NSND Trịnh Thịnh qua đời vì nhồi máu cơ tim

Có thể là thất lễ khi gọi điện đến một tang gia giữa lúc đêm muộn để… hỏi chuyện, vì thế, người viết rất cân nhắc khi bấm số và gọi cho vợ NSND Trịnh Thịnh khi đã hơn 10h đêm, nhưng người phụ nữ ấy đã nhấc máy nhẹ nhàng, trò chuyện điềm tĩnh, hỏi lại phóng viên ân cần, chỉ khi nhắc đến bệnh tình của chồng lúc lâm chung, bà mới để lộ sự nghẹn ngào, pha chút mệt mỏi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh- vợ của NSND Trịnh Thịnh đã có những năm tháng dài gắn bó với ông, đã “chung vai đấu cật” cùng cố nghệ sỹ những năm tháng nghèo khó, kinh tế chật vật, đã lặng thầm nuôi 5 con gái lớn khôn, lo quán xuyến gia đình để NSND Trịnh Thịnh có thể yên tâm với nghề diễn. Năm 2001, ông bà đã tổ chức đám cưới vàng kỷ niệm những năm tháng hạnh phúc sống bên nhau. Sinh thời, NSND Trịnh Thịnh luôn nói, ông may mắn khi có một người vợ đảm đang, chu đáo như bà.

Ảnh lưu niệm của vợ chồng NSND Trịnh Thịnh tại nhà riêng. Ảnh: Trung QP


Lặng đi đến một phút trong điện thoại để tìm câu chữ nói về sự ra đi của chồng mình, bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh chia sẻ, “Ông ấy mang nhiều bệnh tật. Ông ấy bị sỏi thận, viêm túi mật, nhồi máu cơ tim… Ông ấy đã nhập viện nhiều lần trước đây nhưng đều qua khỏi. Đến lần này, chứng nhồi máu cơ tim đã quật ngã ông ấy. Ông ấy đã ra đi sáng nay tại bệnh viện Bạch Mai”.

Bà Khanh kể lại thời bao cấp, kinh tế khó khăn, sức khỏe của NSND Trịnh Thịnh đã không được tốt. Mấy năm nay, ông càng yếu hơn. Đã từ rất lâu, NSND Trịnh Thịnh không nhận thêm vai diễn nào, do sức khỏe ốm yếu. Ông đã nằm viện suốt 3 tuần trước khi trút hơi thở cuối cùng vào 9h20 sáng nay 12/4 tại bệnh viện Bạch Mai.

Nhắc đến cuộc sống hạnh phúc với NSND Trịnh Thịnh, bà Khanh nghẹn ngào, “Sự ra đi của ông ấy sẽ để lại một khoảng trống lớn…”. Câu chuyện giữa chúng tôi trở nên đứt quãng vì sự nghẹn ngào…


NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926. Ông lớn lên tại Hà Nội. Từ nhỏ, Trịnh Thịnh đã có niềm đam mê lớn với điện ảnh. NSND Trịnh Thịnh là một trong những cái tên kỳ cựu của điện ảnh Việt Nam. Năm 1956, khi bắt tay vào làm bộ phim đầu tiên của lịch sử điện ảnh Việt Nam, Chung một dòng sông - đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã mời Trịnh Thịnh tham gia.


Trịnh Thịnh trong vai A Sinh phim "Vợ chồng A Phủ".


Kể từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, NSND Trịnh Thịnh đã có cuộc hành trình dài với điện ảnh Việt Nam. Ông có hàng trăm vai diễn đáng nhớ, có thể kể tên: Thằng Bờm, Vợ chồng anh Lực, Lá ngọc cành vàng, Lời nguyền của dòng sông, Thị trấn yên tĩnh, Vợ chồng A Phủ… Với vai diễn phó chủ tịch huyện trong phim Thị trấn yên tĩnh và vai ông nội Bờm trong phim Thằng Bờm, NSND Trịnh Thịnh được trao Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Quốc gia lần thứ 8 (1988). Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân.


Lễ tang của NSND Trịnh Thịnh sẽ diễn ra vào 14h45 ngày 15/4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).




Theo dantri.com.vn
Tâm sự buồn của một nghệ sỹ vô danh
Tâm sự buồn của một nghệ sỹ vô danh

Lão không phải một nghệ nhân được nhà nước phong tặng, nhưng lão lại là nghệ nhân của buôn làng, bởi người dân trong làng vẫn gọi lão là “lão nghệ nhân Nglơm Thung” một cách trìu mến và đầy trân trọng. Nhưng lúc nào lão nghệ nhân này cũng mang một nỗi buồn không biết tỏ cùng ai...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN