Nỗi niềm làng gốm Mỹ Thiện

Nằm bên dòng sông Trà Bồng, làng gốm Mỹ Thiện ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra đời cách đây 200 năm. Thời vàng son, đây là nơi cung cấp các sản phẩm gốm độc đáo cho thị trường các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, gốm Mỹ Thiện vang bóng một thời giờ đây đang lụi tàn, mai một dần.

 

Một thời vàng son

 

Nằm bên dòng sông Trà Bồng, làng gốm Mỹ Thiện ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra đời cách đây 200 năm. Thời vàng son, đây là nơi cung cấp các sản phẩm gốm độc đáo cho thị trường các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, gốm Mỹ Thiện vang bóng một thời giờ đây đang lụi tàn, mai một dần.

 

Vợ chồng ông Trịnh vẫn ngày đêm gắn bó với nghề gốm, ước mơ một ngày nào đó, gốm Mỹ Thiện sẽ hồi sinh.

 

Cùng với làng gốm Thanh Hà nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam), làng gốm Mỹ Thiện ở Bình Sơn, Quảng Ngãi cũng từng được xem là “thủ phủ” của những sản phẩm được làm ra từ nguyên liệu chính là đất sét. Có vị trí địa thuận lợi vì nằm ngay bên dòng sông Trà Bồng, thông ra cửa biển Sa Cần (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nên việc giao thương buôn bán, chuyên chở hàng hóa rất thuận lợi. Theo tài liệu văn tế tổ nghề của làng thì làng gốm Mỹ Thiện ra đời cách đây hơn 200 năm, tổ nghiệp của làng gốm là hai ông Phạm Công Đắc và Nguyễn Công Ất, quê gốc ở Thanh Hóa vào Quảng Ngãi lập nghiệp. Sản phẩm của làng nghề rất da dạng, phong phú về chủng loại như: chum, chóe, ghè, hũ, bình hoa, tượng động vật, tượng thờ, lư hương… Thời kì hưng thịnh, nghề làm gốm ở Mỹ Thiện được xem là nghề “hái ra tiền”, vì sản phẩm làm ra tinh xảo, độc đáo nên được khách hàng ưa chuộng, là niềm tự hào của người dân làng gốm Mỹ Thiện. Kỹ thuật làm gốm Mỹ Thiện từ xa xưa, hiện nay vẫn còn một số ít bậc cao niên trong làng am hiểu tường tận, như cách chế tác ra men, kỹ thuật nung.


Ông Phạm Hậu (83 tuổi, thị trấn Châu Ổ), người có hơn 23 năm kinh nghiệm làm gốm, chia sẻ: “Một trong những đặc trưng để gốm Mỹ Thiện không dị bản so với gốm ở các làng nghề khác chính là kỹ thuật lên men, cư dân ở đây chủ yếu tạo ra loại men có màu xanh nước biển, được pha chế bởi những “tuyệt kĩ” gia truyền của mỗi gia đình, truyền tai nhau qua nhiều thế hệ”. Tuy là nghề truyền thống, nghiệp làm gốm chảy trong huyết quản, gắn bó máu thịt với cư dân làng gốm Mỹ Thiện, nhưng kể từ năm 1998, Hợp tác xã gốm Mỹ Thiện sau hơn 10 năm tồn tại đã phải giải thể, hơn 50 lò gốm theo tổ nghiệp của ông cha đành ngậm ngùi chuyển sang nghề khác. Ông Phạm Thiểm (75 tuổi, thị trấn Châu Ổ) bộc bạch: “Hợp tác xã bị giải thể vì sau nhiều năm sản xuất không hiệu quả, sản phẩm làm ra ế ẩm vì đồ nhựa gia dụng Trung Quốc tràn lan trên thị trường. Người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm truyền thống, khiến những người theo nghiệp “đất sét bàn xoay” như chúng tôi không khỏi chạnh lòng”. Hiện nay, cả làng gốm vang bóng một thời giờ chỉ còn duy nhất một lò “vật vã” bám trụ với nghiệp tổ tiên.

 

Vì đâu nên nỗi?


Từ một làng nghề truyền thống trứ danh một vùng, với hàng trăm người theo nghiệp gốm, giờ chỉ còn một “móc neo cuối cùng”. Đó là nghệ nhân Đặng Văn Trịnh ở khu phố 2, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn. Sinh ra trong gia đình có 5 đời làm gốm, 51 tuổi đời, có hơn 35 năm gắn bó với nghiệp làng gốm của tổ tiên, ông đã chứng kiến không ít những bể dâu, thăng trầm của làng gốm. Cả làng gốm giờ chỉ còn mỗi mình ông còn tâm huyết, say mê với nghề. “Thời kì hưng thịnh, gốm là kế sinh nhai của cả cái làng này, nhưng kể từ năm 1998, nhiều lò gốm đã bắt đầu “rơi rụng” dần. Thấy người ta bỏ hết, rồi nhiều người đã đổi đời nhờ vào những nghề mới, nhiều lúc làm mình cũng nản lây, nhưng mình mà cũng bỏ nốt như họ thì cái nghiệp tổ tiên “gầy” dựng mấy trăm năm, xem như đổ sông đổ biển”, ông bộc bạch.

 

Lò gốm của ông Thiện đang dần xuống cấp.

 

Đam mê cái nghiệp của ông cha đã “gầy” dựng nên thương hiệu, thời điểm gốm làm ra ế ẩm, không còn đảm bảo cuộc sống cho làng, nhiều người không bám trụ nổi, nhưng ông vẫn quyết tâm “giữ lửa” cho làng gốm. “Cuộc sống gia đình nhiều lúc rơi vào cảnh túng quẫn, lò gốm sản xuất cầm chừng, thu nhập eo hẹp từ lò gốm không đủ nuôi gia đình. Vợ con phàn nàn dữ lắm nhưng tôi cứ chặc lưỡi, thôi mặc kệ, mình cứ dốc hết tâm sức vào mỗi sản phẩm làm ra thì lẽ nào không sống được”.


Hôm chúng tôi đến, ông cùng vợ đang hì hục bên những mớ đất sét, căn nhà cấp 4 nằm hút sâu trong một con hẻm, không gian lò gốm chật hẹp, chất đầy những chum, chóe, bình hoa. Đôi bàn tay gầy guộc, uyển chuyển “vuốt tay, be chạch” trên bàn xoay, tỉ mẩn trong từng công đoạn. Ông nói: “Gốm Mỹ Thiện giờ đã qua cơn bĩ cực, nhưng chưa thể hồi sinh. Điều tôi trăn trở là những bậc “tiền bối” của làng nghề theo thời gian, giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Còn lớp trẻ bây giờ không còn mấy ai mặn mà với cái nghiệp của tổ tiên nên không có hậu nhân để truyền nghề, sợ sau này cái nghiệp của ông cha không gìn giữ được”. Cũng theo ông Trịnh, gốm Mỹ Thiện không phải vì kém chất lượng nên không có chỗ đứng trên thị trường mà nguyên nhân chính là khâu quảng bá sản phẩm cũng như việc mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn chưa được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đào tạo truyền nghề. Sản phẩm từ gốm tuy không tiện dụng bằng những loại vật dụng sản xuất từ nhựa nhưng lại đẹp, bền chắc, không độc hại với người tiêu dùng. Và một khi người “giữ lửa” của làng không còn thì nguy cơ mai này gốm Mỹ Thiện bị thất truyền là một kết cục đã được dự báo trước.


Bài và ảnh: Bạch Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN