Sách tuổi teen: “Đốt đuốc đi tìm”

Sách thiếu nhi cũng ở trong tình trạng “lá mùa thu”, nhưng sách dành cho tuổi mới lớn (tuổi teen) của Việt Nam thì thậm chí còn èo uột hơn rất nhiều. Dường như các nhà văn trong nước không hề mặn mà với loại sách này, trong khi chính tuổi mới lớn lại rất cần những cuốn sách mang tính “định hướng tâm hồn”.

Độc diễn Nguyễn Nhật Ánh

Mở thử trang mạng Tiki.vn, một trang mạng bán sách khá uy tín; con số sách của tuổi mới lớn (tuổi teen) khoảng 350 đầu sách, trong đó sách “Hướng nghiệp, kỹ năng” là 36 tác phẩm, sách “Tâm lý tuổi mới lớn” là 99 tác phẩm, “Truyện cho tuổi mới lớn” là 184 tác phẩm. Số lượng thì không phải quá “bèo bọt”, nhưng điều đáng nói, trong số đó sách của Việt Nam chỉ đếm đến con số hàng chục và trong đó 80% là sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nào là combo “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Nguyễn Nhật Ánh), combo truyện Nguyễn Nhật Ánh. Rồi những tác phẩm từ mới ra lò tới những tác phẩm đã tái bản không biết đến bao nhiêu lần như: “Út Quyên và tôi”, “Buổi chiều Windows”, “Đi qua hoa cúc”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Những cô em gái”, “Những chàng trai xấu tính”, “Nữ sinh”, “Ngôi trường mọi khi”, “Trại hoa vàng”, “Mắt biếc”, “Bảy bước tới mùa hè”, “Kính vạn hoa”, “Bồ câu không đưa thư”… Thảng hoặc lắm mới thấy những cái tên khác như cuốn “Tuổi thơ dữ dội” (Phùng Quán), “Gái xinh nổi loạn” (Lê Hoàng)…

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tác phẩm được tuổi mới lớn ưa chuộng nhất hiện nay.

Mới đây nhất, cuộc thi “Sách được bạn đọc yêu thích bình chọn 2015” của Fahasa, tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh cũng giành ngôi quán quân “Fahasa vàng” và có lẽ là cuốn sách duy nhất dành cho tuổi teen được vinh danh trong danh sách 10 giải thưởng lần này; bên cạnh những tác phẩm như “Đắc nhân tâm” (NXB Tổng hợp), “Trên đường băng” (NXB Trẻ)…

“Cũng may là có tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh, không thì cũng sẽ không có tác phẩm dành cho tuổi teen nào đủ sức lọt vào danh sách này. Mỗi năm, đếm trên đầu 1 bàn tay sách dành cho tuổi teen của Việt Nam ra đời, thậm chí có những năm hầu như không có cuốn nào, vậy thì lấy đâu ra để thi cử, bình chọn. Sách cho tuổi mới lớn đang “hổng” tới thế đấy”, một đại diện Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.

Tuổi mới lớn là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang độ tuổi trưởng thành, có nhu cầu rất lớn được tìm hiểu về tâm sinh lý, phát triển trí tuệ và các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh phim ảnh, âm nhạc, sân khấu… sách đóng góp vai trò quan trọng. Cả nước hiện có khoảng 20 triệu học sinh phổ thông, có nghĩa là số lượng độc giả không nhỏ. Đây là cơ hội dành cho tác giả, các nhà xuất bản nếu biết cách khai thác, đánh trúng vào tâm lý lứa tuổi mới lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói là không nhiều nhà văn, NXB quan tâm tới thể loại này.

Cần sự vào cuộc

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Viết sách cho tuổi mới lớn là khó nhất, nhưng lại cần nhất. Vì thế, muốn khơi dậy sức mạnh của văn hóa đọc ở lứa tuổi mới lớn, không những rất cần chúng ta phải có một chiến lược, chẳng những đầu tư, khuyến khích các nhà văn viết cho lứa tuổi này; mà còn phải đặt nó như một trong những phương thức cần thiết song song với một nền giáo dục lớn.

Nhiều năm trở lại đây, các NXB đã mở tủ sách dành riêng cho lứa tuổi này (thường gọi là Tủ sách tuổi Teen) như: NXB Trẻ, NXB Phụ nữ, NXB Kim Đồng, Công ty Sách Thái Hà, Minh Long… với thể loại truyện, cẩm nang về tình yêu, tâm lý tuổi mới lớn, phương pháp tự học, cách thức giao tiếp thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, sách dịch chiếm số lượng lớn và thường nằm trong hạng mục lựa chọn cao nhất.

Theo các nhà phê bình văn học, để viết được tác phẩm dành cho lứa tuổi thiếu niên, trước hết người viết phải yêu tuổi thơ của mình và viết về những cái giới trẻ đang có, tìm hiểu tâm sinh lý, lối sống, nhu cầu của thế hệ trẻ. Đó cũng chính là lý do những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được các thế hệ tuổi teen say mê tới vậy. Một độc giả teen đã chia sẻ: “Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rất hấp dẫn khi nói về tuổi thơ, nói về thời học sinh, mô tả những trạng thái tâm lý tuổi teen… nên đọc sách thấy mình được đồng cảm, hiểu hơn về bản thân”.

Theo PGS.TS Ngô Văn Giá, để sách dành cho tuổi mới lớn phát triển, cần nâng nó trở thành vấn đề của đời sống, từ đó kéo sự quan tâm của giới nhà văn. Muốn như vậy, cần, phải có tiếng nói của Hội Nhà văn. Bên cạnh đó, giới nghiên cứu phê bình văn học cũng cần quan tâm hơn tới thể loại này.

Cùng quan điểm, đại diện NXB Kim Đồng cho rằng, trong bối cảnh các tác phẩm dịch đang tràn lan, lấn lướt sách trong nước, cần phải tạo nên một phong trào làm sách cho tuổi mới lớn. Muốn như vậy, bản thân người viết và những người làm công tác xuất bản trong nước phải tìm cách làm mới mình, tiếp cận với đời sống để khơi dòng sách tuổi mới lớn Việt Nam.
PV
Khai mạc trưng bày Kim sách triều Nguyễn
Khai mạc trưng bày Kim sách triều Nguyễn

Ngày 31/3/2016, tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia (Hà Nội) đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Bảo vật quốc gia – Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN