Thành cổ Luy Lâu bị xâm hại nghiêm trọng

Bài 1: Thành cổ Luy Lâu - những giá trị lịch sử

 

Thành cổ Luy Lâu (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), cách đây khoảng 2.000 năm từng là trung tâm kinh tế, văn hóa của người Việt. Nơi đây còn lưu giữ một khối lượng di vật, cổ vật và tài liệu vô cùng phong phú, đa dạng… nhưng do chưa coi trọng công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu tôn tạo, nên thành cổ Luy Lâu đang bị xâm hại nghiêm trọng, cần được bảo vệ khẩn cấp.

 

Cây cầu đá trên lối vào đền Sỹ Nhiếp trong thành cổ Luy Lâu.

 

Thành Luy Lâu là khu di tích có quy mô rộng lớn với nhiều loại hình di tích phong phú, gồm thành lũy, nơi cư trú, đền đài, chùa tháp, lăng mộ, lầu gác…; đặc biệt là khối lượng di sản trong lòng đất thuộc khu thành Luy Lâu chứa đựng nhiều nội dung lịch sử - văn hóa quý giá đã giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu lịch sử, văn hóa Việt Nam ở thời kỳ trước và sau Công nguyên.


Theo ông Nguyễn Duy Nhất, Giám đốc Ban quản lý di tích (Sở VH, TT & DL tỉnh Bắc Ninh), kết quả khai quật khảo cổ học và các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, lịch sử cho thấy: Thành Luy Lâu là trụ sở của quận Giao Chỉ thời Bắc thuộc - trụ sở hành chính và căn cứ quân sự của bộ máy cai trị nhà Hán - Đường ở Giao Châu. Nơi đây còn là chốn tổ của Phật giáo Việt Nam; trung tâm giao lưu hội nhập kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, ở những thế kỷ trước và sau Công nguyên. Toàn bộ thành nằm trên một dải đất cao, mặt thành về hướng tây, đầu kề bên dòng sông Dâu cổ, thân nằm trọn trong lòng làng Lũng Khê (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành), cách tỉnh lộ 182 khoảng 200 m về phía bắc, cách sông Đuống khoảng 3 km về phía nam.


Thành Luy Lâu gồm 2 khu vực: Thành nội và thành ngoại, có hình dạng chữ nhật, với hệ thống bố phòng kiên cố, lũy thành đắp đất vững chắc, phía ngoài có hào nước bao bọc. Trên mặt lũy thành có tháp canh, lầu gác, cửa, hệ thống đường ra vào… Những chứng tích khảo cổ học còn lại cho thấy, cấu trúc của thành Luy Lâu rất to lớn, bề thế, tề chỉnh như kinh đô của một nước, đồng thời cũng là một thành phố sầm uất.


Trong thành Luy Lâu còn lưu giữ một khối lượng di sản văn hóa rất phong phú và đặc sắc, bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, mang giá trị và đặc trưng tiêu biểu như các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng đình, đền; hệ thống chùa, tháp, lăng mộ; các di chỉ cư trú, các khu lò gạch, gốm sứ, các khu mộ táng, dấu vết sông ngòi, đường quốc lộ, cảnh quan môi trường… Đặc biệt, tại khu vực này, năm 2009, tiến sỹ khảo cổ học người Nhật Bản Nishimura Masanari đã phát hiện được một mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ I - III sau Công nguyên. Cho đến nay, đây là mảnh khuôn đúc trống đồng đầu tiên phát hiện ở Việt Nam, và là một tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu trống đồng. Trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam là một biểu tượng của thời kỳ dựng nước, biểu tượng cho tinh thần, văn hóa dân tộc của Việt Nam. Trước đây đã có lúc, có người cho rằng trống đồng ở Việt Nam có thể từ nơi khác truyền bá tới vì chưa tìm thấy công cụ sản xuất ra trống đồng, tức là tìm thấy khuôn đúc, hay lò đúc... Chính vì vậy, mảnh khuôn trống đồng tiến sỹ Nishimura phát hiện được có giá trị rất lớn để khẳng định rằng trống đồng của người Việt xưa đã được sản xuất tại chỗ.


Theo Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long (NXB Văn hóa Thông tin phát hành năm 2009, do AHLĐ - Giáo sư Vũ Khiêu làm Chủ tịch Hội đồng biên soạn): Các nguồn thư tịch, tài liệu ở Luy Lâu, nhất là “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh”; lưu tại chùa Dâu cho thấy, vào thế kỷ II-III sau CN, Luy Lâu là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của nước ta. Hoạt động Phật giáo ở đây rất nhộn nhịp và tập trung. Tăng viện, chùa tháp được xây cất rất quy mô, tàng chứa hàng trăm bộ kinh. Hàng trăm tăng sỹ Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Á… đã tới Luy Lâu truyền đạo, nghiên cứu, biên dịch kinh Phật, đào tạo tăng đồ. Người đầu tiên đến Luy Lâu và dựng trung tâm Phật giáo ở đây là giáo sỹ Ấn Độ Khâu Đà La. Các bộ kinh Bát thiên tung bát nhã, Pháp Hoa tam muội… là những bộ kinh xưa nhất trong hệ bát nhã, đã được các tăng sĩ nghiên cứu và biên dịch tại Luy Lâu...


Song, các yếu tố văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng ngoại nhập, khi vào Luy Lâu đều đã hòa nhập với văn hóa và tín ngưỡng bản địa, và tất cả đã được chuyển hóa, tái tạo để mang những nội dung, yếu tố văn hóa Việt: Tôn thờ, ơn nhớ tổ tiên, sùng bái những bậc thánh thần, tiên Phật, những danh nhân có công phù giúp nhân dân làm ăn, đánh giặc, bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc… Và thật dễ hiểu, ngay tại trung tâm Luy Lâu, vẫn đậm đặc những đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân - Âu Cơ, những tướng lĩnh của Hùng Vương, Hai Bà Trưng... Từ lâu, hàng năm vào ngày 5 tháng Giêng, nhân dân Luy Lâu vẫn mở hội kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tổ chức mừng chiến thắng Tô Định và khao thưởng quân sỹ. Nhưng sôi động và cuốn hút nhất vẫn là lễ hội Dâu hàng năm vào ngày 8 tháng tư âm lịch. Các nghi lễ tắm Phật, rước tượng “Thạch quang”, “Tứ pháp”, diễn trò cướp nước trong lễ hội… đã thể hiện sức sống mạnh mẽ của văn hóa bản địa người Việt và sự hòa nhập của văn hóa tín ngưỡng Ấn Độ, Trung Quốc tại trung tâm Luy Lâu thời Bắc thuộc.

 


Bài và ảnh: Phương Hà

 

Bài 2: Di tích biến thành chợ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN