Số phận đặc biệt của “Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng”

Nhiều người đã biết rằng bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân được xuất phát từ kịch bản văn học “Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng” của nhà văn Sơn Tùng, trong đó có chất liệu chủ yếu được lấy từ cuốn “Búp sen xanh” của ông. Nhưng chắc hẳn rất ít người biết được về số phận đặc biệt của kịch bản phim này.

Ông Sơn Định, con trai nhà văn Sơn Tùng.


Trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Kim Đồng đã giới thiệu cuốn sách “Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng” đến bạn đọc cả nước. Ngay khi cuốn sách ra mắt, chúng tôi tìm đến gia đình nhà văn Sơn Tùng, để tìm hiểu lý do vì sao, sau 25 năm ra đời, kịch bản văn học của bộ phim nổi tiếng này mới ra mắt bạn đọc.

Trong căn phòng nhỏ, nhà văn Sơn Tùng ngồi đó, nhưng do tuổi cao, lại bị tai biến, ông có thể nghe được, nhưng không nói được. Ông Sơn Định, con trai nhà văn Sơn Tùng, đã kể cho chúng tôi nghe số phận đặc biệt của kịch bản này.

Ông Định cho biết: Năm 1978, nhà văn Sơn Tùng đã viết kịch bản “Con đường năm ấy”, kể về giai đoạn tuổi đôi mươi của Bác Hồ. Mặc dù Giám đốc xưởng phim truyện Việt Nam thời đó là Vũ Năng An rất thích, nhưng vì một vài lý do khách quan, kịch bản đã không được chuyển thể thành phim.


Không để lỡ đề tài sáng tác tâm huyết của mình, tới năm 1981, dựa trên nội dung “Con đường năm ấy”, cùng với những tư liệu mới thu thập được, nhà văn Sơn Tùng quyết định viết tiểu thuyết “Búp sen xanh”. Năm 1982, tác phẩm ra đời, đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của bạn đọc.

Đến năm 1987, các nhà làm phim lại tìm gặp nhà văn Sơn Tùng, đề nghị hợp tác làm phim truyện về Bác Hồ, chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/1990). Nhà văn Sơn Tùng đã chuyển thể tiểu thuyết “Búp sen xanh” thành kịch bản văn học “Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng”. Ở kịch bản này, tác giả vẫn giữ nguyên những nội dung cơ bản của “Búp sen xanh”, nhưng ông đã chủ ý khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái miền Nam Lê Thị Huệ (Út Huệ) với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Tình cảm này được nhen lên từ thời kỳ Nguyễn Tất Thành còn là học sinh trường Quốc học Huế, cho tới khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Kịch bản khi được đưa lên màn ảnh năm 1990, đạo diễn Long Vân đổi tên thành phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Và từ đó đến nay, đây vẫn được coi là một trong những tác phẩm mẫu mực của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Chia sẻ lý do gia đình quyết định cho xuất cuốn sách vào đúng dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác, ông Sơn Định cho biết: “Đây là ước nguyện của cha tôi từ khi ông còn khỏe. Cha tôi muốn xuất bản cuốn kịch bản văn học này để bạn đọc biết thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, mà trong “Búp sen xanh” chưa có điều kiện thể hiện và trong kịch bản phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” bị hạn chế”.

Theo lời ông Sơn Định, khi viết “Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng”, nhà văn Sơn Tùng có đưa thêm một số câu chuyện, tình tiết không có ở trong cuốn “Búp sen xanh”. Như mối quan hệ giữa gia đình Bác Hồ với Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục và Thượng thư Đào Tấn… Những chí sỹ yêu nước này đã có ảnh hưởng đến tư tưởng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đối với việc quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.

Ông Sơn Định chia sẻ, có thể do những đặc trưng thể hiện khác nhau, những giới hạn nhất định của việc chuyển thể một kịch bản văn học thành tác phẩm điện ảnh, nên nhiều tình tiết thể hiện trong phim chưa lột tả được hết ý tưởng mà tác giả muốn chuyển tải đến bạn đọc. Chính vì vậy, tâm nguyện của tác giả khi xuất bản cuốn kịch bản văn học này là để những ai đã đọc “Búp sen xanh”, đã xem “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, khi đọc thêm về “Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng”, sẽ biết thêm nhiều câu chuyện về đời thực của Bác, từ tuổi thơ, đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước.

Phương Lan
Kỷ niệm trọng thể 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kỷ niệm trọng thể 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội sáng 18/5 cùng với sự tham gia của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN