"Sợ ngược" - khi hài kịch gióng hồi chuông "cảnh tỉnh"

Người ta thường không dễ đối diện với những nỗi sợ. Dù là những nỗi sợ có khi rất nhỏ nhặt, đời thường.


Với những nỗi "Sợ ngược" như tác giả Thanh Lê và đạo diễn - NSND Lê Hùng chọn trong "Đời cười 10" (sẽ ra mắt từ ngày 4/3) thì càng không dễ đối diện. Bởi lẽ, nó là những điều "chướng tai, gai mắt" trong xã hội hiện nay, những sự đảo lộn đáng cảnh báo của những điều gọi là đạo đức xã hội.

"Oshin làm chủ" với câu chuyện về chị Oshin tên Lý, được cả nhà kính cẩn gọi là Lý Tam Tam. Lý Tam Tam xem ra có quyền sinh, quyền sát. Bảo ăn, cả nhà phải ăn, nấu mì với muối, nấu rau héo, rau úa… cả nhà cũng vẫn khen ngon. Oshin bảo ốm, cả nhà từ mẹ tới con cuống cuồng đi xoa dầu, đắp khăn. Cậu con thứ 3 được dùng làm "nam nhân kế" để giúp Oshin vui và ít quát mắng trong nhà…

Một cảnh diễn trong “Đời cười 10”.


Sao lại có chuyện "ngược" như vậy khi người giúp việc lại làm chủ, khiến vị khách đến nhà chơi phát rồ lên vì không thể chịu được cách Oshin nạt nộ, làm nũng? Đơn giản và dễ hiểu thôi, khi tiểu phẩm được "bóc tách" dần dần.


Không có Oshin ai nấu cơm cho cả nhà ăn khi ông bố nguyên giám đốc phải về hưu non vì thiếu phiếu tín nhiệm… thì trở nên ngớ ngẩn; khi 4 thằng con lộc ngộc, thằng nào cũng to như vệ sĩ thì chẳng có công ăn việc làm gì, cũng chẳng làm gì, chỉ biết ăn và ngủ; khi cô con dâu thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn, nhất định không chịu nhúng tay vào việc nhà. Và bà mẹ thì bệnh tật không thể quay đầu, với tay được.

Trong hoàn cảnh ấy, Oshin đương nhiên là cứu cánh, lo từ A-Z việc nhà, từ việc đi chợ, cơm nước, dọn nhà… Thậm chí đến việc thay bỉm, rửa ráy cho ông bố, mà 4 cậu con cũng không đứa nào chịu nhúng tay, phải chờ Oshin làm…


Cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào Oshin, vắng Oshin 1 ngày là chết cả nhà, thế nên nghe tin Oshin định ra ngoài thuê khách sạn ở với chồng 1 tuần, cả nhà lạy như tế sao, và vội vàng thu dọn nhà làm phòng uyên ương cho vợ chồng Oshin ở…. để còn tiện phục vụ cả nhà…


Chuyện “ngược” nó có nguyên do là thế. Nguyên do của một gia đình không còn đúng hình hài một gia đình, của những đứa con không còn có tình cảm và đạo đức của một đứa con, phó mặc bố cho Oshin chăm sóc, kể cả với những việc "tế nhị" nhất. Trong hoàn cảnh ấy, chủ sợ Oshin là đương nhiên rồi, và Oshin làm chủ là cũng đương nhiên rồi.

Cũng như vậy, vì sao cả nhà phải sợ cháu dâu? Bởi vì cháu dâu là người duy nhất biết nấu ăn trong nhà, dù bữa ăn thì thật là kỳ quái: Sáng ăn nộm rau muống nhiều lạc (cho nó bùi), rồi uống nước trà và ăn kẹo lạc tráng miệng; nhưng nếu vắng cháu dâu thì cả nhà phải đi ăn cơm bụi ở hàng "vừa ngon, vừa rẻ, vừa quen biết suốt bao nhiêu năm". Bởi cháu dâu là người sẽ đẻ ra cháu đích tôn cho cả nhà, điều từ ông, tới bố, tới mẹ chồng, bà nội chồng… đều vô cùng mong mỏi. "Bắt thóp" được những điều như vậy, nên cháu dâu thành nỗi sợ của cả nhà, cho ăn, cả nhà phải ăn; bắt đi vệ sinh, cả nhà phải đi…


Chỉ đến khi cháu dâu lên cơn đau đẻ, thì trật tự mới lập lại do sự "khôn lỏi" của ông nội chồng: Dọa sẽ dùng Oshin để quyến rũ chồng của cháu dâu và dọa sẽ… không đưa đi bệnh viện.

Còn vì sao "Quan sợ lính”? Quan từ trên xuống dưới đều suy đồi đạo đức, đều chỉ hám gái, muốn "tòm tem" với Thị Hến; nên lính mới bắt thóp được và đương nhiên quan phải sợ lính. Và vì sao "Người ngay sợ kẻ gian", cũng lại bởi người ngay trên chuyến xe buýt ấy toàn những kẻ hèn nhát, chỉ biết lo cho bản thân mình, không dám đứng lên chống lại cái xấu: Từ ông chủ xe, từ cậu con trai to khỏe và huênh hoang, từ ông già thích khoe mình có võ


Tất cả đều im lặng và cúi đầu trước cái xấu, cái ác nên đương nhiên không ai dám chống lại, và đương nhiên cái ác thành nỗi sợ của "người ngay".

Không quá nhiều ẩn dụ, mọi chuyện đều rõ ràng như vậy, đều được lý giải đơn giản và dễ hiểu như vậy, trên một sân khấu cũng chẳng cần đầu tư gì nhiều ngoài hai chữ "Sợ ngược" như vậy…


Tất nhiên, bằng những tình huống hài rất dí dỏm, bằng diễn xuất rất đạt của NSƯT Ngọc Huyền, Nguyệt Hằng, Anh Tuấn, Bá Anh, Sĩ Tiến, Quỳnh Dương, Thanh Bình…, những tràng cười luôn rộ lên trong khán phòng, khiến "Đời cười 10" tuy không sâu sắc quá, thâm thuý quá, nhưng cũng là đáng xem…

Nhưng rõ ràng, dù giản dị và dễ hiểu, dù những nỗi sợ rất gần gũi với chúng ta, với "Đời cười 10" - người ta vẫn hiểu ra một điều, để khắc phục những nỗi sợ ấy hoàn toàn không đơn giản.

Làm sao không sợ Oshin khi giờ đây cuộc sống của mọi người phụ thuộc vào Oshin quá nhiều? Làm sao không sợ cháu dâu khi giờ đây vẫn còn tư tưởng "trọng nam, khinh nữ"? Làm sao không sợ kẻ gian khi càng ngày con người càng chỉ nghĩ tới bản thân mình, mà ít quan tâm tới cộng đồng? Và làm sao không sợ lính, khi "quan tham" vẫn còn?

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN