Phát huy nét đẹp truyền thống tại các Lễ hội Xuân

Ngày 21/2, Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, Ban quản lý Di tích Từ đường xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) cùng Liên đoàn Vật Việt Nam tổ chức khai mạc Hội thi truyền thống vật dân tộc thời Mạc lần thứ 3 năm 2024.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thi truyền thống vật dân tộc thời Mạc lần thứ 3. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

* Hội thi năm nay thu hút 64 đô vật (45 nam và 19 nữ) của 10 đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các đô vật sẽ thi đấu ở 8 hạng cân nam và 2 hạng cân nữ; ngoài ra còn thi đấu chung ở nội dung đô lực sỹ để tìm ra người vô địch duy nhất của cả Hội thi.

Sau hai năm tổ chức, Hội thi truyền thống vật dân tộc thời Mạc (năm Nhâm Dần 2022 và năm Quý Mão 2023) đã khẳng định lễ hội dân gian đặc sắc được Thái tổ Nhân Minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung khởi dựng và truyền dạy cách đây 5 thế kỷ đã thành công tốt đẹp, dần hình thành một sản phẩm văn hóa, du lịch, lịch sử, tâm linh độc đáo và hấp dẫn, cuốn hút người dân, du khách thập phương đến với Lễ hội.

Theo ông Lý Duy Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Vật Việt Nam, với những thành công, đóng góp, Hội thi truyền thống vật dân tộc thời Mạc đã được Liên đoàn Vật Quốc gia đưa vào hệ thống giải quốc gia. Hội thi năm thứ ba thu hút nhiều đô vật chuyên nghiệp trong cả nước, hứa hẹn đầy hấp dẫn. Với phong trào và đội ngũ đô vật tốt, Hải Phòng dự kiến sẽ đạt được nhiều thành tích tốt trong Hội thi năm nay.

* Liên quan đến việc tổ chức Lễ hội Phết Hiền Quan năm 2024, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ) cho biết, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã sẵn sàng. Tuy nhiên, phần cướp phết năm nay tiếp tục tạm dừng do phương án tổ chức đánh phết chưa cụ thể, các điều kiện về cơ sở vật chất, sân đánh Phết chưa đảm bảo an toàn.

Lễ hội Phết Hiền Quan ở tỉnh Phú Thọ được tổ chức vào các ngày 12 và 13 tháng Giêng hằng năm, nhằm tôn vinh công lao và tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa - một nữ tướng có công chiêu mộ binh sĩ, xả thân giúp Hai Bà Trưng đánh giặc.

Tương truyền, để rèn luyện quân sĩ, Thiều Hoa công chúa sáng lập ra việc đẽo gốc tre thành hình tròn (quả to gọi là phết, nhỏ hơn gọi là quả chúi), chia quân ra để đánh phết. Theo đó, hai bên (thanh niên, trai tráng trong làng) sẽ thi thố tài năng, tìm cách cướp và đưa quả phết (hoặc chúi) ra khỏi phạm vi quy định để giành phần thắng.

Thông thường, Lễ hội Phết Hiền Quan gồm 4 phần: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân, cướp phết. Theo quan niệm, nếu ai chạm được vào, cướp được quả phết thì sẽ mang lại may mắn cả năm nên phần đánh phết hằng năm tại Lễ hội thu hút rất đông người tham dự.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Nguyễn Mạnh Hùng, do tính chất phức tạp của phần đánh phết nên Lễ hội Phết Hiền Quan năm nay chỉ tập trung tổ chức tốt phần lễ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Đối với phần đánh phết, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi UBND xã Hiền Quan về việc tạm dừng.

Trước đó, UBND huyện Tam Nông nhận được Tờ trình số 01 của UBND xã Hiền Quan về việc đề nghị phê duyệt Đề án tổ chức Lễ hội Phết năm 2024 và Đề án số 01 của UBND xã Hiền Quan về tổ chức các hoạt động Lễ hội Phết xã Hiền Quan năm 2024.

Năm 2024 là năm thứ 6 không tổ chức hoạt động cướp phết tại Lễ hội Phết Hiền Quan. Lần gần nhất hoạt động được tổ chức là năm 2019, nhưng chỉ diễn ra vài phút thì “vỡ trận” nên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ buộc phải yêu cầu tạm dừng. Những năm sau đó, do ảnh hưởng của COVID-19 cũng như không đảm bảo các điều kiện nên hoạt động tiếp tục tạm dừng.

Hoàng Ngọc - Toàn Đức (TTXVN)
Tăng thêm trải nghiệm trực tiếp cho du khách tại lễ hội Xuân
Tăng thêm trải nghiệm trực tiếp cho du khách tại lễ hội Xuân

Việt Nam với hàng ngàn lễ hội dân gian truyền thống là thế mạnh lớn để thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chúng ta mới tập trung vào việc thu hút khách mà chưa chú trọng đến việc tạo điều kiện cho khách trực tiếp tham gia và trải nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN