Tạo niềm đam mê với âm nhạc truyền thống

Cứ mỗi sáng chủ nhật, tại Cung văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, hàng chục con người khác nhau về lứa tuổi, nghề nghiệp... lại tụ họp, cùng nhau chia sẻ tình yêu, niềm đam mê đối với các loại hình âm nhạc dân tộc.

Ấm áp tiếng “cung tơ”

Sáng chủ nhật 13/6, phòng tập của Câu lạc bộ (CLB) “Tiếng hát quê hương” tại Cung văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh bỗng đông vui, nhộn nhịp hơn thường lệ. Từ các em nhỏ cho đến những anh chị “đứng tuổi”, đều hăng say tập luyện để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc với chủ đề “Hoa quê hương” một hoạt động thường xuyên của CLB. Căn phòng nhỏ chỉ khoảng 30 m2 ngập tràn âm thanh réo rắt của đàn tranh, tiếng sáo vi vu trong vắt, tiếng đàn bầu với cung thanh, cung trầm sâu lắng...

Các thành viên câu lạc bộ “Tiếng hát quê hương” đang tập dượt cho chương trình âm nhạc dân tộc “Hoa quê hương” diễn ra vào ngày 21/6.




Em Lương Hải Phượng (12 tuổi), đã theo học nhạc cụ đàn tranh ở đây hơn một năm qua, đang chăm chút đôi tay trên cây đàn tranh, nhấn từng nốt nhạc của bài “Lý ngựa ô” theo nhịp phách của Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan - chủ nhiệm CLB. “Em thích học đàn lắm. Lúc đầu em xin mẹ học đàn piano hoặc guitar, nhưng mẹ khuyên em học đàn tranh. Mẹ nói, đàn tranh mang đậm nét quê hương, chỉ có Việt Nam mình mới có. Nghe lời mẹ, nên em đi học. Đến nay, nhờ được cô Hoan và các anh chị đi trước chỉ dạy, em đã có thể chơi được hơn 6 bài nhạc rồi. Càng học em càng thấy yêu nhạc cụ này”.

Ngồi cách Hải Phượng không xa, anh Nguyễn Đình Khoa (31 tuổi) đang tập đánh những bài đơn giản như: “Tập đếm”, “Con chim non”, “Bài ca đi học”... trên cây đàn bầu. Khoa cho biết, anh đã yêu thích loại nhạc cụ dân tộc này từ rất lâu, nhưng đến bây giờ anh mới có dịp tiếp cận. “Kỷ niệm lớn nhất của tuổi thơ tôi là những ngày bà con trong xóm quây quần bên mái hiên nhà, cùng với cây đàn cò, đàn bầu... uống trà và hát đến tận khuya. Lớn lên, tôi xa quê lên thành phố học tập, bây giờ tôi mới có thể học được nhạc cụ mà mình yêu thích. Mỗi lần tôi nghe tiếng đàn bầu, âm thanh của loại nhạc cụ này thật da diết, như mang “tiếng lòng” của mình vào đấy”, Khoa chia sẻ.

Giữa sự náo nhiệt, hối hả của cuộc sống hiện đại, ở nơi đây, âm nhạc truyền thống vẫn như mạch nước ngầm âm thầm tuôn chảy, lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc cho thế hệ trẻ. Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan tâm sự: “CLB Tiếng hát quê hương được thành lập vào năm 1981. Đã hơn 30 năm qua, điều mà tôi cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc nhất chính là góp phần gìn giữ, tạo niềm đam mê nhạc cụ dân tộc cho các thế hệ trẻ của đất nước”.

Giữ gìn và phát triển di sản của dân tộc

Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan cho biết, qua quá trình hoạt động, chị đã phát hiện ra nhiều người có năng khiếu âm nhạc dân tộc và chị đã động viên họ thi vào Nhạc viện để đi theo hướng chuyên nghiệp. Có thể kể đến những danh cầm như: Hải Phượng (giải nhất đàn tranh châu Á), Hải Yến, Kiều Vũ Chinh, Kiều Vũ Chính, Ngọc Tú, Phạm Thị Tiền (đàn tranh), Vân Anh (tam thập lục)... đã từng trưởng thành từ CLB “Tiếng hát quê hương”. Bên cạnh đó, một số thành viên khác sau khi đi định cư ở nước ngoài vẫn tiếp tục truyền bá nhạc cụ dân tộc, góp công sức nhỏ bé cho việc gìn giữ và phát triển giá trị tinh hoa dân tộc Việt Nam. “Đến với CLB, mọi thành viên đều có cảm nhận gần gũi, thân quen, cùng chia sẻ những khó khăn trong việc học tập. Người đi trước chỉ dẫn cho người đến sau như là một bổn phận”, Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan xúc động nói.

Nhiều năm qua, CLB “Tiếng hát quê hương” đã góp phần phổ cập âm nhạc dân tộc, tạo được sự yêu thích và phát triển phong trào học âm nhạc dân tộc cho các thế hệ nhân dân thành phố. “Tôi rất mong mỏi nhạc cụ dân tộc sẽ được “tiếp sức” để lan tỏa, phát triển mạnh mẽ hơn, đi vào đời sống ở mọi tầng lớp nhân dân. Hình dung rằng, đến một ngày nào đó, ở đâu đó trên đường phố Sài Gòn, hình ảnh quen thuộc những nhóm bạn trẻ quây quần bên cây đàn guitar, violon... thì cũng sẽ có các nhóm bạn trẻ khác ngồi bên nhau và trình diễn mọi loại âm nhạc từ cổ điển đến đương đại bằng chính nhạc cụ dân tộc Việt Nam”, anh Võ Thanh Phong, giảng viên khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP.HCM, đã tham gia học đàn tranh ở CLB từ 6 năm qua, nói.
Anh Đức
Liên hoan cồng chiêng, nhạc dân tộc Quảng Ngãi

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện Ba Tơ (30/10/1972 - 2012), trong hai ngày 26, 27/10, tại Quảng Trường 11/3 huyện Ba Tơ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Ba Tơ đã tổ chức Liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca tỉnh Quảng Ngãi lần thứ I, năm 2012.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN