Phát triển du lịch Ninh Bình sau “cú hích” di sản

Tại kỳ họp lần thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO, tổ chức tại Doha (Qatar) ngày 23/6 vừa qua, Quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình đã được công nhận là Di sản Thế giới.

 

Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

 

Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên ba trụ cột chính là văn hóa; vẻ đẹp thẩm mỹ; địa chất - địa mạo; vì vậy đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được công nhận cả về tiêu chí văn hóa và thiên nhiên.


Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình, Dương Thị Thanh, sự phát triển của du lịch Việt Nam trong những năm qua cho thấy, xây dựng thương hiệu là một yêu cầu quan trọng trong quá trình phát triển du lịch. Mỗi địa phương căn cứ vào tiềm năng, điều kiện cụ thể của mình để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ du khách. Việc sở hữu Quần thể danh thắng Tràng An, trong đó có khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, thực sự là "cú hích" để du lịch Ninh Bình phát triển, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.


Để thực hiện mục tiêu này, Ninh Bình tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hình thành một số điểm đến mới như: Đền Đức Thánh Nguyễn (thờ thiền sư Nguyễn Minh Không), bích họa mái đá cửa chùa, đầm Vân Long, khu du lịch sinh thái động Thiên Hà, vườn chim Thung Nham, đền Trần, thung đền Trần, khảo sát nơi khai quật di chỉ người Việt cổ.


“Hiến kế” cho du lịch Ninh Bình, ông Vũ Văn Nam, Giám đốc Công ty du lịch Hải Phòng cho rằng, trong những năm gần đây, du lịch Ninh Bình được đánh giá là có sự phát triển vượt bậc so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng và được Tổng cục Du lịch chọn để đầu tư trở thành trọng điểm du lịch quốc gia. Vì vậy, tỉnh nên chú trọng việc quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp, sự hấp dẫn của cảnh quan Ninh Bình, nhất là việc phát hành bản đồ du lịch, các loại sách hướng dẫn du lịch, các trang web du lịch bằng nhiều thứ tiếng khác nhau để du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài dễ dàng biết đến Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng. “Muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Bình cần có ngay kế hoạch quản lý để cân bằng giữa việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy môi trường di sản với việc khai thác du lịch một cách bền vững”, ông Vũ Văn Nam nhấn mạnh.


Còn bà Vũ Lan Phương, đại diện Công ty du lịch Việt Nam - Hà Nội thì đề xuất, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình cần có kế hoạch tăng cường các cơ sở lưu trú, xây dựng và nâng cấp các điểm vui chơi giải trí mang nét đặc trưng của địa phương để giữ chân du khách. Khi khách đến tham quan các địa điểm trong Quần thể danh thắng Tràng An, địa phương phải quản lý được hành động, cách cư xử của du khách đối với di sản. Muốn làm được điều này, các cấp chính quyền phải tăng cường giáo dục người dân trong việc tôn trọng di sản, tôn trọng văn hóa, tôn trọng con người...


Vũ Anh Minh

Tràng An trở thành di sản thế giới
Tràng An trở thành di sản thế giới

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Vào lúc 11 giờ 57 phút (giờ Cata), tức 15 giờ 57 phút (giờ Việt Nam), ngày 23/6, tại thủ đô Doha, Cata, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN