Phát minh khiến làng nhạc thế giới phải tranh cãi

Được những cái cái tên đình đám như Kanye West, Lady Gaga và Madonna ưu ái sử dụng, Auto-Tune đã trở thành “phép màu” của nền công nghiệp âm nhạc, thậm chí kỹ thuật này còn có thể biến phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trở thành một bài hát. Vậy nhưng trong thời gian qua, vẫn luôn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của Auto-Tune.


Hiện tượng từ thập niên 90

Ca khúc “Believe” với giai điệu mê hoặc người nghe của nữ nghệ sĩ lừng danh Cher trình làng năm 1998 đã đánh dấu mốc lần xuất hiện đầu tiên của Auto-Tune khiến thế giới âm nhạc lên cơn sốt.

Hình ảnh ấn tượng của ca sĩ Cher gắn liền với bài hát “Believe”.

Auto-Tune là kỹ thuật chỉnh âm, thay đổi cao độ khiến giọng hát của ca sĩ dù có thiếu sót cũng trở nên hoàn hảo và khi được phù phép bởi bàn tay “ma thuật” của các nhà sản xuất nhạc tài năng thì có thể đạt được mức độ tinh tế tuyệt đối.

Tuy nhiên nhiều người yêu âm nhạc lại đánh giá giọng hát của ca sĩ khi áp dụng Auto-Tune sẽ mang đến cảm nhận không khác gì lắng nghe âm thanh của robot. Andy Hildebrand, “cha đẻ” của Auto-Tune khi trả lời phỏng vấn CNN đã thẳng thắn chia sẻ: “Khi lập trình phần mềm của Auto-Tune, tôi không nghĩ rằng bất cứ một người bình thường nào sẽ sử dụng nó”.

Trên thực tế, nhà sản xuất âm nhạc của Cher đã mạnh dạn sử dụng kỹ thuật mới mẻ này, dẫn đến “hiệu ứng Cher” với một trong những bài hát kinh điển nhất của thập niên 1990. Hildebrand hồi tưởng lại: “Chỉ trong vòng hai năm sau khi bài ‘Believe’ của Cher ra đời, Auto-Tune đã xuất hiện trong các phòng thu trên khắp thế giới”.

Tuy trở thành hiện tượng nhưng Auto-Tune lại “mất tích” trong một thời gian dài. Đến năm 2003, khi ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ T-Pain bất ngờ “khai quật” công nghệ này thì cơn địa chấn mang tên Auto-Tune lại tái xuất và tiếp tục khuấy đảo làng nhạc.

Từ đó cho đến nay, ca sĩ với giọng hát hơi hướng robot đã liên tục ra lò những sản phẩm thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc thế giới, điển hình như Lady Gaga, T-Pain, Kesha…

Từ dầu mỏ đến âm nhạc

Điều bất ngờ là ý tưởng phát minh Auto-Tune của Andy Hildebrand lại bắt nguồn từ việc phân tích dữ liệu địa chấn khi thăm dò dầu khí.

Andy Hildebrand học nhạc từ nhỏ tuy nhiên khi vào đại học ông lại theo ngành kỹ sư điện và dành 17 năm trong ngành địa vật lý. Trong thời gian này ông viết chương trình phần mềm phân tích dữ liệu địa chấn giúp các công ty khai thác tìm được mỏ dầu. Hildebrand đã giải thích về phương pháp này như sau: “Công ty khai thác dầu khí sẽ cài mìn vào lòng đất rồi cho phát nổ, sau đó họ sử dụng cảm biến để thu sóng âm thanh phản hồi rồi phân tích và định vị địa điểm có mỏ dầu”.

Năm 1989, ở độ tuổi tứ tuần, Hildebrand quyết định học sáng tác nhạc. Ông phát hiện ra rằng mình có thể sử dụng thuật toán của chương trình thăm dò dầu khí trên cho âm nhạc và sau đó Auto-Tune ra đời. Auto-Tune có khả năng phân tích chính xác giọng hát của ca sĩ sau đó chỉnh những “nốt lỗi” cho phù hợp với cao độ được cài đặt cho bài hát.

Trước khi Auto-Tune ra đời, để có được bản thu âm cuối cùng, ca sĩ thường phải hát đi hát lại từng đoạn nhạc nhiều lần trong phòng thu rồi chọn lọc và ghép lại các đoạn ưng ý nhất thành ca khúc hoàn chỉnh. Có những trường hợp ca sĩ phải thu âm một đoạn ngắn đến 100 lần.

Với Auto-Tune, quá trình thu âm lại trở nên đơn giản một cách bất ngờ. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng khi phải thu âm nhiều lần, ca sĩ sẽ đánh mất cảm xúc với bài hát do vậy Auto-Tune là công nghệ lý tưởng để nghệ sĩ lưu lại lần biểu diễn xúc cảm nhất mà không phải bận tâm về sai sót âm điệu.

Yêu ghét thất thường

Từ khi ra đời cho đến nay, Auto-Tune chưa hề chiếm trọn được tình cảm của người yêu âm nhạc. Đã có ý kiến từ thính giả nhận xét rằng “cha đẻ” Auto-Tune chắc hẳn rất “ghét âm nhạc”. Mặc dù trên thực tế Andy Hildebrand vốn là một nhạc công thổi sáo chuyên nghiệp và từng chơi trong dàn nhạc.

Năm 2010, tạp chí Time đưa ra danh sách 50 phát minh tồi tệ nhất và gọi Auto-Tune là “công nghệ khiến giọng hát nhiều khiếm khuyết của một ca sĩ trở nên hay hơn và những giọng ca thực sự tồi nghe như một robot”.

Trước đó, ban nhạc rock Mỹ Death Cab for Cutie khi xuất hiện tại thảm đỏ lễ trao giải Grammy 2009 đã đeo ruy băng màu xanh để “nâng cao nhận thức chống lại việc lạm dụng Auto-Tune”. Cùng năm 2009, “đại gia” làng nhạc Mỹ Jay-Z còn tung ra bài hát có tựa đề “D.O.A” (Cái chết của Auto-Tune). Nữ ca sĩ Christina Aguilera thậm chí công khai chỉ trích công nghệ này.

Trên thực tế, nhiều ca sĩ dành tình cảm đặc biệt cho Auto-Tune nhưng họ lại giấu giếm điều này trước công chúng.

Trước phản đối của nhiều nghệ sĩ và thính giả với Auto-Tune, trong buổi phỏng vấn, đã có nhà báo đặt câu hỏi với Hildebrand rằng Auto-Tune có phải là sai trái không khi nó che giấu đi sự thiếu sót của ca sĩ, ông liền hóm hỉnh trả lời: “Vậy anh nhận định thế nào về việc vợ tôi trang điểm?”. Một lần khác, ông lại phản hồi: “Tôi tạo ra chiếc ô tô nhưng tôi không đi sai làn đường”.


Hà Linh
 Đại tiệc âm nhạc “Sounds Of The World”
Đại tiệc âm nhạc “Sounds Of The World”

Đại tiệc âm nhạc “Sounds Of The World” - bữa tiệc âm nhạc đẳng cấp thế giới với những nghệ sĩ hàng đầu khu vực và quốc tế cùng những trải nghiệm âm thanh đa sắc màu do Heineken tổ chức diễn ra ngày 19/9, tại Hà Nội, hứa hẹn sẽ đưa khán giả Thủ đô đắm chìm trong đại dương âm nhạc điện tử sống động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN