Thái Bình khẳng định không phát ấn đền Trần

Mấy ngày qua, báo chí đưa tin Đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) sẽ phát ấn vào đêm khai hội (13 tháng Giêng ÂL). Tuy nhiên, chiều qua (1/2), trong cuộc gặp mặt với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà khẳng định, lễ hội đền Trần được tái dựng từ ba năm nay nhưng tỉnh và huyện chưa bao giờ đặt vấn đề phát ấn.

Lễ hội đền Trần tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 9/2 (tức 13 đến 18 tháng Giêng ÂL) với các lễ tế, rước, bái yết, dâng hương, thi pháo đất, cờ biển, thả diều, cỗ cá... Trong đêm khai mạc lễ hội (truyền hình trực tiếp trên PT-TH tỉnh Thái Bình, phát sóng lại trên VTV), hoạt cảnh chèo Đất thiêng dựng nghiệp nhà Trần do 70 nông dân đất chèo Thái Bình trình diễn sẽ giúp người xem có cái nhìn tổng quan về quá trình khởi nghiệp ở đất Hưng Hà của triều Trần.

Về thông tin đền Trần cũng sẽ phát ấn, ông Chuyên khẳng định lễ hội đền Trần được tái dựng từ ba năm nay nhưng tỉnh và huyện chưa bao giờ đặt vấn đề phát ấn. Theo ông Chuyên, ấn tín thể hiện quyền lực hành chính của nhà Trần, vì thế, để xây dựng một sản phẩm du lịch, huyện này không xác định là phải phát ấn.



Cổng vào khu di tích đền Trần (Thái Bình).



Trả lời câu hỏi liên quan tới dư luận cho rằng, Thái Bình tổ chức lễ hội đền Trần hoành tráng nhằm cạnh tranh với tỉnh Nam Định, lãnh đạo huyện Hưng Hà cho biết, tất cả những nơi trên đất nước ta tôn thờ nhà Trần đều rất đáng trân trọng. Ông Chuyên cho biết thêm: “Địa lịch sử của nơi đây đã khẳng định đây là mảnh đất khởi nghiệp của nhà Trần nên chúng tôi không đặt vấn đề mở rộng quy mô mà từng bước hoàn thiện lễ hội. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị điều kiện để nếu khách thập phương về đông thì vẫn đáp ứng được. Bản thân sự khác nhau về yếu tố địa lịch sử của hai nơi đã tạo ra sự khác biệt. Ngoài ra, những hoạt động văn hóa dân gian ở Thái Bình cũng khác Nam Định, do đó du khách hoàn toàn có thể thấy sự khác nhau này”.

Theo thông tin từ BTC lễ hội đền Trần, năm 2011, lễ hội này đã đón hơn 10 vạn du khách. Dự đoán con số này sẽ tăng lên khoảng 20 vạn trong năm nay. Tuy nhiên, khác với sự lo ngại của dư luận về vấn nạn “chặt chém” du khách, ông Nguyễn Hồng Chuyên khẳng định, việc trông giữ xe được giao cho xã quản lý với mức giá theo đúng quy định của ngành thuế. Sẽ có thanh tra thuế thường xuyên giám sát và sẽ xử lý nặng với các trường hợp vi phạm, nhằm tạo ra sự văn minh, lịch sự cho lễ hội.

Được biết, từ năm 1990, đền Trần đã được công nhận là quần thể di tích văn hóa khảo cổ cấp quốc gia. Năm 1997, phế tích này bắt đầu được quy hoạch tổng thể trên diện tích 24,5ha. Từ đó tới nay, các hạng mục trong quy hoạch đã dần dần được đưa vào thực hiện. Theo chủ trương của tỉnh Thái Bình, quy hoạch đến đâu, đưa vào sử dụng đến đó. Slogan được đặt ra: “Đền Trần - hướng tới văn hóa du lịch tâm linh” bởi lý do đây là nơi phát nghiệp, đặt mộ tổ, các vua, hoàng hậu và công chúa nhà Trần.


Theo thethaovanhoa.vn
Trả lại giá trị thực cho Lễ Khai ấn đền Trần
Trả lại giá trị thực cho Lễ Khai ấn đền Trần

Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2011, những bất cập xảy ra trong việc tổ chức Lễ Khai ấn đền Trần ở Nam Định đã tốn không ít giấy mực của báo giới. Có nhiều ý kiến cho rằng không nên phát ấn đền Trần, như vậy sẽ không còn cảnh chen lấn, xô đẩy để mua được ấn, hay ấn giả...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN