Phạm Lực - người họa sĩ “sở hữu” riêng một Fan Club

Đối với họa sĩ Phạm Lực, cảm hứng và chủ đề hội họa xuất hiện khắp mọi nơi, trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống.

Trong quan niệm của họa sĩ Phạm Lực, vẽ tranh giống như một hình thức vận động. Một ngày không vẽ tranh khiến ông cảm thấy mình trở nên ốm yếu, điều đó cũng phần nào lý giải cho kho tàng tác phẩm phong phú của ông. Và cũng vì lẽ đó, ông được những người hâm mộ ưu ái gọi là Fablo Picasso của Việt Nam. Đối với nền mỹ thuật học Việt Nam, lần đầu tiên một họa sĩ Việt Nam đương đại có hẳn một câu lạc bộ sưu tập tranh Phạm Lực.

Họa sĩ Phạm Lực bên những tác phẩm của mình. Ảnh: T.LT.L

Tính đến nay, Phạm Lực đã có hơn 70 năm cầm chổi vẽ. Từ khi mới lên ba, ông đã bắt đầu hứng thú với việc sử dụng mọi thứ thành bút vẽ. Đó có thể là một mẩu than hay một cành cây, một hòn đá và bất kỳ đâu cũng có thể là bảng vẽ. Rất nhiều lần ông bị hàng xóm phàn nàn khi những bức tường nhà họ trở thành giá vẽ. May mắn thay, sau đó ông tìm thấy một bãi cát rộng bên bờ sông gần nhà nơi ông có thể thỏa thích vẽ bằng những cành cây.

Vừa cầm súng, vừa cầm bút vẽ

Lớn lên trong thời kỳ đất nước trải qua chiến tranh, Phạm Lực tham gia quân ngũ sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Người bạn đồng hành của Phạm Lực là giấy, bút và màu vẽ. Họa sĩ tâm sự: “Sứ mệnh của người họa sĩ là ghi chép lại những gì mình quan sát thấy. Cuộc sống muôn màu, tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì”.

Quá chuyên tâm vào quan sát những khoảnh khắc của cuộc sống, Phạm Lực thường xuyên lỡ tàu hay bị mất cắp. Ngày ấy, đánh mất “dụng cụ” là một thảm họa vì dụng cụ vẽ là đồ hiếm trong chiến tranh. Dù vậy “cái khó ló cái khôn”, một lần nữa, ông lại cố gắng tận dụng mọi thứ để biến chúng thành bảng vẽ, đó có thể là một miếng vải thô, tờ bìa cứng, bao bố hay thậm chí là... một cái võng.

Phạm Lực vốn xuất thân là dõng dõi thế gia. Mẹ anh là bà Nguyễn Thị Chương, người Hà Tĩnh và là chắt ruột của đại thi hào Nguyễn Du. Bà theo chồng vào Huế, nơi ông đang giữ một chức quan của Nam triều. Cách mạng tháng Tám nổ ra, cha của Phạm Lực khuyên vợ đưa 3 đứa con (Phạm Lực lúc đó mới 2 tuổi) trở về Hà Tĩnh sống nhờ bên ngoại, còn ông ở lại Huế để nghe ngóng tình hình thời cuộc.

Trong khi người cha ở lại Huế “xênh xang áo mão cân đai” thì vợ con ông ở quê ngoại lại phải sống trong tủi nhục oan nghiệt, bị những người xung quanh dè bỉu, xa lánh vì có cha, có chồng làm “Việt gian”. Đó là cái vết khiến cho cuộc sống sau này của ông nhiều chông gai. Đam mê lớn nhất của Phạm Lực là được vẽ, nhưng cái “phốt” lý lịch hầu như đã đóng sập những cánh cửa dẫn vào trường vẽ. Nhưng bằng những phấn đấu không ngừng, cuối cùng Phạm Lực cũng đã được vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1960-1965).

Vừa ra trường, Phạm Lực trở thành bộ đội chiến đấu. Người chiến sĩ ấy “tay súng, tay cọ” rong ruổi khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nam Lào, Tây Nam Bộ... Phạm Lực ở trong quân ngũ 35 năm. Người họa sĩ bằng tài năng, sự kiên trì và nỗ lực đã trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Trong thời gian này, Phạm Lực đã đoạt được nhiều giải thưởng về nghệ thuật của Bộ Quốc phòng. Năm 1977, Phạm Lực tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Hơn 70 năm theo nghiệp vẽ

Cọ. Màu. Bảng vẽ. Những bức tranh ngổn ngang. Ngôi nhà của Phạm Lực là một phòng vẽ. Khi đang vẽ một bức tranh sơn mài và bị hết màu vẽ, ông chuyển nó thành tranh sơn dầu và tiếp tục hoàn thành nó theo một phong cách hoàn toàn khác. “Chỉ cần để tôi một mình trong phòng với chiếc đài cũ kỹ phát những bài hát tiền chiến, bút và màu vẽ, tôi có thể làm việc một cách tự nhiên, chỉ bằng cảm giác mà không cần bản phác thảo”, Phạm Lực cười khà khà. Đối tượng trong những bức tranh của Phạm Lực cũng hết sức đa dạng, như chợ quê, những bức tranh Tết, nghệ sĩ ca trù và những cô A Đào, anh hùng Thánh Gióng, hay nhà thơ Nguyễn Du.

Hình ảnh người phụ nữ mang lại cho ông nhiều cảm hứng hơn. Đó có thể là một người phụ nữ trong một chiếc áo cũ chở con đi trên chiếc xe đạp trong thời kỳ chiến tranh, một người phụ nữ tìm kiếm con thời hiện đại, hay cụ bà bán hoa quả. Cuộc chiến tranh Việt Nam, ông tin, đó là cuộc chiến tranh toàn dân. Khác với những cuộc chiến tranh khác, khắp nơi trên đất nước Việt Nam bị dội bom và đâu cũng là hình ảnh của chiến trường. Trong bối cảnh đó, những người phụ nữ Việt Nam là những người phải qua tang thương nhiều nhất. “Trong chiến tranh, họ yếu đuối và có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Khi hòa bình lập lại, họ mong ngóng chồng, con trai, anh em của mình trở về nhưng họ không bao giờ trở lại”, Phạm Lực trầm tư.

Sự cảm thông và tình yêu của ông đối với những người phụ nữ trong những tác phẩm của ông mang đến cho ông những tình yêu đích thực. Một người phụ nữ Pháp yêu mến tranh của ông và sưu tầm rất nhiều tác phẩm của ông. Ba năm sau, bà mời ông tới một khu biệt thự mà bà nói rằng đó là khoản thanh toán cho những bức tranh trước đó và cầu hôn ông. Với sự hỗ trợ của vợ mình, những bức tranh của ông được triển lãm tại châu Âu và vì thế, người hâm mộ ông cũng tăng lên.

Trong số rất nhiều họa sĩ Việt Nam đương đại, Phạm Lực là người duy nhất có một câu lạc bộ những người sưu tập tranh của mình. Câu lạc bộ với hơn 100 thành viên và hơn 6.000 tác phẩm thường xuyên tổ chức những buổi triển lãm.

Một người yêu tranh Phạm Lực - thành viên trong câu lạc bộ Thomas J.Vallely, Giám đốc chương trình Havard Vietnam chia sẻ, nơi yêu thích của ông ở Việt Nam không phải là thành phố nào cả mà đó chính là phòng vẽ của họa sĩ Phạm Lực. Bất cứ khi nào đến thăm Phạm Lực, nói chuyện về hội họa, ông được biết thêm được rất nhiều về Việt Nam, cả quá khứ và hiện tại. Ông được ngắm nhìn những tác phẩm với những chủ đề đa dạng, được thể hiện bằng ngôn ngữ mỹ thuật về sự gian khổ của chiến tranh và những đau thương của cuộc sống, những tác phẩm chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, di sản mang giá trị không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới.
Kiều Hà
“Sắc Dó” của họa sĩ Vũ Thái Bình
“Sắc Dó” của họa sĩ Vũ Thái Bình

Ngày 18/10, triển lãm “Sắc Dó” của họa sĩ Vũ Thái Bình được khai mạc tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN