Tái hiện xẩm tàu điện - nét văn hóa độc đáo Hà thành

Từ ngày 26 - 28/10, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam diễn ra chương trình "Xẩm tàu điện - Văn hóa đường phố Hà thành" nhằm tái hiện một nét văn hóa độc đáo của người Hà Nội một thời. Chương trình do Hội quán di sản phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Tạp chí điện tử 3nana tổ chức.


Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo có từ lâu đời tại các tỉnh miền Bắc nước ta với hai thể loại chính là xẩm chợ và xẩm cô đầu. Riêng tại Hà Nội còn có một dòng xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được, đó là "Xẩm tàu điện".


NSƯT Thanh Ngoan, một trong những nghệ sĩ biểu diễn xẩm được nhiều người yêu thích.


Xẩm tàu điện ra đời và tồn tại gắn liền với sự xuất hiện cho đến khi ngừng hoạt động của tàu điện Hà Nội trong suốt gần một thế kỷ (1900 - 1992). Trong trí nhớ của người Hà Nội, ga tàu điện ở Bờ Hồ là hình ảnh rất đỗi thân quen trong suốt một thời gian dài, là phương tiện chủ yếu của công chức, công nhân, người chạy chợ,… kết nối nội thành và vùng ven Hà Nội. Và những chuyến tàu điện từ Bờ Hồ tỏa đi các tuyến Yên Phụ, chợ Bưởi, chợ Mơ, Cầu Giấy, Hà Đông, Vọng đã trở thành không gian diễn xướng lý tưởng cho xẩm, một loại hình âm nhạc đường phố “độc nhất vô nhị” này.


Xẩm tàu điện khác với các loại hình xẩm truyền thống ngoài việc được hát trên tàu còn ở trang phục, ca từ, nhạc cụ của người biểu diễn. Theo những nhà nghiên cứu, trang phục của nghệ nhân hát xẩm tàu điện, nam thường mặc quần áo nâu, mùa rét khoác thêm bên ngoài áo veston; nữ luôn mặc áo tối màu (nâu hoặc xám), có áo yếm sáng màu, váy đến đầu gối (trong khi trang phục của nghệ nhân xẩm chợ truyền thống thường là mặc áo tơi, đội nón lá).


Nội dung các bài xẩm tàu điện cũng không dài lê thê, giai điệu buồn… như xẩm ở làng quê, xẩm chợ mà ngắn gọn hơn, tiết tấu nhanh, rộn ràng hơn, nhiều bài xẩm được phổ thơ của những nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Bính, Tản Đà, Nguyễn Khuyến,… Tất cả những khác biệt này nhằm phù hợp với đối tượng nghe là người thành thị, lại là những người luôn trong tư thế di chuyển trên tàu, đi các tuyến phố ngắn. Cũng bởi đặc trưng luôn phải di chuyển mà nhạc cụ của những người hát xẩm tàu điện được tối giản, chỉ có nhị hồ và song loan, trong khi xẩm chợ khá nhiều nhạc cụ gồm cả đàn bầu, đàn nhị, và một thứ không thể thiếu là trống.


Ông Nguyễn Văn Lượng, nhà ở ngõ 74 phố Hàng Chiếu, từng là người lái tàu điện ở Hà Nội trước những năm 90 của thế kỷ trước và là người lái chiếc tàu điện cuối cùng từ Hà Đông về nhà ga ở Thụy Khuê, đánh dấu sự kết thúc của một loại hình vận tải công cộng của người Hà Nội một thời, kể rằng có đủ loại hành khách với nhiều ngành nghề đi tàu điện. Bác sĩ có, công nhân có, học sinh có, trộm cắp móc túi, kẻ bán hàng rong, người hát xẩm…


Cũng chính trên những chiếc tàu điện ấy đã hình thành nên hình thức hát xẩm tàu điện rất đặc trưng. Trừ những ngày tàu đông do phiên chợ, còn lại những ngày khác, những người hát xẩm đều tìm được chỗ cho mình trên tàu điện mà không cần phải mua vé. Có khoảng bốn người hát xẩm luôn thường trực ở ga giao nhận và cũng là nơi tập trung đông nhất hành khách đi tàu điện ở Bờ Hồ, nơi bây giờ là tòa nhà 5 tầng Hàm Cá Mập trên đường Đinh Tiên Hoàng ngay đầu đường rẽ vào phố Hàng Đào.


Trong số ấy, có một người hát xẩm rất đặc biệt bị mù tên là Bình. Xẩm Bình “mù” có biệt tài hát xẩm và chơi ghi ta rất hay, nhất là những bài hát trữ tình nhạc đỏ như “Giọt mưa thu”. Xẩm Bình mù nhưng có thể nhận ra hầu hết các lái tàu chỉ cần nghe tiếng. Hát xong ai biếu tiền thì nhận, ai bảo kiểu đãi bôi “cho ông này” thì không khi nào nhận tiền cả.


Tuy nhiên, sau gần một thế kỷ tồn tại, khi tàu điện không còn, những tuyến đường ray lần lượt bị tháo dỡ, xẩm tàu điện vì thế cũng lui dần vào dĩ vãng. Vì thế, trong chương trình "Xẩm tàu điện - Văn hóa đường phố Hà thành” lần này, trong khả năng có thể, những người thực hiện chương trình mong sẽ tái hiện phần nào loại hình diễn xướng dân gian này.


Những người thực hiện chương trình cho biết, xẩm tàu điện có những nét độc đáo rất riêng của nó, vì thế việc tái hiện lại loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này (khi mà tàu điện giờ chỉ còn là trong quá khứ), để người xem dễ hình dung về một loại hình nghệ thuật hiện không còn phổ biến như đầu thế kỷ 20 và suốt trong gần một thế kỷ sau đó là một trong những trăn trở rất lớn. Sau khi khảo sát thực tế cộng với những quy định về đảm bảo an toàn, an ninh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ban tổ chức đã thống nhất sẽ tái hiện phần nào không khí của phố cổ Hà Nội xưa với những đặc trưng của thời điểm đó thông qua trình chiếu 3D và một số hoạt động khác, mà trong đó có chương trình ẩm thực đường phố (hoàn toàn miễn phí cho khách tham quan).


Chương trình "Xẩm tàu điện - Văn hóa đường phố Hà thành” sẽ giới thiệu đến khán giả trong và ngoài nước loại hình xẩm tàu điện với những nét độc đáo khác biệt của nó. Trang phục biểu diễn của các nghệ sĩ hát xẩm sẽ mang đặc trưng của loại hình xẩm (quần áo nâu). Các bài hát trong chương trình cũng là những làn điệu được lựa chọn sao cho thể hiện rõ nhất chất xẩm tàu điện (những bài có tác giả, những bài ứng biến linh hoạt...).


Nhạc cụ chính được sử dụng trong chương trình là đàn bầu, nhị hồ. Các nghệ sĩ: NSƯT Hoàng Anh Tú, nghệ sĩ nhí Thanh Thanh Tấm cùng êkíp và các nghệ sĩ khách mời như NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thế Dân… sẽ biểu diễn những làn điệu xẩm tàu điện từng làm nức lòng hàng triệu lượt thính giả - khách đi tàu xưa như: Lỡ bước sang ngang, Vui nhất Hà thành, Mục hạ vô nhân, Anh khóa, Chân quê, Trăng sáng vườn chè, Lơ lửng con cá vàng… Bên cạnh đó còn có các bài xẩm quảng cáo bán hàng như: Tăm tre, thuốc cam Hàng Bạc, thuốc ho bà lang Trọc, dầu cù là... với vần điệu và ca từ đầy dí dỏm.



Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN