'Phố Ông Đồ' chuyển vào bên trong Văn Miếu

Chiều 16/1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: "Phố Ông Đồ" dịp Tết nguyên đán năm nay sẽ được chuyển từ vỉa hè phố Văn Miếu vào khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám để phù hợp với nét sinh hoạt văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích.

Tham gia viết thư pháp tại "Phố Ông Đồ" năm nay lên đến 60 – 70 người, được tuyển chọn từ các câu lạc bộ thư pháp như: Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Việt Nam, Hương Nam học đường, Nhân Mỹ học đường... Ngoài ra, một số người viết tốt như nhà thư pháp Cung Khắc Lược cùng tham gia.


Du khách say xưa ngắm từng nét chữ của ông đồ. Ảnh: Nguyễn Thủy-TTXVN


Đây là những người được tuyển chọn có lai lịch, nguồn gốc, có khả năng viết thư pháp, phải đeo thẻ khi tham gia hoạt động. Tại "Phố Ông Đồ", các nhà bạt, giấy bút, mực nghiên được trang bị phù hợp, văn minh. Ban tổ chức có hướng dẫn để người dân nhận biết: Giá viết, chỗ để xe, bảo quản tư trang... và có đường dây điện thoại nóng để hỗ trợ người dân.

"Phố Ông Đồ "mở cửa từ 8 giờ 30 phút đến 20 giờ hàng ngày. Riêng đêm 30 Tết kéo dài đến 2 giờ sáng, ngày mùng 1, mùng 2 Tết kéo dài đến 22 giờ đêm để phục vụ nhân dân đi vui Xuân.

Cùng với việc di chuyển, các cơ quan chức năng sẽ gìn giữ trật tự tại khu "Phố Ông Đồ" cũ, kiên quyết không để các ông Đồ tiếp tục ngồi cho chữ tại nơi cũ. Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Việt Nam tổ chức tốt "Phố Ông Đồ" tại khu vực hồ Văn, đảm bảo hoạt động có ý nghĩa, văn minh, trật tự.

Dự kiến lượng khách đến tham quan, xin chữ đầu Xuân tại "Phố Ông Đồ" sẽ rất đông, những ngày Tết có thể lên đến 10.000 người/ngày. Sau năm đầu tiên, Ban tổ chức sẽ tính toán mở rộng con phố ý nghĩa này.

Trước đó, việc cho và xin chữ tại "Phố Ông Đồ" trên vỉa hè phố Văn Miếu, cạnh di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám bị đánh giá là tự phát, xảy ra tình trạng lộn xộn, mua bán chữ với giá cao, không đảm bảo chất lượng chữ do không chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, không có cơ quan nào thẩm định và công nhận trình độ của các cá nhân hành nghề.


Đinh Thị Thuận

Nghệ nhân của phường Xoan
Nghệ nhân của phường Xoan

Men theo đoạn đường đất, căn nhà ba gian nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Thị Sủng nằm lọt thỏm ở mé đồi. Năm nay đã 87 tuổi song cụ Sủng vẫn say đắm với những khúc Xoan, mà như cụ nói thì, cả cuộc đời gắn bó với nó không gì thay thế được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN