Sức trẻ của nền điện ảnh Việt

Với chất lượng tác phẩm đạt giải năm nay, Búp sen vàng mùa giải thứ 5 không chỉ là nơi vinh danh những nỗ lực và tài năng của các đạo diễn trẻ trong một dự án làm phim mà còn là lời khẳng định sức trẻ của nền điện ảnh Việt đang lên.

 

Mùa giải Búp sen vàng 2014 đã khép lại với đêm chung kết đầy cảm xúc vào tối 3/8, với 2 bộ phim xuất sắc được trao giải Búp sen vàng là “Một ngày bình thường” của đạo diễn trẻ Nguyễn Duy Linh ở hạng mục phim tài liệu ngắn và “Sắc màu dịu êm” của đạo diễn trẻ Nguyễn Trung Kiên thuộc hạng mục phim truyện ngắn.

 

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (người thứ hai bên phải) hướng dẫn các bạn trẻ học quay phim.

Khởi động từ năm 2010, Búp sen vàng là giải thưởng thường niên vinh danh những tác phẩm xuất sắc của các đạo diễn trẻ tham gia làm phim với dự án Chúng ta làm phim do Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh TPD (Hội Điện ảnh Việt Nam) tổ chức. Các bạn trẻ là học sinh cấp 2, cấp 3 có khả năng trở thành một đạo diễn với khả năng sản xuất một bộ phim độc lập.


Khi đạo diễn trẻ “dấn thân”


Dù là lần đầu tiên cầm máy quay và tự tay thực hiện những thước phim theo ý tưởng của mình, đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Mỹ Tiên thực sự bất ngờ khi bộ phim tài liệu “Những người bình thường” do cô thực hiện đã lọt vào danh sách 10 phim xuất sắc đề cử giải Búp sen vàng 2014. Là một bộ phim tài liệu thực tế về cuộc sống và số phận của những bệnh nhân ở bệnh viện tâm thần, bộ phim đã gây được sự xúc động mạnh đối với người xem. Để có được những thước phim ấn tượng và chân thực nhất về đề tài cuộc sống của những bệnh nhân tâm thần, đạo diễn không chỉ dám “dấn thân” thực sự vào đời sống của các nhân vật mà còn phải có một sự đồng cảm sâu sắc về một góc khuất của xã hội mà không phải ai cũng nhìn thấy được.


Mỹ Tiên chia sẻ: “Với đề tài mà tôi chọn, việc tiếp cận với các nhân vật và để quay phim về họ là một điều vô cùng khó khăn. Rất may mắn đối với tôi là khi trình bày ý tưởng làm phim tôi đã nhận được rất nhiều giúp đỡ của các bác sĩ tại bệnh viện tâm thần Hoài Đức (Hà Nội) và có thể tiếp cận được với các bệnh nhân. Tôi cũng đã phải tìm hiểu trước qua một người bạn đã từng có thời gian thực tập ở bệnh viện này. Ban đầu tôi cũng e dè, nhưng khi tiếp xúc với bệnh nhân thì thấy họ cởi mở, dễ gần, thậm chí rất thân thiện và không ngại máy quay nữa. Thế nên tôi nghĩ làm phim về họ không phải là khó khăn mà là may mắn của mình”.


Với Dự án “Chúng ta làm phim”, các đạo diễn trẻ được tiếp cận với cách làm phim tài liệu hoàn toàn mới. Đó là đề cao tuyệt đối tính chân thực bằng việc không dùng lời bình mà kể câu chuyện bằng hình ảnh và để nhân vật tự kể chuyện về mình. Bởi vậy để có được những thước phim hay, nhất là với các đề tài gai góc, thậm chí đạo diễn đôi khi phải “ăn chực nằm chờ” ở nhiều nơi, phải dầm mưa dãi nắng, đi đêm về hôm.


Đạo diễn trẻ Lê Dung tâm sự: Không chỉ tôi mà tất cả mọi người khi tham gia Dự án “Chúng ta làm phim” đều đã xác định trước là học để trải nghiệm cuộc sống. Làm các bộ phim đề tài về xã hội đều rất khó, phải đầu tư nhiều thời gian, thậm chí nguy hiểm nên nhiều khi bố mẹ tôi không đồng ý cho theo đuổi đề tài. Nhưng vì yêu thích và đam mê điện ảnh, tôi vẫn thuyết phục được bố mẹ để theo đuổi ước mơ làm phim của mình”.


“Làm phim tài liệu đã khó, sản xuất phim truyện ngắn tưởng như đơn giản hơn nhưng người đạo diễn cũng phải trăn trở với đề tài, phải tự nghĩ đề tài, tự xây dựng kịch bản, tự quay, tự dựng, làm phim độc lập là như vậy, nó không hề đơn giản chút nào”, đạo diễn trẻ Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.


Xây dựng cộng đồng làm phim


Chỉ với một chiếc máy quay, thậm chí chỉ là chiếc máy ảnh có chức năng quay phim cũng có thể làm được một bộ phim. Dự án “Chúng ta làm phim” của TPD qua 5 năm thực hiện đã xây dựng được một phong trào học và tự làm phim rộng rãi trong giới trẻ, tạo điều kiện cho các bạn trẻ tiếp cận với điện ảnh và thực hiện mơ ước trở thành đạo diễn.


Hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận, TPD có vai trò như người hướng dẫn và hỗ trợ cho các tài năng đạo diễn trẻ. Các bạn trẻ tham gia học làm phim sẽ được hướng dẫn những thao tác cơ bản để có thể làm một bộ phim như: Học làm kịch bản, học quay phim, dựng phim như một nhà làm phim độc lập thực thụ. Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, trào lưu làm phim ngắn của Việt Nam hiện nay còn mang tính tự phát, thiếu tính nền tảng và chưa có sự hỗ trợ. Dự án “Chúng ta làm phim” của Trung tâm TPD là một dự án không những hướng cho các bạn trẻ đến với nền điện ảnh chuyên nghiệp thực sự mà còn mở rộng cơ hội để các bạn trẻ thể hiện tài năng của mình.


Các bạn trẻ tham gia các khóa học làm phim của TPD được hỗ trợ máy móc để quay phim, dựng phim và điều quan trọng nhất là tự học hỏi lẫn nhau.
Đạo diễn trẻ Mai Lê Dũng chia sẻ: “Những lợi ích của việc học làm phim mang lại hơn cả những gì tôi nghĩ. Để làm được một bộ phim, tôi không những phải nắm rõ quy trình, các thao tác mà còn phải tự học hỏi qua các bạn đã học trước đó. Rồi trong quá trình làm phim từ tiền kỳ, quay phim, cho đến hậu kỳ, chúng tôi cũng phải hoàn toàn chủ động trong mọi công việc”.

 

Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN