi thích truyền nghề cho các bạn trẻ để các bạn hiểu biết thêm về chèo, thêm yêu các bộ môn nghệ thuật truyền thống và hơn hết là tôi luôn mong mỏi được làm một “sứ giả” thực thụ để mang nghệ thuật chèo đến với giới trẻ”, Thanh Huyền chia sẻ.


Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Đưa chèo đến gần hơn với giới trẻ
Đưa chèo đến gần hơn với giới trẻ

Không như nhiều bạn trẻ thường hòa mình vào các lớp học nhảy, khiêu vũ hay các môn thể thao sôi động, dịp hè này các bạn yêu nghệ thuật truyền thống sẽ có cơ hội tìm hiểu bộ môn nghệ thuật chèo qua dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN