Kỷ niệm 68 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2012):

Những khoảnh khắc khó quên với tướng Giáp

Có thể nói nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trần Tuấn (TTXVN) là người có trong tay bộ lưu trữ ảnh đồ sộ nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhà báo Trần Tuấn kể rằng, ông đến với nghề báo mà lại chuyên về ảnh báo chí thật bất ngờ, việc được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt 35 năm lại càng bất ngờ hơn nữa. Những năm tháng xách máy tháp tùng Đại tướng cả trong và ngoài nước, ông đã có nhiều bức ảnh quí giá và những giây phút không thể nào quên về vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.


Cái duyên được tháp tùng tướng Giáp


Bức ảnh đầu tiên nhà nhiếp ảnh, nhà báo Trần Tuấn chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bức ảnh đen trắng khi Đại tướng đi thăm Huế vào tháng 5/1975, ngay sau khi miền Nam giải phóng không lâu. Trong chuyến thăm Huế lần ấy, Đại tướng trở về mái trường xưa, trường Quốc học Huế, và trồng cây lưu niệm tại đây. Nhà báo Trần Tuấn cũng không thể ngờ rằng cái duyên ban đầu ấy đã khiến ông vinh dự được đi theo chụp ảnh cho Đại tướng trong suốt thời gian dài sau đó.


Và những ngày tháng được tiếp xúc với Đại tướng, ông đã trưởng thành hơn lên, học hỏi được nhiều điều ở con người và nhân cách cao đẹp của tướng Giáp; ngày càng kính trọng, yêu quí Đại tướng như tình cảm của một người con đối với người cha và ông hạnh phúc vì mình có được may mắn ấy.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn (năm 2005).


Những chuyến đi dài ngày hay ngắn ngày cùng Đại tướng, mỗi bức ảnh ông chụp đều có câu chuyện của riêng nó, đầy xúc động. “Những chuyến tháp tùng Đại tướng, dù là thăm lại chiến trường xưa, thăm các mẹ Việt Nam anh hùng, đón tiếp phái đoàn ngoại giao các cước, công du nước ngoài, gặp gỡ người dân,... đều để lại những dấu ấn khó quên”, ông nói. Cũng chính vì thế, những bức ảnh chụp Đại tướng được ông chụp ở những thời khắc điển hình nhất, nhiều bức ảnh trở thành duy nhất, không nhà báo nào có được.


“Năm 1997, cũng vào dịp cuối năm như thế này, trong một buổi chiều khi tôi đang ngồi cùng Đại tướng trong phòng đọc sách, lúc ấy có cả đồng chí Trịnh Nguyên Huân, thư ký của Đại tướng, bất chợt Đại tướng nói: Cách đây 25 năm, thời gian này rất khốc liệt khi Mỹ cho máy bay B52 ném bom xuống Hà Nội. Hay bây giờ ta đến xem xác máy bay ở Ngọc Hà?”, ông kể.


Thế là rất nhanh chóng, lái xe riêng của Đại tướng là Nguyễn Văn Mùi đưa cả đoàn đi thăm hồ Hữu Tiệp, phường Ngọc Hà, nơi chiếc máy bay B52 bị bắn rơi tại chỗ. Khi tới nơi, người dân phường Ngọc Hà dù được báo rất gấp cũng đã kịp thời có mặt; riêng cánh phóng viên không ai biết, trừ hai phóng viên đài truyền hình Hà Nội được UBND phường thông báo vừa kịp tới.


Tuy nhiên, vị trí “đẹp” gần với Đại tướng hơn cả đã bị hai phóng viên nhà đài “chiếm” mất, không còn cách nào khác, ông đành chạy bộ nửa vòng hồ, đứng từ xa chụp lại. Nhưng cũng chính vì thế mà ông “chộp” được khoảnh khắc đáng nhớ và đưa vào khuôn hình toàn cảnh cuộc đi thăm bất chợt của Đại tướng. Với bức ảnh ấy, ông cũng là phóng viên duy nhất chụp được khoảnh khắc ấy và cũng chỉ chụp được hai tấm, bởi Đại tướng chỉ dừng chân bên hồ Hữu Tiệp, trước cổng trường Tiểu học Ngọc Hà có vài phút.


Hay bức ảnh ông chụp lần Đại tướng về thăm cây đa Tân Trào năm 1995 cũng vậy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ba lần (chính thức) về Tân Trào: lần thứ nhất năm 1949 khi vận động thành lập các cơ sở cách mạng ở Việt Bắc, lần thứ hai năm 1951, lần thứ ba năm 1995 thăm cây đa Tân Trào, nơi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thái Nguyên.


Trong lần về Tân Trào ấy, dưới gốc đa Tân Trào cổ thụ, xum xuê lá cành (khi ấy cây đa còn sống nguyên vẹn chứ không như bây giờ), đông đảo đồng bào dân tộc huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đứng vòng trong vòng ngoài nghe Đại tướng nói chuyện, ông đã chụp được bức ảnh toàn cảnh đó. Bức ảnh này, 15 năm sau, khi ông tổ chức triển lãm “101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” ở Hà Nội (tháng 12/2010), ngay sáng ngày khai mạc, chủ tịch huyện Sơn Dương đi ô tô về Hà Nội, nhìn thấy bức ảnh đã ôm chầm lấy ông mà cảm ơn tác giả đã chụp được bức ảnh đẹp như thế, với hình ảnh cây đa Tân Trào còn nguyên vẹn.


Những phút giây khó quên về vị Đại tướng bình dị, nhân hậu


Nhưng điều để lại dấu ấn khó quên trong suốt hơn 40 năm cầm máy của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn là chân dung một vị Đại tướng bình dị, nhân hậu, đức độ, gắn bó, gần gũi với nhân dân. Con người bình dị ấy thể hiện trong mọi sinh hoạt hàng ngày và cả trong công việc.


Nhà báo Trần Tuấn còn nhớ, nhận lời mời của Tổng thống Thụy Sĩ, tháng 9/1996, Đại tướng sang thăm Thụy Sĩ. Ở đất nước xinh đẹp, nổi tiếng với các ngành nghề: sản xuất đồng hồ, kẹo sôcôla, ngân hàng và du lịch này có một quy định rất đặc biệt: Tổng thống có quyền dùng ngân sách nhà nước để tiếp đón nguyên thủ quốc gia, nhưng chỉ được tiếp đón một nguyên thủ theo nghi lễ nhà nước trong một năm nhiệm kỳ của mình; nếu tiếp đón nguyên thủ thứ hai sẽ phải tự bỏ tiền túi.


Tháng 4 năm ấy, Tổng thống Thụy Sĩ đã mời Tổng thống Áchentina, vì vậy khi mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi khâm phục vị tướng tài ba, Tổng thống Thụy Sĩ đã phải bỏ tiền riêng ra tiếp đón. Trong chuyến đi thăm đó, Tổng thống Thụy Sĩ sắp xếp một đoàn xe hộ tống Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng Đại tướng nói không cần, Đại tướng muốn đi bằng xe lửa như bao người dân của đất nước xinh đẹp này. Và vị hành khách đặc biệt ấy cũng ngồi chờ tại ga xe lửa, đón chuyến tàu từ Giơnevơ đi Zuric, thủ đô của Thụy Sĩ, ngắm phong cảnh của Thụy Sĩ dọc đường đi qua ô cửa kính. Những khoảnh khắc đẹp đẽ đầy dung dị đó của Đại tướng cũng đã được nhà báo Trần Tuấn ghi lại trong những khuôn hình của mình.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu di tích Địa đạo Củ Chi (TPHCM, 1996), Ảnh: Trần Tuấn


Trong một lần khác, khi về thăm địa đạo Củ Chi, hình ảnh tướng Giáp nằm võng nghỉ trưa dưới rặng tre cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. “Hôm đó, sau khi thăm các gia đình có công với cách mạng, thắp hương tại đền Bến Dược, khoảng 12 giờ trưa, ủy ban huyện báo cáo với Đại tướng khu di tích địa đạo Củ Chi chưa có nhà khách. Nếu mời Đại tướng vào nhà nghỉ thì không tiện, tôi đã đề xuất, tại địa đạo có những rặng tre tỏa bóng râm mát, nhờ các đồng chí ở địa đạo mắc võng ở đó. Tôi nằm thử không dưới mười lần để đảm bảo không có gì sơ xuất, sau đó mời Đại tướng nằm võng nghỉ trưa một lát”, ông kể.


Nhưng trong lúc nghỉ trưa ngắn ngủi đó, Đại tướng không hề chợp mắt, hình như Đại tướng vẫn đang suy nghĩ việc gì lung lắm, khuôn mặt đầy suy tư. Trong khoảnh khắc ấy ông đã chớp lấy hình ảnh đắt giá về Đại tướng. Đây là một trong những bức ảnh mà nhà báo Trần Tuấn rất ưng ý, ông dự định sẽ dùng làm bìa cuốn sách “Thành phố ngầm” (nói về địa đạo Củ Chi) trong thời gian tới.


Cũng theo nhà báo Trần Tuấn, trong suốt thời gian tháp tùng Đại tướng, nhiều câu chuyện cảm động khác ông đã được chứng kiến. Đó là lần Đại tướng về Hà Tuyên (Tuyên Quang bây giờ) năm 1990. Sau khi gặp gỡ với tỉnh ủy, nghe có người nói gần đó có một diễn viên khá nổi tiếng tên Trần Thị Tỉnh, đoàn ca múa nhạc kịch tỉnh Hà Tuyên, vì cuộc sống khó khăn nên ngoài thời gian đi diễn đã mở một quán nước đơn sơ tranh thủ bán ngoài giờ; Đại tướng đã tới thăm.


Trong câu chuyện thân tình, biết hoàn cảnh chị có mẹ già và hai con nhỏ, chồng cũng chỉ làm ruộng, Đại tướng động viên: Cháu cố gắng tăng gia sản xuất, trồng thêm rau xanh, đẩy mạnh chăn nuôi để có thể cải thiện cuộc sống, vượt qua khó khăn này. Chị Tỉnh nghe Đại tướng ân cần thăm hỏi đã nói: Cháu xin hứa với Đại tướng sẽ làm ngay những việc mà Đại tướng dạy bảo.


Từng tháp tùng Đại tướng trong nhiều chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng,… nhưng nhà báo Trần Tuấn vẫn không giấu nổi sự ngạc nhiên trước tấm lòng nhân hậu, sự ân cần của tướng Giáp trong cuộc thăm hỏi bất ngờ với chị Tỉnh năm ấy. Và những khoảnh khắc vô cùng quý giá ấy đã khiến ông với tất cả sự nhạy bén của người làm nghề và lòng kính trọng vô bờ bến Đại tướng đã khiến cho kho ảnh của mình dày thêm theo năm tháng và thể hiện một cách chân thực nhất sự quý giá về nhân cách, con người của Đại tướng.


Cũng theo nhà báo Trần Tuấn, bản thân ông cũng được Đại tướng rất quan tâm. Trong chuyến Đại tướng đi thăm Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà báo Trần Tuấn bị đau ruột thừa, Đại tướng hết sức lo lắng, bảo: hay để tôi điện thoại cho giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đến điều trực thăng đưa anh về mổ; nhưng sau đó do bác sỹ- đại tá Nguyễn Văn Nhựa, bác sĩ riêng của Đại tướng có thể mổ được nên ông được đưa đến BV Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì bệnh tình của ông mà chuyến công tác vào TPHCM của Đại tướng bị chậm một tuần.


Đại tướng là người chu đáo, cẩn thận, trước mỗi chuyến đi, bao giờ cũng hỏi xem nhiệm vụ của mỗi người thế nào. Riêng với ông, Đại tướng nói: “Anh Tuấn thì bao la lắm, rộng rãi lắm, nhưng anh là người thiệt thòi, toàn chụp ảnh cho người khác. Anh nhớ sau mỗi chuyến đi, anh nhắc chụp riêng với tôi nhé”. Vì thế mà đến bây giờ, ông có khoảng một trăm bức ảnh chụp riêng với Đại tướng, tất cả đều chụp sau mỗi chuyến đi kết thúc. Tất nhiên những bức ảnh này đều phải nhờ người khác chụp giúp, khi thì anh cận vệ, lúc thì anh bộ đội đi theo bảo vệ Đại tướng nên không ít ảnh trong số đó bị mờ nhòe do các “tay máy” này chưa khi nào chụp ảnh cả. Có lần Đại tướng hóm hỉnh nhắc người chụp ảnh hộ rằng: “Đừng để cột đèn mọc trên đầu tôi nhé”.


Đại tướng cũng là người rất thích chụp ảnh. Khi cây hoa bạch trà, một loài hoa Đại tướng ưa thích nhất nở, Đại tướng cũng bảo, anh Tuấn chụp cho một kiểu. Trong phòng đọc sách có một góc Đại tướng rất thích, ở đó treo bức tranh khắc gỗ khổ lớn có hình con đại bàng, kế đó là bức chân dung Đại tướng do một họa sĩ vẽ tặng, một cây tùng nhỏ xanh tốt trồng trên một hòn non bộ xinh xắn, Đại tướng cũng bảo: Anh Tuấn chụp cho tôi,… Chính vì thế, ngoài những bức Đại tướng với các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân, các ngành,… kho ảnh của nhà báo Trần Tuấn còn vô số những ảnh về cuộc sống đời thường của Đại tướng. Vì thế, sau cuốn sách ảnh “101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NXB Hà Nội, 2011) và những đợt triển lãm cá nhân, vào dịp 3/2 năm tới, ông sẽ cho ra mắt tiếp cuốn sách ảnh thứ hai, khoảng 160 trang, tạm gọi là “Vĩ nhân với cuộc sống đời thường”, với những bức ảnh lần đầu tiên công bố về tướng Giáp.


Suốt một chặng đường dài làm báo trên 40 năm, trong đó chủ yếu làm phóng viên ảnh, vinh dự đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho đến bây giờ nhà báo Trần Tuấn vẫn phải cảm ơn cơ duyên đã đưa ông vào ngành thông tấn. Ông sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hàng Đào của Hà Nội, giỏi về vật lý, thích kỹ thuật điện, nhưng cuối cùng lại trở thành một phóng viên ảnh, làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam từ khi 16 tuổi (năm 1968). Sự ngẫu nhiên mà cũng là cái duyên ấy đã khiến cuộc đời ông bước sang một ngã rẽ mới, gắn bó cả cuộc đời ở đây.


Và trên hết, ông đã lao động, cống hiến hết mình, bằng sự nhạy cảm của nghề, bằng con mắt nhìn tinh tế và bằng cả niềm đam mê với nghiệp ảnh, mà như ông nói, một phần cũng chính là nhờ tướng Giáp truyền lửa; chính Đại tướng đã nói với ông rằng, phải tâm đắc với nghề, phải say với nghề, làm cái gì thì phải làm say sưa.



Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN