Thành nhà Hồ sau 5 năm được công nhận di sản

Sau 5 năm Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (2011 - 2016), các cấp chính quyền và người dân trong vùng di sản đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị, quảng bá di sản.

Ngay sau khi được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới (tháng 6/2011), để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ di sản. Cụ thể là: Khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp bộ máy quản lý trực tiếp di sản từ Ban quản lý Di tích Thành nhà Hồ lên Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; cán bộ trung tâm được cử đi học nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn ở trong nước và các khóa học quốc tế để đảm nhiệm tốt các công việc được giao trong điều kiện hội nhập quốc tế. 

Thực hiện cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa với UNESCO về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di sản; kế hoạch quản lý, nghiên cứu di sản Thành nhà Hồ giai đoạn 2010 - 2030 đã được xây dựng trên cơ sở ý kiến tư vấn của các chuyên gia quốc tế đến từ Trung tâm Di sản thế giới của Vương quốc Anh và chuyên gia có kinh nghiệm trong nước về lĩnh vực di sản thế giới. 

Cổng phía Đông Thành nhà Hồ với mái vòm đá đồ sộ. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Để phục vụ công tác quản lý và bảo tồn Di sản thế giới Thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản khảo sát, lập đề án và thực hiện xây dựng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu (MAP GIS) cho Di sản góp phần quan trọng trong công tác quản lý các di tích phụ cận. Thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2015-2030. 

Trong đó, giai đoạn 2015-2020 sẽ thực hiện 3 nhóm dự án gồm: Triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới bảo vệ di tích; khai quật khảo cổ bổ sung và tiếp tục nghiên cứu các giá trị của di tích Thành nhà Hồ, các khu vực có liên quan; tu bổ, bảo tồn, tôn tạo di tích vùng lõi, trưng bày khảo cổ trong thành và phục hồi Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu. 

  Thanh Hóa đã thực hiện việc nghiên cứu toàn diện di sản bằng việc thực hiện đề án nghiên cứu khai quật khảo cổ học chiến lược giai đoạn 2013 - 2020 với diện tích khai quật 56.000 m2, trong đó có các hạng mục: Hào thành, chính điện, đường hoàng gia, các cổng thành. 

Đây là một trong những kế hoạch nghiên cứu khảo cổ quy mô lớn không chỉ ở Thanh Hóa nói riêng mà còn ở Việt Nam nói chung. Đáng chú ý nhất là những phát hiện và nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng tường thành đá lớn, một trong những vấn đề đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước nêu ra trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20 mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Trong 5 năm qua, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước đã tìm ra hàng loạt câu trả lời cho vấn đề trên như: Nguồn gốc đá xây thành; các công trường khai thác và chế tác, tu chỉnh đá xây thành; cách thức khai thác và công cụ chế tác đá xây thành... từ việc phát hiện ra các công trường khai thác đá ở núi An Tôn, núi Xuân Đài... 

Bên cạnh đó trong các năm 2015 - 2016, di tích Hào thành phía Nam và Hào thành phía Bắc được khai quật, nghiên cứu với diện tích 5.000 m2. Di vật thu được trong địa tầng khai quật như các loại đục sắt, các khối đá đang trong quá trình hoàn thiện, các mảnh dăm cổ đã minh chứng cho sự tồn tại một đại công trường tập kết, chế tác, tu chỉnh đá dưới chân tường thành với diện tích ước khoảng 180.000 m2. Kết quả các cuộc khai quật đã làm rõ cấu trúc của Hào thành cũng như chỉ ra giá trị độc đáo của Hào thành Thành nhà Hồ là ngoài chức năng phòng thủ, Hào thành còn là một công xưởng chế tác, tinh chế đá trước khi đưa lên xây lắp. 

Với mục tiêu xây dựng Thành nhà Hồ trở thành điểm đến, là thương hiệu du lịch của xứ Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng tạo điều kiện thuận tiện cho việc phát triển du lịch như: Nâng cấp quốc lộ 217, quốc lộ 45; Đầu tư các tuyến xe buýt nối từ Sầm Sơn, thành phố Thanh Hóa đến Thành nhà Hồ và suối cá Cẩm Lương; xây dựng hệ thống biển bảng quảng cáo, biển chỉ dẫn tới di sản Thành nhà Hồ dọc các tuyến quốc lộ 1A, 217, 45, đường Hồ Chí Minh... 

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt "Đề án Khai thác phát triển du lịch Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ" và "Đề án Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng huyện Vĩnh Lộc" với mục tiêu, định hướng bảo tồn di sản bền vững và phát triển huyện Vĩnh Lộc thành một trọng điểm du lịch của Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung. Việc kết nối các tour tuyến bước đầu cũng đạt được nhiều tín hiệu tích cực. 

Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định: "Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại, đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm to lớn của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Để di sản quý giá về mặt lịch sử văn hóa này đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương Thanh Hóa nói riêng và của cả nước nói chung cần phải có sự vào cuộc, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan ban ngành và toàn thể nhân dân. Hy vọng trong tương lai không xa chúng ta sẽ tự hào về một di sản thế giới Thành Nhà Hồ là trung tâm du lịch của cả nước, là một biểu tượng văn hóa - du lịch của tỉnh Thanh Hóa". 
Hoa Mai
Phát hiện trống đồng hơn 2.000 tuổi gần Thành Nhà Hồ
Phát hiện trống đồng hơn 2.000 tuổi gần Thành Nhà Hồ

Ngày 25/9, trong lúc đào móng nhà, ông Trịnh Văn Loán, ở thôn Cầu Mư, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc đã phát hiện một chiếc trống đồng cổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN