Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc

Ngày 1/12, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học "Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc".

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. 

Hội thảo thu hút sự tham dự của trên 300 đại biểu Trung ương, địa phương và 52 tham luận của chư tôn đức giáo phẩm, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Theo tài liệu của Ban Tổ chức, Xứ Đông nằm ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa với hạt nhân là trấn Hải Đông, nay là tỉnh Hải Dương. Phạm vi văn hóa xứ Đông bao gồm một vùng rộng lớn ở Đồng bằng sông Hồng, ngày nay thuộc tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng và một phần đất thuộc các tỉnh Quảng Ninh và Hưng Yên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật thành phố Hải Phòng cho biết, trong nhiều thập kỷ, Xứ Đông đã từng là một trong những trung tâm lớn bậc nhất của các hoạt động kinh tế và văn hóa sôi động của quốc gia Đại Việt, trong đó có thể coi Quảng Ninh (vùng Đông Triều, Uông Bí) là kinh đô Phật giáo, là trung tâm văn hóa rất tiêu biểu của nước Đại Việt thời Trần.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật thành phố Hải Phòng, phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Xứ Đông mà tiêu biểu là Hải Phòng cũng là những nơi đầu tiên đón nhận Phật giáo du nhập vào nước ta. Cùng với sự phát triển của mình, văn hóa Phật giáo Xứ Đông có lịch sử khá sớm và phát triển liên tục. Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý, chư tôn đức lãnh đạo các giáo hội và đại biểu tham góp, đề xuất những giải pháp mang tính đột phá nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị kho báu tài nguyên văn hóa Phật giáo Xứ Đông, khai thông dòng chảy cùng văn hóa dân tộc mạnh mẽ hơn nữa.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Hòa thượng Thích Thanh Giác, Phó Trưởng ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hải Phòng học cho biết, văn hóa Phật giáo là một phạm trù rộng lớn, bao quát trên nhiều lĩnh vực. Văn hóa Phật giáo luôn gắn liền với tiến trình phát triển văn hóa dân tộc. Hội thảo sẽ góp phần tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa Phật giáo xứ Đông với dòng chảy văn hóa dân tộc và đề xuất các giải pháp, chiến lược, khả thi để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng xây dựng thành phố Hải Phòng và đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn.

Theo Hòa thượng, Tiến sỹ Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng, hội thảo là hoạt động hưởng ứng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về văn hóa. Tại Hội thảo, các chư tôn đức giáo phẩm, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trao đổi cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, tiếp cận đa chiều, đa tầng về văn hóa Phật giáo nói chung, văn hóa Phật giáo xứ Đông nói riêng.

Chú thích ảnh
Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hải Phòng, nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng. 

Qua các tham luận tại Hội thảo cho thấy, văn hóa Phật giáo là một phạm trù rộng lớn, bao quát trên nhiều lĩnh vực như: kiến trúc, mỹ thuật, văn học, cơ sở thờ tự, lĩnh vực đất đai, bi ký, đạo đức, lối sống, lòng hiếu thảo, tôn kính người có công với dân với nước và các lĩnh vực khác gắn chặt với văn hóa làng xã Việt Nam. Các tham luận góp phần khẳng định sâu sắc hơn về văn hóa Phật giáo nói chung và văn hóa Phật giáo xứ Đông, đặc biệt là những nét văn hóa đặc sắc riêng có của cư dân vùng ven biển.

Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu trong Hội thảo, Ban Tổ chức thống nhất cao và khẳng định trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam. Hội thảo cũng đã tập trung, làm sâu sắc thêm vai trò của các giá trị văn hóa Phật giáo gồm văn hóa vật thể và phi vật thể xứ Đông có nhiều nét rất đặc biệt, riêng có mà không đâu có được, tiêu biểu như chùa Hang Đồ Sơn (Hải Phòng) - nơi du nhập Phật giáo vào nước ta đầu tiên, tháp Tường Long (được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng năm 1057), văn hóa Phật giáo thời Mạc. Chính những giá trị văn hóa Phật giáo đó đã hòa quyện với văn hóa bản địa và làm cho đời sống tinh thần của cư dân vùng này phong phú hơn, góp phần đáng kể tạo nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ như ngày nay.

Các đại biểu cũng thống nhất và cho rằng, Phật giáo xứ Đông trong đó có Hải Phòng là nguồn tài nguyên vô cùng qúy giá cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị trên nhiều phương diện khác nhau; do đó, đề nghị các cấp, các ngành và mọi người dân cùng vào cuộc để thiết thực chấn hưng lại những giá trị truyền thống phục vụ phát triển thành phố và đất nước bền vững hơn.

Tin, ảnh: Minh Thu (TTXVN)
Giới thiệu văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử
Giới thiệu văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử

Ngày 29/11, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử”. Hoạt động này kéo dài đến hết ngày 25/12 tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN