Ru lòng theo cánh sóng

Sau lần tai biến thứ hai, nhạc sĩ Thế Song yếu hẳn, chuyển về khoa hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai. Ông nằm đó, liệt nửa người, giữa rất nhiều dây rợ quanh người, giữa những bữa ăn ít ỏi bằng đường xông… bỏ lại đằng sau tất cả những vinh quang, hào hoa, những sôi sục, biến động của cuộc đời để chống chọi, giành giật từng giây phút sự sống…

 

Nhạc sĩ Thế Song chụp lưu niệm với các chiến sĩ nhân chuyến thăm Trường Sa.


Những ngày tháng này, khắp nơi trên đất nước Việt Nam dường như đâu đâu cũng vang lên bài hát “Nơi đảo xa”, bài hát được nhạc sĩ Thế Song sáng tác từ năm 1979 với những ca từ vừa hùng tráng, vừa dịu dàng, vừa tươi vui thể hiện được tình yêu biển đảo quê hương Việt Nam: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua...”. Nhiều người hát và nhiều người thuộc lòng bài hát này, nhưng ít ai biết được rằng, cha đẻ của bài hát này, nhạc sĩ Thế Song viết bài hát khi ông chưa một lần tới Trường Sa.


Cuộc gặp tình cờ


Nhạc sĩ Thế Song từng chia sẻ: Thời điểm ca khúc “Nơi đảo xa” ra đời, tôi không chủ trương đi viết về hải đảo, mà đi thực tế sáng tác tại các đồn biên phòng ở Quảng Ninh. Trên đường về, tôi cùng với nhạc sĩ Phạm Tịnh nghỉ tại cây số 8 - thành phố Hạ Long, là trạm sửa chữa tàu biển số 48 của bộ đội hải quân. Chúng tôi được anh em hải quân mời uống rượu chanh. Anh em hải quân kể với tôi rất nhiều câu chuyện cảm động. Có chiến sĩ vừa từ đảo trở về kể rằng, anh đã ở đảo 2 năm, mọi thứ gian khổ, khó khăn, thậm chí cả hi sinh, các anh đều chịu được, nhưng sợ nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Chiến sĩ khác thì tâm sự rằng: ở đảo toàn con trai, nhiều lúc thèm nhìn một người con gái... Các anh em chiến sĩ nói rất nhiều, kể rất nhiều câu chuyện và tôi lập tức viết ngay.

Và tôi đã viết ca khúc “Nơi đảo xa” trên đoạn đường hơn 100 km từ Quảng Ninh về Hà Nội. Tới năm 1995, gần 15 năm khi “Nơi đảo xa” trở nên thân thiết với công chúng yêu nhạc trong cả nước, tôi mới có dịp đến Trường Sa cùng các đồng nghiệp là nhạc sĩ Doãn Nho, Lương Nguyên... Tôi nhớ, đêm giao lưu văn nghệ, các chiến sĩ cởi trần hát “Nơi đảo xa” rất hay và cảm động, chẳng kém gì ca sĩ chuyên nghiệp. Khi biết tôi là tác giả bài hát, anh em chiến sĩ yêu quý vây lấy tôi trong niềm hân hoan, như là người thân từ bao giờ. Tôi sung sướng lắm. Gần nửa tháng ở Trường Sa, tôi lại được nghe rất nhiều tâm sự của những người lính đảo. Đó cũng là cảm hứng để tôi viết nhiều ca khúc khác về biển đảo như: “Biển chuyện tình hóa đá”, “Biển mưa”, "Tình em theo cánh sóng", "Hát từ vùng gió xoáy", "Mênh mang Trường Sa", "Ngôi nhà lính đảo", "Hoa hồng biển đảo"…”


Trọn đời cho âm nhạc


Nhạc sĩ Thế Hiển, con trai út của nhạc sĩ Thế Song ngoài những giờ làm việc ở Đài TH Kỹ thuật số VTC, anh dành thời gian túc trực cạnh cha mình. Ông bị cứng lưỡi không có khả năng trò chuyện, cha con nhìn nhau qua ánh mắt để gật gù. Thỉnh thoảng anh mở lại các ca khúc của cha trên điện thoại để ông nghe. Nhạc sĩ Thế Song nhắm nghiền mắt cảm nhận từng lời hát của ca sĩ, và như được hồi ức về tất cả những tháng ngày tuổi trẻ đã qua trong từng giai điệu. Hơn ai hết, với nhạc sĩ Thế Hiển, cha anh không chỉ là một người cha đầy trách nhiệm với con cái mà còn là người thầy dạy cho anh những nốt nhạc đầu đời. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng ông là người có “trách nhiệm” với niềm đam mê của mình.

Chả là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông vào công tác tại Sài Gòn, gặp một gia đình muốn bán một chiếc đàn Piano. Nhạc sĩ Thế Song đã đi vay mượn khắp nơi đủ ba cây vàng để mua bằng được chiếc đàn Piano ấy mang về Hà Nội. Sau này gia đình ông phải gom góp trả nợ mãi số tiền mua đàn. Nhưng nếu không có chiếc đàn ấy, nếu không có sự dạy bảo tận tình của cha mình, thì nhạc sĩ Thế Hiển sẽ không có một nền tảng âm nhạc vững chắc, giúp anh đi dài hơi với chặng đường này bằng hơn 10 năm ở trong môi trường âm nhạc tại trường Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và có những sáng tác dành cho giới trẻ như “Gửi sóng” (Minh Quân), “Ru một giấc mơ” (Ngọc Anh)…


Anh chia sẻ: “Bố tôi là người hiền lành, giản dị, cả đời dường như không biết đến sự đấu tranh hay bon chen gì với cuộc sống. Ông âm thầm sáng tác, âm thầm cống hiến, làm việc của mình tại Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, muốn tác phẩm mang hơi thở đời sống thì đi đến các vùng miền để sáng tác, về nhà ông hì hục chỉnh sửa, thu thanh. Cho đến nay ông đã viết hơn 600 ca khúc. Âm nhạc đối với ông vừa là nghề vừa là nghiệp. Có nhiều đêm ông thức trắng vì một tác phẩm chưa hoàn thành, nhưng ông quan niệm rằng, mỗi đứa con tinh thần đều mang một dấu ấn của cá nhân, tại một vùng đất, một khoảnh khắc cảm xúc đã đi qua trong cuộc đời.

Cho dù vậy, nhưng ông không quá đau đáu hay quá cực khổ với những đứa con tinh thần ấy. Ông không có những tham vọng lớn mà chỉ bền bỉ chuyên cần với con đường đã chọn? Khi còn khỏe và nói chuyện được bố luôn nhắc tôi phải viết nhiều, thích gì viết đó để tích lũy vốn. Có thể viết một ca khúc chưa hay nhưng viết 10 ca khúc sẽ có bài nghe được và quan trọng là tác phẩm mang tên mình. Là người con tôi không chỉ tự hào về kho nhạc đồ sộ mà còn kính trọng ông vì sự hiền lành, đạo đức, khiêm tốn”.


Ấm lòng người nhạc sĩ


Nhạc sĩ An Thuyên, một người bạn vong niên của nhạc sĩ Thế Song, khi nói về nhạc sĩ Thế Song đã chia sẻ: Vừa rồi tôi xem lễ nhận giải thưởng của chương trình “Bài hát yêu thích” với bài hát “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song, Tùng Dương đã phát biểu, nhiều lần “cảm ơn nhạc sĩ Thế Song đã sáng tác bài hát rất hay để cho thế hệ trẻ hôm nay được hát và Tùng Dương được giải thưởng. Tùng Dương sẽ trích một phần giải thưởng tặng nhạc sĩ Thế Song lấy tiền mua thuốc vì ông đang nằm trên giường bệnh… Thật ấm lòng, nhất là đã vài năm nay nhạc sĩ Thế Song rất yếu, nằm một chỗ, thỉnh thoảng lắm mới có người đến thăm, ông không nói được gì, chỉ khóc mà thôi.

Trong khi mấy tháng trên Biển Đông “dậy sóng”, bài hát “Nơi đảo xa” của ông được phát suốt ngày trên các phương tiện thông tin truyền thông, như một biểu hiện hùng hồn của tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc của toàn dân ta. Bài hát “Nơi đảo xa” như một tượng đài âm nhạc, còn tác giả đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật, dành lại sự sống trong hoàn cảnh rất khó khăn… Ông và một số nhạc sĩ lớp ông (có người đã mất) chưa được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật thì thiệt thòi cho các ông quá. Bây giờ những sự động viên kịp thời với ông, dù nhỏ nhưng cũng thật ngàn vàng!.

 

Trần Hoàng Thiên Kim

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN