Phát hiện giếng cổ mang dấu ấn Chăm Pa ở Thanh Hóa

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học cho biết đã phát hiện nhiều giếng cổ mang dấu ấn Chăm Pa ở xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học tìm thấy những chiếc giếng cổ mang dấu ấn văn hóa Chăm Pa trên đất Thanh Hóa. Những di tích này cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa lớn ẩn chứa trong những chiếc giếng cổ Nghi Sơn.

Trong đợt khảo sát khảo cổ học mới đây ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, các nhà nghiên cứu Viện Khảo cổ học đã phát hiện được nhiều giếng cổ mang dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở xã đảo Nghi Sơn. Chiếc giếng có kích thước lớn nhất (mỗi cạnh 2,9m; sâu hơn 5m) nằm ở xóm Giếng (thôn Nam Sơn) còn tương đối nguyên vẹn. Thành giếng được ghép bằng các phiến đá dày, ghè đẽo công phu, xen kẽ là một vài phiến đá lớn có bề mặt khá bằng phẳng, không có chất kết dính. Đáng chú ý là phần đáy giếng được thu nhỏ lại đột ngột bằng 3 lớp đá xếp giật cấp theo hình vuông từ trên xuống.

Đặc biệt, người dân cho biết ở tận cùng đáy giếng có hai tấm gỗ lim dầy được ghìm giữ bởi trọng lượng của các hàng đá bên trên. Tuy mực nước đáy giếng không sâu nhưng nguồn nước dưới đáy giếng luôn giữ mức sâu hơn 1m. Trải qua thời gian, nước trong giếng chưa bao giờ cạn, kể cả những năm hạn hán. Hiện nay, để bảo vệ giếng, người dân trét vữa vào các mạch đá, ốp gạch bên ngoài thành giếng tạo thành hai bậc thềm cao.

Người dân địa phương cho biết, ở khu vực gần cảng nước sâu Nghi Sơn cũng có dấu tích một số giếng cổ nhưng đáng tiếc là quá trình xây dựng tổ hợp khu công nghiệp cảng ở đây đã vô tình xâm hại các dấu tích đó. Thời gian gần đây, người dân xóm Đồn, thôn Bắc Sơn cũng đã lấp 1 giếng cổ để xây dựng nhà ở, hiện chỉ còn dấu vết một góc miệng giếng.

Ngoài những đặc trưng giống nhau về cấu trúc cũng như kỹ thuật tạo dựng giếng, một đặc điểm chung nổi bật là các giếng cổ nơi đây đều phân bố gần sát đường bờ biển cổ. Điều này cho thấy kỹ thuật chọn mạch nước ngọt của cư dân cổ ở đây thật kỳ diệu vì dù nằm sát biển nhưng giếng không bị nhiễm mặn. Nước giếng trong lành, chưa bao giờ cạn, cư dân hiện nay vẫn sử dụng nước giếng trong sinh hoạt hàng ngày. Mới đây, các công trình xây kè chắn sóng, đường xá, nhà ở dân sinh đã đẩy mép nước biển ra xa so với quá khứ.

Theo Tiến sĩ Trình Năng Chung, Trưởng đoàn khảo sát cho biết, khi nghiên cứu các đặc trưng nổi bật của các giếng cổ Nghi Sơn, các nhà khảo cổ cho rằng đó là những di tích mang đậm dấu ấn của văn hóa vật chất Chăm Pa từ kỹ thuật khai thác mạch nước ngầm, đến cấu trúc và kỹ thuật tạo dựng giếng. Về niên đại tạo dựng giếng, có nhiều khả năng các giếng cổ được hình thành vào thời gian nhà Tây Sơn xây dựng phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Năm 1789, Nguyễn Huệ lấy Biện Sơn làm căn cứ hải quân, hợp cùng các đạo quân trên bộ thần tốc kéo ra Thăng Long phá tan quân Thanh. Trong đoàn quân của vua Quang Trung có những người dân Chăm Pa vùng miền Trung nước ta. Có thể họ chính là những người giúp vua Quang Trung xây dựng giếng cổ theo phong cách văn hóa Chăm Pa tại căn cứ hải quân Biện Sơn năm xưa.

Xã đảo Nghi Sơn, trong sử sách còn được gọi là vùng Biện Sơn. Hòn đảo này như một cánh tay khổng lồ vươn ra biển, ôm gọn trong lòng nó một vụng nước lớn, kín đáo với độ sâu thích hợp làm nơi cho tàu thuyền ẩn náu mỗi khi bão gió. Hiện trên xã đảo Nghi Sơn có 4 thôn: Thanh Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn và Nam Sơn. Bốn thôn trên phân bố ở phía Bắc đảo, nằm nối tiếp nhau bởi một con đường nhỏ dài gần 2km, chạy song song mép biển theo hướng Bắc - Nam. Ngày nay, tại vùng Nghi Sơn còn nhiều di tích đền, miếu và lễ hội để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc - vua Quang Trung.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Phát hiện hai khuôn đúc đồng cổ bằng đá
Phát hiện hai khuôn đúc đồng cổ bằng đá

Bảo tàng tỉnh Yên Bái đang lưu giữ hai khuôn đúc rìu, đục đồng cổ bằng đá thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách đây khoảng 2.000 - 3.000 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN