Phan Huyền Thư: Tôi sắp hết thời rồi!

 Tất tưởi đi từ Bắc vào Nam, sang Campuchia, trở lại TP.HCM, rồi về Hà Nội cùng với đứa con thứ ba trong bụng và bàn chân sưng vù vì bị trật do sơ ý. Đấy là hình ảnh của nữ đạo diễn Phan Huyền Thư trên đường thực hiện bộ phim tài liệu mới nhất của mình. Nổi tiếng từ làm thơ, và trước đó, từ là con gái của ca sĩ - NSND Thanh Hoa và nhạc sĩ quá cố Phan Lạc Hoa, Thư bất ngờ rẽ sang ngả làm phim tài liệu và đoạt vô số giải thưởng trong nước, phim được mua bản quyền chiếu trên những kênh truyền hình lớn của quốc tế như BBC, chuẩn bị thành lập một xưởng làm phim tài liệu riêng…

Nếu hiện tại được xem là “thời của phim ngắn, phim tài liệu nghệ thuật” với sự xuất hiện của hàng chục, thậm chí là hàng trăm nhà làm phim trẻ tuổi với phong cách làm phim hiện đại, mới mẻ, thì Thư thuộc thế hệ những người mở đường. Câu chuyện của chúng tôi với Phan Huyền Thư bắt đầu cũng từ “chỗ” của người mở đường này.





* Tôi xem một vài bộ phim tài liệu (PTL) của chị và thấy chúng có phong cách hoàn toàn khác với phần lớn PTL Việt Nam tôi xem trước đó trên truyền hình.

- Trước tiên, tôi muốn nói rằng PTL không phải một loại tin tức phóng sự hay phim truyền hình theo kiểu đưa tin. Nó tồn tại độc lập với báo chí. Nhưng ở VN, mọi người đồng hóa nó với một thể loại báo chí gọi là phóng sự tài liệu, một sự nhầm lẫn đáng tiếc! Những giải thưởng lớn trên thế giới trong các LHP quốc tế trao cho PTL không bao giờ trao cho những phim phóng sự chỉ để phục vụ phát sóng, đưa tin truyền hình. PTL có rạp riêng, có đối tượng khán giả riêng và có phát hành băng đĩa. PTL là một trong những bước đi của tất cả những đạo diễn chuyên nghiệp. Một phim truyện có thể ngồi viết kịch bản như sáng tác văn học, sau đó lại qua một khâu nữa là làm kịch bản phân cảnh, dàn dựng bối cảnh quay, cho diễn viên học thoại, diễn trên hiện trường. PTL không cho phép điều đó, người làm PTL chỉ có thể quan sát cuộc sống, tiên liệu mọi thứ, ghi chép hình ảnh đó lại, dàn dựng thành phim.

Về những PTL của tôi, tôi cho rằng mình cũng chưa làm được gì vượt trội, chỉ hơi khác một chút xíu là phim của tôi thường không sử dụng lời bình, nó cố gắng kể một câu chuyện hoàn chỉnh nhưng nó là câu chuyện thật, không có ai đóng nó, không có diễn viên, câu chuyện không phải chỉ “xảy ra như thật” mà vì nó “là sự thật”.

* PTL không phải để phát trên truyền hình, nhưng chúng ta cũng không có rạp cho PTL, vậy thì phim của chị đến với công chúng bằng cách nào?

- Rất nhiều người hỏi bây giờ muốn xem PTL thì xem ở đâu. Thật sự là chẳng có ở đâu cả. Nhưng tôi có may mắn vì thuộc thế hệ nhà làm phim biết lợi dụng công nghệ thông tin để quảng bá phim mình. Tôi tự post phim lên internet, hoặc tổ chức các buổi chiếu cho mọi người xem và họ post phim của tôi lên YouTube. Cộng đồng xem PTL trên mạng của tôi khá đông và đó là một trong những hoạt động tiên phong để tất cả các nhà làm phim độc lập có một giao diện để chia sẻ với nhau, tạo nên một cộng đồng xem PTL trên mạng.

* Với một số người đi trước, họ cho rằng đó là cách PR của kẻ háo danh. Chị có ngại mang tiếng háo danh?

- Tôi không ngại mang tiếng háo danh mà sợ rằng mình sẽ trở nên háo danh thật. Tôi luôn tìm cách nhanh nhất, gần nhất để đến với người xem. Tôi nghĩ người xem đã không phụ lòng tôi vì khi tìm mọi cách đến với họ, tôi đã có khán giả. Điều đầu tiên tôi muốn là để họ hiểu đúng về PTL, sau đó nếu họ yêu thích thể loại này thì thành công rồi. Còn chuyện phim mình hay hoặc không hay còn do cảm nhận và nghiệm sinh của mỗi người...

*Chị từng nói rằng giải thưởng không phải là cái gì quá có ý nghĩa với mình, nhưng sự thật là cũng đã vài lần lên nhận giải thưởng ở một số LHP trong nước…

- Đúng là như thế đấy. Nhưng những giải thưởng tôi nhận được có một giá trị khác, nó cho thấy người trong nghề có chấp nhận cách làm việc của mình không. Bởi cách làm phim của tôi lúc đầu đã bị “ném đá”, có những đồng nghiệp đi trước nói với tôi là: “Nếu không biết cách làm phim thì vác sách sang đài truyền hình mà học!”. Nhưng bây giờ đã khác, hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư nơi tôi đang công tác, cũng đang động viên mọi người làm PTL dài và mạnh dạn thay đổi phong cách. Thật may cho chúng tôi là đến lúc này, đã có một số khán giả cảm thấy PTL thật sự hay, nhiều người còn nói họ thích xem PTL hơn phim truyện của Việt Nam.

* Để làm được những điều đó, chị đã trải qua nhiều chuyện đôi lúc gây ầm ĩ. Điều gì thôi thúc chị lao vào sóng gió như vậy?

- Về những sự việc ồn ào xung quanh nghề nghiệp, việc được công nhận hay không..., thì tôi thấy thất vọng nhiều hơn là buồn bực. Có vẻ công luận và đám đông hiếu kỳ thích tạo nên hình ảnh một nhà biên kịch đố kỵ, háo danh hơn là muốn nhìn nhận một con người sòng phẳng và tự trọng. Đó là chuyện của thời cuộc, tôi có bị nhìn nhận sai lệch thì cũng chẳng thay đổi được bản chất con người mình nên có gì đâu mà phải sống “vỏ bọc”cho nó an toàn làm gì.

Khi còn làm báo, thỉnh thoảng gặp đạo diễn Lê Mạnh Thích, Trần Văn Thủy… để phỏng vấn, họ động viên tôi tham gia viết kịch bản. Tôi đã giúp một số đạo diễn viết kịch bản thành công và được gợi ý về làm biên kịch. Thế là tôi bước chân vào hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư (1999) trong tư thế của một nhà báo (lúc đó tôi không có chút kiến thức nào về điện ảnh).

Trước đây, tôi đầy ảo tưởng về chuyện mình có thể cống hiến rất nhiều kịch bản hay. Nhưng tôi cũng thất vọng ê chề bởi vì những gì mình viết ra chỉ để người ta mang đi xin tiền, xong rồi quăng vào sọt rác. Có những phim mình biên kịch mà khi xem phim mình còn không nhận ra ý tưởng thật sự của mình nữa. Tư cách của người biên kịch PTL ở Việt Nam thực chất chỉ là một “bút nô”. Quan niệm của tôi là: Nếu trong đầu không có một ý tưởng thực sự, người đạo diễn PTL sẽ mãi mãi chỉ là một công nhân đi tổ chức hiện trường mà thôi. Ý tưởng phim thì của biên kịch, ngôn ngữ kể chuyện bằng hình ảnh của quay phim, lên mạch cấu trúc phim của người dựng phim, âm thanh của người thu thanh và hòa âm..., chưa kể đến Hội đồng nghệ thuật góp ý, sửa sang đến tận phút cuối trước khi mang đi duyệt. Vậy sự sáng tạo thực chất của đạo diễn PTL ở đâu nếu anh không ấp ủ một câu chuyện, đi tìm một ý tưởng để tự mình triển khai câu chuyện đó từ khi trứng nước?



* Điều đó khiến chị quyết định trở thành đạo diễn?

- Đúng vậy. Rất may khi thi tuyển được vào Artelier Varan, học xong khóa thứ nhất tôi đã có phim đi dự LHP Nữ đạo diễn Thế giới (Feminist Films Fétival) tại Creteil - CH Pháp. Tôi học tiếp chương trình master của Varan. Khi tiếp cận được với phương pháp của Artelier Varan, tôi hiểu tôi đã tìm được con đường để đi, như họa sĩ có bút vẽ, màu, toan, như nhà văn tìm được giấy bút và tìm ra phương pháp để thể hiện ý tưởng của mình. Nhưng lúc đấy cũng chưa ai cho mình làm đạo diễn. Người ta bảo nếu không học trường sân khấu điện ảnh ra thì không ai công nhận chị là đạo diễn cả, cái khóa học vài tháng ấy chẳng nói lên điều gì, không phải bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp! Những bộ phim đầu tay của tôi bị đặt ra hàng chục câu hỏi và bình luận kiểu như: Ai cho làm phim? Dựng phim thiếu chi tiết, không tuân theo quy tắc: trung - cận - toàn... Cũng phải thông cảm với những người đã nhìn nhận PTL của tôi như vậy theo tư duy làm phim của họ. Bao năm nay những bộ phim của hãng PTL và phim TH không khác nhau là mấy. Chính các nghệ sĩ điện ảnh tài liệu lâu nay đã đồng hóa 2 thể loại này để khán giả nhầm lẫn. Họ quay vô thiên lủng, về ghép lại với nhau sau đó dùng lời bình để lấp liếm mọi thứ. Tôi gọi thể loại đó là “Radio - phim”, có nghĩa là nếu như tắt hình đi, nghe lời bình vẫn hiểu vì nó giống y như một bản tin của Đài TNVN! Các đạo diễn của hãng tôi vẫn lĩnh giải đều đều, thậm chí họ còn cho rằng làm phim kiểu đó là độc đáo, bây giờ làm gì có nước nào dám làm phim tài liệu kiểu Việt Nam!

* Cảm giác của chị khi ấy ra sao khi khán giả không có, còn đồng nghiệp thì không đồng quan điểm sáng tác?

- Những người làm phim, đặc biệt là phim độc lập thì cô đơn là bình thường. Từ xưa tôi vốn là người quen với việc độc lập sáng tạo. Lúc trước làm thơ, muốn người ta đọc thơ rất khó, còn phải bỏ tiền túi ra in rồi tặng chứ chả bán được đồng nào. Nhưng sao vẫn làm? Vì không làm thì không sống được. Máu sáng tạo, đối thoại với chính mình, quan sát cuộc sống và đồng cảm với cuộc sống dường như có sẵn trong người. Tôi có một lợi thế là đi vào lĩnh vực điện ảnh từ rung động của một con người thơ. Vì thế phim tôi làm lúc nào cũng mong muốn có chất thơ được lẩn quất trong đó. Khi tôi mang 2 bộ phim Cha mẹ xin lỗi con và Mẹ con đã về đi chiếu ở 25 trường đại học tại Bắc Mỹ, trong đó có 2 buổi nói chuyện tại đại học Yale và Havard, thì thấy nỗi buồn lớn nhất của những người làm nghệ thuật ở VN là người tiếp lửa cho họ không phải Tổ quốc họ, đồng bào của họ mà lại là một cộng đồng nhân loại rất lạ và xa với mình. Tôi có đọc một bài phỏng vấn nhà văn Đỗ Hoàng Diệu gần đây, cô ấy nói rằng đi giao lưu với độc giả ở Nhật về thì tự nhiên có động lực để tiếp tục viết sau nhiều năm, thấy rất đồng cảm. Tôi quyết tâm đưa hình ảnh dân tộc mình và những vấn đề về thân phận con người của quê hương mình ra với thế giới nhiều hơn nữa.



* Chị đã vượt qua thời kỳ “bị phản ứng” đó như thế nào?

- Sau khi tìm được phương pháp làm phim, tôi còn phải học cách làm chủ được câu chuyện của mình bằng hình ảnh. Tôi cảm thấy tôi làm phim với đầy run rẩy, sợ hãi, đầy sự thể nghiệm và còn vấp phải những phản ứng. Nhưng mừng nhất là khi đang ở trong thời điểm tinh thần xuống thấp vì nghĩ rằng mình không có khả năng làm PTL, con đường đi, cách thể hiện của mình không được đồng nghiệp đón nhận thì tôi được khán giả đón nhận, đặc biệt là những khán giả trẻ. Tôi cảm thấy không cô đơn nữa và tin vào mình.

* Mới đây, 2 bộ phim của chị, Quyền được học và Cha mẹ xin lại con được BBC chọn để phát trên toàn cầu trong chương trình My Country, một chương trình giới thiệu đất nước - con người của các quốc gia trên thế giới. Nghe nói chị đang thành lập xưởng phim riêng. Phải chăng chuyện tiền bạc đã rất dễ thở với “khách thơ”?

- Tôi đã làm rất nhiều việc, kể cả phim quảng cáo, clip ca nhạc hoặc hợp tác sản xuất các chuyên mục phim truyền hình thực tế hoặc PTL ngắn,... để kiếm tiền. Bây giờ đã có những thành quả. Tôi đã có thể tự liên hệ với các kênh truyền hình lớn như Discovery, BBC, CNN hay KBS, NHK... Song trước tiên mình phải dám lao vào chợ phim, lao vào các cuộc giao dịch theo dạng chào mời ở “chợ ý tưởng” với các nhà sản xuất và học hỏi rất nhiều, tìm cách để họ chú ý đến mình.

Như thế cũng chưa thấm vào đâu, tất cả chỉ mới bắt đầu thôi. Nhưng tôi rất tin vào tương lai của PTL. Tôi đã rất hào hứng khi tham gia với anh Bùi Thạc Chuyên vào dự án Chúng ta làm phim của Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh Trẻ do Hội Điện ảnh Việt Nam và Ford Foundation thành lập đã 3 năm nay, với giáo trình được soạn dựa trên tài liệu của Viện Điện ảnh Hoa Kỳ. Nhiều học sinh của khóa học đã thành công với thể loại PTL khi phim của các em được mang tới các Festival nước ngoài. Thời của PTL đang ở trong tay các em, còn tôi thì đã sắp hết thời rồi.

* Cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.



Theo thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN