Phát hiện tượng thần Apollo Hy Lạp ở Dải Gaza

Bị thất lạc qua nhiều thế kỉ nay, một bức tượng bằng đồng thiếc của thần Apollo (Hy Lạp) đã xuất hiện một cách đầy bí ẩn tại Dải Gaza.

Bức tượng thần Apollo.


Một ngư dân địa phương, anh Joudat Ghrab, cho hay đã vớt được bức tượng nặng 500kg có kích cỡ như người thật bằng đồng thiếc này từ đáy biển vào tháng 8 năm ngoái. Sau đó, anh Ghrab mang nó về nhà trên một chiếc xe lừa kéo mà hoàn toàn không ý thức được tầm quan trọng của thứ mà anh vừa “đánh bắt” được sau chuyến ra khơi.

Người thanh niên 26 tuổi kể lại anh nhìn thấy một hình thù giống con người nằm dưới mặt nước khoảng 100m ngoài bờ biển, ở phía bắc của biên giới giữa Ai Cập và Gaza. Ban đầu, anh Ghrab đã nghĩ đó là cơ thể người bị đốt cháy, nhưng khi lặn xuống để nhìn rõ hơn anh nhận ra đó là một bức tượng. Ghrab cho biết thêm anh và bốn người họ hàng đã phải mất bốn giờ để lôi “kho báu” này lên bờ biển.

“Tôi cảm thấy nó là một món quà mà Chúa ban cho. Tôi đang rất khó khăn tiền bạc và giờ thì chỉ trông đợi một phần thưởng”, anh nói.

Anh Ghrab, người tìm thấy bức tượng.


Bức tượng do Ghrab tìm thấy có màu xanh, thể hiện hình ảnh trẻ trung, lực lưỡng của thần Apollo đứng trên đôi chân cơ bắp. Mái tóc được tạo hình xoăn và một trong hai hốc mắt trống rỗng. Ghrab cho biết anh đã cắt một ngón tay của bức tượng mang đến cho một chuyên gia về kim loại vì nghĩ rằng nó có thể được làm từ vàng. Trong khi đó, một người anh em của Ghrab đã cắt thêm một ngón tay khác để đi kiểm chứng và phần ngón tay này đã được nấu chảy bởi một người bán trang sức.

Bức tượng sau đó được đưa về một gia đình thuộc thành viên của phong trào Hamas. Không lâu sau, trên trang eBay xuất hiện hình ảnh của bức tượng với giá rao bán 500.000 USD, thấp hơn giá trị thật của nó. Cuối cùng, cảnh sát từ nhóm Hồi giáo Hamas đã tịch thu bức tượng và cho hay đang tiến hành điều tra.

Hình ảnh bức tượng được ghi lại ở Dải Gaza.


Trong khi đó, các quan chức thuộc Bộ Du lịch của Gaza cho biết bức tượng sẽ không được trưng bày trước công chúng cho tới khi cuộc điều tra về việc ai đã rao báo bức tượng hoàn thành. Ông Ahmed Al-Bursh của Bộ Khảo cổ cho biết Ghrab có thể sẽ nhận được một phần thưởng khi vấn đề được giải quyết. “Đây là một tài sản quý giá, một phát hiện khảo cổ quan trọng”, ông nói.

Ngoài ra, theo ông Bursh, khi cảnh sát trả lại bức tượng, Bộ Khảo cổ sẽ sửa chữa và trưng bày nó ở Gaza. Ông cho biết thêm “nhiều đơn vị quốc tế cũng đã liên lạc với chúng tôi và đề nghị giúp đỡ trong quá trình phục chế” , trong đó một bảo tàng ở Geneva và bảo tàng Louvre ở Paris muốn thuê bức tượng để sử dụng. Cũng giống như Ghrab, ông Bursh cho biết bức tượng được tìm thấy ở biển.

Trong khi đó, các nhà khảo cổ học vẫn chưa thể chạm tay vào bức tượng thần Apollo này và thay vào đó chỉ có thể nghiên cứu qua một số tấm ảnh. Từ những gì có thể nghiên cứu được, các nhà khảo cổ học cho hay bức tượng xuất hiện khoảng giữa thế kỉ 5 đến thế kỉ 1 trước Công nguyên. Điều này có nghĩa là bức tượng này ít nhất khoảng 2.000 năm tuổi.

“Bức tượng rất đặc trưng. Theo một số cách tôi sẽ nói nó là vô giá… Rất hiếm khi tìm thấy một bức tượng cổ không được làm từ đá mà là từ kim loại”, nhà sử học Jean-Michel de Tarragon nói. Tình trạng còn như mới của bức tượng chỉ ra rằng nó được phát hiện trên mặt đất chứ không phải trên biển. Điều này cho thấy địa điểm thật sự nơi bức tượng được phát hiện đã không được tiết lộ để tránh những tranh cãi về quyền sở hữu.

Cận cảnh gương mặt của tượng thần Apollo.


Ông Tarragon cho hay việc biết được địa điểm chính xác nơi phát hiện ra bức tượng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Những bức tượng như tượng thần Apollo sẽ không được cất giữ riêng biệt. “Một bức tượng vào thời điểm đó được đặt trong một tổ hợp, trong một ngôi đền hoặc một cung điện. Nếu đó là một ngôi đền thì sẽ có tất cả các tác phẩm nghệ thuật khác…”, ông nói.

Khoảng 5.000 năm lịch sử đang nằm bên dưới lớp đất cát của Dải Gaza, mảnh đất từng được cai trị bởi người Ai Cập cổ đại, Philistines, đế chế La Mã, Byzantines, rồi các đội quân Thập tự (trong các cuộc Thập tự chinh). Alexander Đại đế từng bao vây nơi này và vị vua La Mã Hadrian cũng từng đặt chân đến nơi đây. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học địa phương có rất ít kinh nghiệm tiến hànhkhai quật khảo cổ và nhiều địa điểm vẫn còn bị chôn vùi.


Anh Tiếu (Theo Reuters)

Phát hiện hầm mộ của thầy tế cổ đại Ai Cập
Phát hiện hầm mộ của thầy tế cổ đại Ai Cập

Các nhà khảo cổ học Cộng hòa Séc cho hay đã phát hiện hầm mộ của một thầy tế cổ đại Ai Cập tại khu vực Abusir thuộc khu lăng mộ hoàng gia. Vị thầy tế này đã phục vụ dưới triều đại của một vị pharaoh cách đây 4.400 năm về trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN