Sinh viên ra trường làm “sếp tổng”

Ra trường, với tấm bằng cử nhân trong tay, giữa lúc nhiều sinh viên còn lao đao tìm việc, Nguyễn Lý Bằng đã lên hàng “sếp tổng”, sở hữu trong tay mô hình doanh nghiệp xã hội mang tên Mỹ thuật Bụi (MTB).


Một buổi ngoại khóa của MTB.

Mỹ thuật Bụi là gì?

Trong bối cảnh chưa có những lớp học cho những người chưa biết gì về mỹ thuật trên địa bàn Hà Nội, MTB được thành lập ngày 16/2/2014 bởi hai sinh viên trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (Nguyễn Lý Bằng) và đại học Ngoại thương (Lê Đại Dương).

Đối tượng chính đến với MTB có độ tuổi từ 18 – 25. Đa số họ là những người khác biệt, cá tính rất mạnh, thích một thứ không phổ biến và thấy lạc lõng. Nhưng khi đến với MTB, họ tìm thấy những người cùng chí hướng, cùng sở thích và phát hiện ra có rất nhiều người còn khác biệt hơn mình.

MTB ra đời tại tầng 2 một quán café trên phố Chùa Láng với hơn nửa số học viên trong 20 người của khóa đầu tiên là người quen học thử.

Họ đến MTB để có môi trường vẽ, học cách cầm bút, gọt bút chì, vẽ một bài đơn giản rồi dần tiến lên những kĩ năng cao hơn. Có nhiều người bảy, tám năm mới cầm bút vẽ lại. Có những người có năng khiếu nhưng tự làm việc vẽ phức tạp lên…

Ngoài sản phẩm chính là giáo dục mỹ thuật căn bẳn, MTB còn là một mô hình được định hướng mang tính cộng đồng thông qua các chuyến ngoại khóa ở những tụ điểm văn hóa, quan trọng với mỹ thuật để học viên thực hành vẽ và người ngoài được tiếp cận với hoạt động mỹ thuật; hay các trại hè, đi phượt, thiện nguyện...

Không sở hữu những “ông thầy râu dài và nói những điều triết lí, cao siêu”, MTB là môi trường mang tính không gian giải trí cao, thực sự là một nơi để chơi, để thích thú trước khi tiếp thu kiến thức. “Có lẽ đấy là điều đặc biệt của bụi”, Nguyễn Lý Bằng chia sẻ. Đến thời điểm này, MTB đã tổ chức 39 khóa mỹ thuật căn bản, 4 khóa nâng cao với con số học viên khoảng 1.000 người.

Con đường MTB

Thích vẽ từ bé, nhận được sự ủng hộ của gia đình, THPT là quãng thời gian Nguyễn Lý Bằng học mỹ thuật rồi lại bỏ. Trước khi đến với MTB, cậu là sinh viên trường đại học Sư phạm Trung ương về Mỹ thuật và đại học Mỹ thuật Việt Nam ngành Sư phạm Mỹ thuật.

MTB là cái tên được lựa chọn bởi tính giản dị, thân thiện, gắn liền với đời sống thực tế của đa số sinh viên. “Cái bụi hiểu một cách đơn giản là sự giản dị hóa đời sống, như cơm bụi, thời trang bụi, không quá khó để nắm bắt, không yêu cầu quá lớn để theo đuổi, chỉ cần tìm, chạm vào, cảm thấy thích thì đó là bụi”, Nguyễn Lý Bằng nhận xét.

Sau hai khóa đào tạo, cái tên MTB đã chứng minh sự phù hợp với những tiêu chí, tầm nhìn và sứ mệnh mỹ thuật đại chúng của MTB, đó là dạy một kiến thức cơ bản về mỹ thuật cho những cộng đồng có quan tâm nhưng không có thời gian, tiền bạc và hứng thú để tìm hiểu sâu, khơi gợi niềm đam mê trong họ để từ đó chính họ sẽ tìm hiểu những cấp cao hơn.

Là sếp tổng, song Nguyễn Lý Bằng xác định tại MTB, không có người làm chủ bởi bản thân học viên được đáp ứng kiến thức, sở thích, còn bản thân giảng viên lại được học hỏi chính kiến thức từ học viên cũng như nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Giữa lúc sinh viên ra trường hiện đang phải đối mặt với tình trạng không thể sử dụng kiến thức được học, MTB đã tạo ra một sân chơi thiết thực để sinh viên mỹ thuật thực hành. Đó cũng là lí do vì sao MTB thường xuyên tiếp nhận sinh viên đến tham quan, trợ giảng… để tiếp thu, trau dồi kinh nghiệm.

Như nhiều người trẻ khác, Nguyễn Lý Bằng cũng không tránh khỏi những băn khoăn vào đời. Và chuyện một sinh viên nghệ thuật bắt tay đi làm kinh tế lại càng không phải là lối quen. Khó khăn không thể kể hết bằng một hai câu chữ, nhưng MTB lại may mắn có những con người “dành cả thời thanh xuân”. Ở đó, họ cùng hướng đến một “giấc mơ MTB”: một ngày nào đó rất nhiều thế hệ sẽ không còn lạc lõng với mỹ thuật.

Đường đi khó, nhưng mỗi lần nhớ đến tình cảm của học viên, nhớ đến lời chúc “MTB sẽ không mất chất” là một lần ban điều hành MTB lại trăn trở tìm cách hoạt động chuyên nghiệp hơn, hấp dẫn hơn, dù kinh doanh vẫn phải giữ được văn hóa doanh nghiệp.

“Tôi mong một ngày những học viên của tôi không còn quá lạc lõng trước nghệ thuật, sẽ cảm nhận được chất liệu, những nội dung cơ bản khi bước vào triển lãm, sẽ biết yêu hơn những kiến trúc đình chùa, từng nhịp mái lô nhô hay mảng tường thời gian cũ kỹ. Đó cũng chính là một cách sống hướng về những cốt lõi bên trong, và tôi cũng tin rằng khi con người ta biết rung động trước cái đẹp, họ rất khó có thể làm điều xấu”.

Nguyễn Lý Bằng tâm sự, với cậu, MTB là một chặng đường thú vị nhất, tươi đẹp nhất trong cuộc đời mình. Tương lai dù khó đoán định, song người thanh niên trẻ tuổi xác định đây sẽ là con đường cậu theo đuổi đến cùng.

Tôi chợt nhớ một câu nói rất đỗi quen thuộc với nhiều người Việt Nam: trên Trái đất này làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường đấy thôi. Với những người trẻ tuổi như Lý Nguyễn Bằng và như rất nhiều người có lửa và theo lửa khác ngoài kia, dù đang ở đâu, họ đều cùng hướng về một ngày vui đại thắng.

Anh Minh
Không việc làm, đi học thạc sĩ
Không việc làm, đi học thạc sĩ

Tốt nghiệp đại học, không ít cử nhân đã không tìm được việc làm phù hợp. Trong lúc chờ việc ưng ý, số này tiếp tục học lên thạc sĩ để mong có cơ hội hơn trong công việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN