Thanh Hóa: Câu chuyện 80 tỷ đồng

80 tỷ đồng là khoản tiền khổng lồ đối với một người bình thường, nhưng sẽ là không quá lớn trong thời điểm hiện tại nếu sử dụng khoản tiền đó phục vụ cho một đội bóng ở V-League, nhất là khi đội bóng ấy được xem như niềm tự hào, là bộ mặt của cả một tỉnh như Thanh Hóa.

Tức là với nguồn vốn Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm, 80 tỷ là con số có thể thu xếp được. Song người ta vẫn nhìn nhận việc công bố khoản tiền vừa nhắc trong buổi lễ xuất quân của đội bóng xứ Thanh giống như một sự “lên gân” chứ không phải là một hành động bình thường vẫn thế.

Còn lại gì sau “đống tàn tro”?

Thày trò HLV Triệu Quang Hà cách đây chưa lâu đã bị loại khỏi giao hữu Vietbank Cup tổ chức ở Gia Lai sau khi kết thúc vòng bảng. Không có gì quá to tát để nói về kết quả ấy, bởi ngay cả những đội bóng mạnh như B.BD, HN.T&T hay SHB.ĐN đá giao hữu cũng thua nhiều hơn thắng, nhưng sẽ có rất nhiều điều để bàn với cách cả thày lẫn trò của đội bóng xứ Thanh ứng xử với thất bại.


Thanh Hóa (trái) sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ở V-League 2012. Ảnh: Quốc Khánh



Rất nhiều trận đấu với sự tham gia của Thanh Hóa đã diễn ra quyết liệt trên mức cần thiết, và ở một trong số đó cả BHL của họ cũng nhảy vào sân để phản ứng trọng tài, điều không hề phổ biến tại các giải giao hữu. Nó là dấu hiệu cho thấy đội bóng xứ Thanh rất muốn thắng, từ việc họ có một vị HLV mới đang cần thành tích để kiên cố hóa chiếc ghế của mình, cho đến việc mỗi kết quả của Thanh Hóa còn là để báo cáo lãnh đạo theo đúng tác phong của một CLB nửa doanh nghiệp-nửa "bao cấp" ở VN.

Nhưng cuối cùng, đội bóng xứ Thanh vẫn bị loại. Người lạc quan có thể nói rằng đá thử thì không giống với đá thật, nhưng nếu ai đó quan tâm đến bóng đá Thanh Hóa hẳn vẫn nhớ cùng thời điểm này năm ngoái, đội bóng ấy đã giành chức vô địch không chính thức ở giải bóng đá tập huấn Hà Nội mở rộng do HP.HN đăng cai tổ chức.

Với bóng đá VN, nếu đá thử không tốt, đá thật cũng khó mà tốt được. Với một đội bóng mất đi gần hết đội hình chính như Thanh Hóa, tìm kiếm một sự ổn định đã là thứ xa xỉ chứ chưa nói đến những điều to tát hơn. Nhưng dường như chỉ có đội bóng xứ Thanh là không nghĩ thế.

“Doping” tiền

Một khi đích thân ông chủ tịch CLB Nguyễn Văn Đệ tuyên bố ngân quỹ của Thanh Hóa mùa tới có 80 tỷ đồng cũng đồng nghĩa với một sự khẳng định: “Chúng tôi không thiếu tiền”. Nhưng vẫn phải hỏi ngược lại rằng tại sao với một ngân quỹ đủ để đua tranh chức vô địch như vậy, Thanh Hóa không thể giữ chân những cầu thủ tốt nhất của mình?

Nếu chỉ sử dụng ngôn ngữ của người trong cuộc về một thứ “bóng đá đạo đức” (nên cần phải thải loại những cầu thủ không có đạo đức) để giải thích e không ổn. Bởi chính những đôi chân ấy đã từng giúp Thanh Hóa có lúc thăng hoa đến tận vị trí thứ 3 trên BXH và lọt vào bán kết Cúp QG mùa trước. Và ngay cả khi những người ra đi có bị rêu rao là “hư hỏng” thì chừng đó vẫn là không đủ để tạo thành trở lực ngăn cản họ tìm thấy một chỗ “ấm” hơn.

Thay vào đó, cách lấy người theo kiểu “vơ bèo gạt tép” nhưng cố tự trấn an dư luận và trấn an chính mình rằng “cầu thủ đến với Thanh Hóa trước hết phải có đạo đức” chỉ khiến người ta cảm nhận rõ hơn việc đội bóng xứ Thanh đang “run”.

Trong những trường hợp như vậy, sử dụng “doping tiền” có vẻ vẫn là một cách làm khá quen thuộc với bóng đá VN. Thế nên không ngạc nhiên khi một đội bóng của một tỉnh thuộc diện nghèo nhất cả nước nhưng bây giờ phải “gồng” lên theo dáng vẻ của một đội bóng nhà giàu để đánh động “nhân tâm”. Trước khi V-League 2011 khởi tranh, thời điểm Thanh Hóa chưa có “vị” gì và bị nhận định là ứng cử viên hàng đầu cho suất xuống hạng, “chiêu” đó cũng từng được sử dụng.



Theo thethaovanhoa.vn



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN