Ra mắt 2 tác phẩm về Trường Sa của các tác giả phố núi

Không hẹn mà trong những ngày đầu tháng 12 này, các tác giả của phố núi Đà Lạt cùng ra mắt 2 tác phẩm viết về Trường Sa – vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Đó là tác phẩm “Pháo đài thép trên Biển Đông” của tác giả Nguyễn Thanh Đạm (Tổng biên tập báo Lâm Đồng) và “Nhật ký Trường Sa – Vạn lý nơi đầu sóng” của nhà báo Võ Khắc Dũng (cũng công tác tại báo Lâm Đồng). Cả hai tác phẩm đều do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

 

“Pháo đài thép trên Biển Đông” là tuyển tập ký, ghi chép và thơ được tác giả Nguyễn Thanh Đạm viết trong gần 10 năm qua. Sách gồm nhiều bài viết với nội dung khác nhau, nhưng chiếm vị trí quan trọng, được tác giả trân trọng giới thiệu ngay từ trang đầu tiên chính là những bài viết về Trường Sa. Đó là kết quả chuyến thăm Trường Sa vào tháng 4/2009 mà tác giả cho rằng “là một diễm phúc… Một lần được vượt sóng, gió trùng khơi ra Trường Sa là mơ ước của hàng triệu đời người”. Mang phong cách phản ánh báo chí, nhưng các bài viết của Nguyễn Thanh Đạm vẫn lấp lánh những chất liệu của thủ pháp văn học, đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc.

 

“Nhật ký Trường Sa – Vạn lý nơi đầu sóng” là dạng nhật ký tản văn ghi lại những gì quan sát được của Võ Khắc Dũng qua chuyến công tác tròn tháng 12/2011 trên chiếc tàu HQ936 của Vùng 4 Hải quân, lênh đênh trên Biển Đông để đến với Trường Sa. 101 trang nhật ký trong “Vạn lý nơi đầu sóng” là những cảm xúc rất thật, được viết ngay tại chỗ, mang đậm tình cảm, sự háo hức và tự hào của tác giả khi được đắm mình trong cái bao la của biển trời quê hương, được đặt chân trên những hòn đảo của quần đảo Trường Sa, mảnh đất ruột thịt của Tổ quốc.

 

Cả 2 tác phẩm đều đa dạng về nội dung đề cập, từ những bài viết với các tư liệu lịch sử khẳng định Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đến những bài viết về vùng biển, vùng trời, vẻ đẹp của biển và cả những con sóng dữ, cơn bão, những khó khăn để vượt biển đến với Trường Sa… Nhiều nhất là những bài viết về người lính Trường Sa, cuộc sống nơi đảo xa và những tháng ngày làm nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ biển đảo. Cuộc sống nơi đảo không phải chỉ là những khó nhọc và nỗi nhớ nhà, mà ở đó còn là những "con người thép” nhưng không kém phần lãng mạn, trẻ trung, yêu đời như chính cái tuổi đôi mươi của phần lớn các chiến sĩ công tác tại Trường Sa. Hai tác phẩm vừa ra mắt không chỉ góp thêm vào các tác phẩm viết về Trường Sa, về biển đảo quê hương, mà còn là tình cảm nồng nàn của người dân miền núi hòa cùng nhân dân cả nước hướng về Trường Sa thân yêu.

 

 

Hoàng Liên Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN