Sách điện tử, vì sao chưa hấp dẫn?

Tại một cuộc thảo mới đây, mang tên “Sách điện tử - thực trạng và xu hướng phát triển”, những lý do khiến doanh nghiệp không mặn mà với sách điện tử đã được phân tích khá rõ ràng, chi tiết.

Doanh nghiệp hết mặn mà

Rất nhanh, cái thời các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản hào hứng tham gia thị trường sách điện tử, với hy vọng đây là sẽ xu hướng đọc mới, thay thế sách in tại Việt Nam; đã qua đi. Giờ đây, sách điện tử đã trở thành việc “cố gắng duy trì” như một “giá trị tăng thêm” của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Tại một cuộc thảo mới đây, mang tên “Sách điện tử - thực trạng và xu hướng phát triển”, những lý do khiến doanh nghiệp không mặn mà với sách điện tử đã được phân tích khá rõ ràng, chi tiết.

Sách điện tử được một số NXB duy trì như “giá trị tăng thêm” cho sách giấy.

Đại diện Công ty CP Văn hóa Phương Nam cho biết: Chi phí đầu tư cho việc kinh doanh ebook có bản quyền ở Việt Nam rất cao, bao gồm xây dựng ứng dụng (app) để đọc được ebook trên các thiết bị di động; xây dựng công nghệ bảo vệ tác quyền điện tử để đảm bảo những ebook mình làm ra không bị sao chép và chi phí duy trì, nâng cấp, phát triển những nền tảng này thường xuyên và kịp thời. Bên cạnh đó, không thể thiếu khoản đầu tư sản xuất nội dung, chuyển đổi từ định dạng gốc nhận được từ các nhà xuất bản, nhà phát hành sang định dạng ebook.

Không chỉ vậy, theo đại diện một doanh nghiệp khác, để ra đời một ebook và xây dựng công cụ để đọc được ebook đã khó, nhưng việc làm sao bán được ebook đó lại còn khó hơn. Trong đó có nguyên nhân chính là việc tràn lan ebook không bản quyền - ebook lậu trên mạng. Đây chính là “con sâu” đục khoét “thân cây”, khiến thị trường ebook cứ ngày một èo uột đi.

Vì những lý do trên, nên theo các doanh nghiệp, trên cơ sở cân đối chi phí đầu tư, duy trì và khoản thu từ bán sách điện tử thì hầu hết các doanh nghiệp đều lỗ. Chính vì vậy, những doanh nghiệp đã đầu tư cho ebook, đều đã dần rút lui khỏi thị trường, hoặc là duy trì nó một cách cầm chừng. “Chúng tôi duy trì ebook như một phương tiện kích thích cho sự phát triển của sách giấy hơn là đứng vững và đem lại doanh thu cho NXB. Theo đó, sách điện tử kích thích bằng cách là từ trang web của NXB, độc giả vào đó đọc trước nội dung rồi tìm mua sách giấy”, đại diện một NXB chia sẻ.

Thói quen chưa hình thành

Trên thực tế, người Việt Nam vẫn có thói quen và tâm lý chuộng sách giấy hơn ebook, dù giá sách điện tử cùng nội dung chỉ bằng 10 - 40% sách giấy. “Khi bỏ tiền để mua sách in, độc giả có cảm giác sở hữu, còn khi bỏ tiền mua ấn phẩm điện tử, họ lại không có cảm giác này dù chúng tôi và các đơn vị khác cam kết là độc giả sẽ sở hữu ebook vĩnh viễn, cho dù họ có mất thiết bị hay khi chúng tôi ngừng kinh doanh mảng này", đại diện Công ty CP Văn hóa Phương Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, để đọc sách điện tử, độc giả lại phải tải app về các thiết bị của mình; trong trường hợp muốn đọc sách của nhiều NXB khác nhau, cũng đồng nghĩa với việc phải tải nhiều app khác nhau, khá nhiêu khê, thậm chí lại còn chiếm bộ nhớ của thiết bị; chính vì vậy, chưa nhiều người thấy mặn mà. Và chỉ những người hay đi công tác xa, những người không có thói quen đọc sách giấy, mới quan tâm tới sách điện tử, mà con số này thì không hề lớn.

Một khảo sát mới đây (dù mới dừng ở diện hẹp) cũng cho thấy: Có 40% độc giả cho biết thường đọc và mua sách giấy, 10% đọc và mua sách điện tử, 50% độc giả còn lại thích mua và đọc cả sách điện tử lẫn sách giấy. Như vậy, thói quen đọc sách giấy vẫn là thói quen được duy trì.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Anh, xu hướng phát triển của sách điện tử là xu hướng không thể cưỡng, tuy nhiên sách điện tử không thể thay thế sách giấy được, mà vấn đề là sẽ song hành và tới đây, việc quan trọng là hướng cho người trẻ quay về văn hóa đọc, trong đó sách điện tử sẽ là phương tiện quảng bá cho sách giấy.

Đại diện NXB Thông tin và Truyền thông đánh giá: 

“Việc sao chép bất hợp pháp sẽ gây nhiều ảnh hưởng đối với tác giả và xã hội như: ngăn cản các tác giả hưởng thù lao từ việc sử dụng tác phẩm, hủy hoại tính sáng tạo và việc xuất bản các tác phẩm trong nước, gây rối loạn các chức năng trên thị trường. Trên thực tế việc sao chép lậu hay ngang nhiên sử dụng tác phẩm không xin phép tác giả hoặc nhà xuất bản đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, cần tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cho tác giả và người sử dụng tác phẩm về quyền tác giả; phải có biện pháp quản lý tập thể dưới dạng một tổ chức đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ sở hữu quyền và hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng tiếp cận hợp pháp với tác phẩm... Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với việc vi phạm bản quyền nói chung và trong xuất bản điện tử nói riêng, đặc biệt là đối với các trang mạng có nhiều ấn phẩm lậu, không có bản quyền...; cũng như tăng nặng hơn chế tài xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe đối với những trường hợp vi phạm”.


PV
Để sách điện tử phát triển đúng tầm
Để sách điện tử phát triển đúng tầm

Với các tiện ích, tích hợp trên nền máy tính, điện thoại thông minh, sử dụng nhanh gọn, tương tác cao, thuận tiện, sách điện tử đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên do chưa có phương pháp thích ứng, nhận thức chưa đúng, công nghệ chưa cao… nên sách điện tử phát triển chưa được như mong muốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN