Thăm lăng mộ cổ tướng Khmer

Khu lăng mộ của ông Dung Ngọc Hầu Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn nằm cách huyện lỵ Trà Ôn, Vĩnh Long khoảng 2 km. Ông là một vị tướng quân người dân tộc Khmer rất được nhân dân sùng kính, tôn thờ.


Người dân ở đây rất quen thuộc câu hò:


“…Lịch thay cuộc địa Trà Ôn


Miếu ông Điều Bát lưu tồn đến nay…”.


Tục truyền, ông tên thật là Thạch Duồng, sinh năm 1763 tại làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Do có nhiều công lao với chúa Nguyễn trong việc chiến chinh và khai hoang mở đất nên ông được chúa đổi sang họ Nguyễn và lấy tên là Văn Tồn và ban tặng tước hiệu Dung Ngọc Hầu Tiền quân Thống chế Điều Bát. Chuyện xưa kể rằng ông là người đầu tiên có công khai phá đất vùng Trà Ôn, Cầu Kè, Trà Vinh và nhiều vùng đất Nam Bộ khác. Không hiểu người xưa có thêu dệt hay không, chỉ nghe kể ông đi đến đâu thì hùm, sói, beo, rắn độc… đều chạy mất trước uy đức của ông. Tính ông cương trực, khẳng khái, văn võ song toàn, đã quyết thì làm cho bằng được dù khó khăn mấy cũng hoàn thành. Đặc biệt ông rất thương yêu nhân dân và binh sỹ thuộc quyền, luôn giữ gìn kỷ cương phép nước.

 

Cổng vào lăng.


Ông đã từng phò tá đội quân danh tướng Thoại Ngọc Hầu đem quân sang đánh Xiêm La giúp nước Cao Miên khỏi bị xâm lấn. Ông còn đem 5.000 quân đến kênh Vỉnh Tế (Châu Đốc) khai hoang ngọt hóa vùng đất hoang sơ này. Năm 1820 ông mất tại quê hương Trà Ôn. Để tỏ lòng thương tiếc và tri ơn bậc hiền tài vì nước vì dân, nhân dân Trà Ôn xây dựng lăng mộ thờ ông. Lăng này được thiết kế khá công phu, lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị hàng trăm năm trước. Hàng năm lễ giỗ của ông được tổ chức rất trang trọng vào mùng 3 và 4 tháng 1 âm lịch với nghi thức rất trang trọng gồm phần lễ và phần hội thu hút hàng chục ngàn người dân từ các tỉnh về tham gia. Lễ giỗ của bà tổ chức vào hai ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch.

 

Chánh điện.


Cũng cần nói thêm khu lăng mộ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996 này còn thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt, Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định, anh hùng Nguyễn Trung Trực, đặc biệt còn thờ một vị tướng có công rất lớn với quê hương Trà Ôn và từng là phó soái cho Tướng quân Trương Định là phó tướng Nguyễn An. Tương truyền phó tướng Nguyễn An đã nhiều lần tổ chức lực lượng đánh Pháp vùng Trà Ôn, Vũng Liêm, Măng Thít. Ngày 7/2/1872, phó soái Nguyễn An chỉ huy lực luợng đánh vào chợ Trà Ôn và các đồn lính Pháp tiêu diệt khá nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí. Trên đường rút lui, ông trúng đạn và hy sinh ở tuổi 47. Lúc này ở Trà Ôn xuất hiện bàì thơ thương tiếc ông được lưu truyền trong nhân dân:

Chí cả cao dầy chưa báo đáp


Can Tràng đạo nghĩa gánh đôi vai


Vững chí bền gan cùng nghĩa sỹ


Đau lòng nước mất nợ non sông


Gần hai thế kỷ đã đi qua, tấm gương ngời sáng khí tiết, đức độ khoan dung của Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn luôn là niềm tự hào to lớn của người dân Trà Ôn nói riêng, người dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung. Ông đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, là tấm gương mẫu mực về tình yêu quê hương đất nước, ý chí chiến đấu kiên cường.


Tuy vậy theo ông Nguyễn Văn Sáu, người coi sóc lăng mộ mấy chục năm qua, hiện còn nhiều điều bí ẩn chưa lý giải được là vì sao phần mộ của ông có dựng mộ bia, còn phần mộ của bà thì không thấy dựng. Nhiều câu chuyện bí ẩn thêu dệt xung quanh câu chuyên trên chưa có lời đáp. Thắc mắc thứ hai là từ “Điều Bát” thì vẫn còn nhiều ý kiến giải thích khác nhau.

 

Triệu Mỹ Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN