Phú Thọ nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Sau 5 năm được vinh danh, tỉnh Phú Thọ đã tiếp tục nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của 2 di sản văn hóa thế giới là "Hát Xoan Phú Thọ", “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ".

Hai di sản quý giá

Từ bao đời nay, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của Tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng góp phần củng cố thêm niềm tin, niềm tự hào và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp này đã và đang được tỉnh Phú Thọ nỗ lực triển khai khá hiệu quả.

Giờ học hát Xoan của học sinh Trường Trung học cơ sở Kim Đức, thành phố Việt Trì. Ảnh: Trung Kiên- TTXVN

Để lưu truyền cho thế hệ mai sau, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp như nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng; hằng năm tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Đền Hùng và các làng xã một cách trang nghiêm, thành kính; đưa giáo dục di sản vào chương trình trường học cho thế hệ trẻ; mở rộng địa bàn kiểm kê tới các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ Vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở các làng quê; tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ.

Tỉnh cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng đầu tư khôi phục và xây dựng mới nhiều không gian thờ tự; phục hồi nhiều tập tục thờ cúng, lễ hội, diễn xướng dân gian. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có tới 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương được lưu giữ bảo tồn. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả các làng xã, trong đó Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam. Không chỉ ở Phú Thọ, di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn được bảo tồn lưu giữ trải khắp đất nước Việt Nam với 1.417 di tích thờ cúng trong cả nước. Ngoài ra, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài xác định "con cháu ở đâu thì tổ tiên ông bà ở đó" nên cũng thờ cúng Vua Hùng ở nơi mình sinh sống.

Theo sử sách ghi lại, hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm. Từ thời các Vua Hùng dựng nước, hát Xoan được tổ chức vào mùa xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát mà còn là để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và chúc tụng Vua Hùng. Từ lâu, hát Xoan đã gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh của đời sống người dân. Tên gọi và nguồn gốc hát Xoan gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước.

Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, giờ đây hát Xoan đã được hồi sinh và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, các nghệ nhân đã đào tạo, truyền dạy cho 62 nghệ nhân kế cận; truyền dạy cho hơn 100 cháu thiếu niên nhi đồng tại các phường Xoan gốc Phù Đức, Kim Đới, Thét, An Thái và xã Phượng Lâu. Đến thời điểm này, hầu hết các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ.

Với nỗ lực truyền dạy hát Xoan ra cộng đồng, đến nay tổng số người tham gia thực hành hát Xoan ở cả 4 phường và 23 câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh là gần 1.150 người, chưa kể có hàng trăm người tham gia không thường xuyên khác, tăng khoảng hơn 20 lần so với năm 2010. Từ năm 2012 đến 2015 đã có 51 người được xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ. Cuối năm 2015, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức xét và phong tặng “nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ” lần thứ 2. Nhiều di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì được tập trung đầu tư tu bổ; các tục lệ hát Xoan truyền thống tại các di tích có hát Xoan phục hồi…

Với chiến lược bảo tồn này, mục tiêu đưa hát Xoan ra khỏi tỉnh trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2017 của Phú Thọ sẽ trở thành hiện thực, để những giai điệu Xoan Phú Thọ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân đất Tổ nói riêng và của cộng đồng người dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc

Biến di sản thành tài sản

Hai di sản văn hóa là “Hát Xoan Phú Thọ”, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ được UNESCO vinh danh đã tạo cơ hội lớn cho du lịch Phú Thọ phát triển. Để vừa khai thác hiệu quả các giá trị của di sản, đồng thời bảo tồn và phát huy được giá trị của di sản và “biến di sản thành tài sản” đang được tỉnh Phú Thọ quan tâm. Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, ngay trong dịp lễ hội này, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu và quảng bá đậm nét về các làn điệu Xoan để đồng bào cả nước hiểu về văn hóa trên quê hương đất Tổ Vua Hùng. Tại khu di tích Đền Hùng, tỉnh tổ chức liên hoan “Dân ca và hát Xoan Phú Thọ” do các phường Xoan gốc và các câu lạc bộ hát Xoan biểu diễn. Tại thành phố Việt Trì, tỉnh cũng tổ chức hát Xoan dành cho thanh, thiếu niên nhằm khẳng định hát Xoan đã được trao truyền và lan tỏa không chỉ ở người lớn tuổi mà còn ở cả thế hệ trẻ. Ở 4 phường Xoan gốc là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét thuộc 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (thành phố Việt Trì) sẽ diễn ra hát Xoan làng cổ do những nghệ nhân kế cận biểu diễn.

Thành viên của đội Đoan Hùng thể hiện phần thi giã bánh giầy trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng 2016. Ảnh: Trung Kiên- TTXVN

Phú Thọ cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu đến du khách những tư liệu ảnh về nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bản sắc cội nguồn dân tộc; trưng bày các tư liệu ảnh, hiện vật của đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng; Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ cũng đã kết nối nhiều tour, tuyến du lịch quảng bá hình ảnh đất Tổ và giới thiệu đến du khách hiểu thêm về 2 di sản văn hóa thế giới là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ các tập quán xã hội, nghi lễ và các thiết chế văn hóa tín ngưỡng liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động du lịch về cội nguồn đến Đền Hùng và các nơi thờ cúng Hùng Vương.

Phú Thọ tập trung tu bổ, phục hồi các di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì, khôi phục các lễ hội, tục lệ hát Xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; phấn đấu xây dựng Phú Thọ thành trung tâm du lịch về cội nguồn, du lịch văn hóa truyền thống, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với hạt nhân là Đền Hùng, thành phố lễ hội Việt Trì, hệ thống các di tích gắn với giá trị văn hóa thời kỳ Hùng Vương, khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Vườn quốc gia Xuân Sơn. Tỉnh cũng tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ truyền thống, có lợi thế đi đôi với ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ của trung tâm vùng; sớm hình thành trung tâm thương mại chất lượng cao tại Việt Trì.
Lâm Đào An
Tâm thức Việt qua các bức hoành phi, câu đối ở Đền Hùng
Tâm thức Việt qua các bức hoành phi, câu đối ở Đền Hùng

Tại khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, có nhiều bức hoành phi, câu đối giá trị về những điều thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt, về ý thức cội nguồn, sự trường tồn vững mạnh của đất nước và tư tưởng uống nước nhớ nguồn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN