“Nữ hoàng” opera Bích Thủy: “Opera ở Việt Nam đang có những tín hiệu khởi sắc...”

Tôi gặp Bích Thủy lần đầu ngay sau khi cô giành được ngôi vị quán quân tại cuộc thi Opera ASEAN mở rộng năm 2002 (tổ chức tại Thái Lan- PV). Được sự giới thiệu của NSND Trung Kiên, người thầy của cô, tôi tìm đến gặp Thủy tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Ấn tượng ban đầu của tôi: Gầy và đen, có vẻ hơi ít nói và khá khiêm tốn.

Bích Thủy trong một buổi biểu diễn với dàn nhạc.


Gần mười năm gặp lại, Bích Thủy da trắng, tóc dài, và có vẻ xinh đẹp hơn. Gần 10 năm là quãng thời gian khá dài và Bích Thủy (SN 1978), cô gái sinh ra và lớn lên ở ngoại thành Hà Nội, đã tiến rất xa trên con đường sự nghiệp của mình. Cô được giới chuyên môn đánh giá cao bởi giọng hát đầy nội lực, được đào tạo bài bản và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân để làm “đầy” thêm giọng hát của mình. Người hâm mộ opera gọi cô là “DIVA” của dòng nhạc này ở Việt Nam…

Chào Bích Thủy! Thủy có thể kể về thành tích của mình những năm qua một chút đi?


- Sau khi đoạt giải nhất tại cuộc thi Opera ASEAN mở rộng năm 2002, Thủy quay trở lại trường, tiếp tục làm công tác giảng dạy. Sau đó, Thủy may mắn được Trường Nghệ thuật Tổng hợp Hàn Quốc cấp học bổng cao học, ra trường năm 2008. Đang đà, Thủy làm luôn Tiến sỹ Lý luận trong nước rồi sang Áo học thêm về opera một năm…

Nghề ca hát đòi hỏi phải thanh - sắc vẹn toàn. Thủy đang đạt đến độ “chín” của nghề nghiệp, trong khi đó lại cứ theo đuổi việc học lên cao mãi. Có nhất thiết phải học nhiều như thế không?


- Đối với Thủy, sự học không bao giờ thừa! Nhiều người cũng bảo, học thế đủ rồi, giờ về lo khẳng định vị trí thôi. Nhưng Thủy không nghĩ thế! Thủy là người cầu toàn. Nghề này nếu không trau dồi, cập nhật với thế giới, đảm bảo ở Việt Nam 1-2 năm thôi, không có đất diễn, chắc chắn sẽ bị mai một và lạc hậu. Thủy còn dự tính học thêm về đàn nữa đấy. Ôm đồm quá phải không!

Tại sao Bích Thủy chọn Hàn Quốc mà không phải một nước châu Âu nào khác như Áo, Nga…- những cái nôi của nghệ thuật hàn lâm?

- Mỗi nơi có một cái hay riêng, không thể so sánh. Và cho đến bây giờ, Thủy không cảm thấy hối tiếc về sự lựa chọn của mình.

Sang Hàn Quốc học, đồng nghĩa với việc Thủy phải bắt đầu từ vạch xuất phát: Học tiếng, thay đổi thói quen sinh hoạt… Thời gian đó có khó khăn nhiều không?


- Giống như các du học sinh khác, lúc mới sang, Thủy cũng phải trải qua khóa học tiếng Hàn giao tiếp kéo dài năm tháng. Bài tập nhiều, ăn uống không hợp khẩu vị, có khi phải lội bộ trong tuyết cả tiếng đồng hồ để đến lớp, lúc nào cũng mệt mỏi… cũng nản, nhưng rồi cũng vượt qua được! Đến khi vào học chuyên môn lại phát sinh những khó khăn khác. Giáo viên dạy thanh nhạc nói tiếng Anh nhưng các môn khác đều được giảng bằng tiếng Hàn. Mình cứ nhìn thẳng vào mặt thầy nhưng tai thì không nghe được gì cả. Đấy là chưa kể thời gian học hết sức gắt gao. Sáng 7 giờ phải ra khỏi nhà, có hôm 12 giờ đêm mới về, nằm vật ra giường, chẳng thiết ăn uống gì nữa. Cứ triền miên như thế, thần kinh luôn căng thẳng, mình cứ như sắp bị điên đến nơi, cứ như con rối ở trường… Nghĩ lại, thấy đấy có lẽ là quãng thời gian khủng khiếp nhất đối với tất cả những du học sinh như mình.

Đó là chưa kể học chuyên môn cũng nhiều áp lực?


- Một ngành học đòi hỏi phải rèn luyện liên tục với nhiều khuôn phép. Có người bảo, tự dưng lại húc đầu vào đá! Học ở Hàn, 2-3 tháng sinh viên phải tập và diễn một vở opera. Suốt ngày chỉ tập luyện và tập luyện, không được đi chơi vui vẻ, lúc nào cũng phải giữ sức khỏe, lúc nào cũng ở trong trạng thái căng như dây đàn…

Khó khăn như vậy, có bao giờ Thủy thấy hối hận về sự lựa chọn của mình?


- Hối hận thì không, nhưng có nhiều khi mệt mỏi quá cũng dao động. Lúc ấy chỉ ước gì mình là dân chơi đàn để đỡ phải mệt mỏi trước mỗi chương trình lớn. Nhưng dao động vậy thôi, lên sân khấu là lại như nhập đồng, quên hết tất cả những khó khăn, mệt nhọc. Cái cảm giác hạnh phúc nó lớn lắm…

Nghe nói trước mỗi buổi biểu diễn, Thủy bị “o bế” dữ lắm?


- Vì mình hát chính mà! Như chuyến đi diễn ở Nga, trước ngày biểu diễn, mọi người tập xong tha hồ đi chơi, mua sắm… riêng Thủy phải về nhà… ngủ. Để giữ giọng. Có khi đoàn còn cử một người ở nhà canh mình ngủ cho chắc (cười). Đến giờ diễn, mọi người chỉ việc thay trang phục là lên sân khấu, còn mình phải mất hàng tiếng đồng hồ ngồi làm tóc, trang điểm… Chưa kể trước đó phải tính toán mình sẽ ăn gì, ăn bao nhiêu? Nếu no quá thì không lấy hơi được, đói quá bủn rủn chân tay sẽ không hát được. Nếu hát cuối, cũng phải “căn” xem ăn cái gì để có thể cầm cự được đến lúc đó…

Opera ở Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng như những dòng nhạc khác. Thủy nghĩ sao khi chọn con đường này để dấn thân?


- Thú thực, chính bà giáo người Hàn Quốc đã khuyên Thủy nên dự tuyển vào một nhà hát ở đây, muốn thì vừa làm vừa học, vài năm nữa khi kinh tế và xã hội phát triển, opera được quan tâm hơn thì hãy trở về Việt Nam. Đấy là một ý kiến hay nhưng Thủy nghĩ, nếu không có người dấn thân thì không biết đến bao giờ opera ở Việt Nam mới phát triển được.

Là người trong nghề, theo Thủy, có tương lai nào cho opera ở Việt Nam?


Đang có những tín hiệu khả quan. Người nước ngoài ở Việt Nam ngày càng nhiều. Mới đầu thì họ thích nghe dòng dân gian của mình, nhưng ở lâu họ lại nhớ opera. Thủy thấy mình cũng có môi trường để làm nghề thường xuyên. Sự thật là không hiếm các đoàn khách nước ngoài thuê cả dàn nhạc giao hưởng cùng Nhà hát Lớn để nghe opera thuần chất. Đó chẳng phải là điều đáng mừng sao?

Xin cảm ơn Bích Thủy về cuộc trò chuyện thú vị này!


K. Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN