Những chất liệu sống động khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Đồng hành cùng nhân dân cả nước hướng về biển Đông, hướng về Hoàng Sa- Trường Sa thân yêu, tối 8/6, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Cầu truyền hình “Tổ quốc nhìn từ biển” tại 2 điểm cầu: Công viên Biển Đông (Đà Nẵng) và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Đây là một trong những chương trình trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam trong chiến dịch tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và phát lại trên các kênh VTV4, VTV6, VTV Đà Nẵng.           

Quang cảnh Chương trình cầu truyền hình trực tiếp.


Tại hai điểm cầu truyền hình Công viên Biển Đông (Đà Nẵng) và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), khán giả trong cả nước đã được giao lưu trực tiếp với cháu Dương Thị Xuân Trường, con ngư dân Dương Văn Giàu bị tàu Trung Quốc tấn công đập phá các thiết bị, ước mơ em lớn lên được làm người cảnh sát biển để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Những  tâm sự của chị Lê Thị Khánh Vân, vợ kiểm ngư viên Đào Duy Cận đang thực thi chấp pháp tại Hoàng Sa đại tá Nguyễn Khắc Van, Chính ủy Trung đoàn 152 đảo Thổ Chu- Quân khu 9 về những người lính đang ngày đêm bảo vệ tại đảo Thổ Chu cực Tây Nam của Tổ quốc, cũng như những hy sinh âm thầm của người lính nơi biển đảo... đã góp phần khẳng định sâu sắc thông điệp: Mỗi người dân là một "cột mốc" sống khẳng định chủ quyền đất nước thông qua chương trình với những chất liệu đầy sống động và thuyết phục về chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.          

Những câu chuyện, những nhân vật trong chương trình tại đầu cầu Lý Sơn, những hình ảnh tại Nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn... đã khắc họa rõ nét về cuộc sống của người dân đảo tiền tiêu, những người lính hải quân đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc những ngư dân can trường dù khó khăn vẫn không chùn bước, ngày đêm bám biển, bám ngư trường, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...

Chương trình cũng giúp khán giả cả nước hiểu hơn về công việc thầm lặng của những người đã ngày đêm tìm kiếm hài cốt của 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988, thông qua từng câu chuyện cùng kỷ vật quý, nhằm khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.      

Đặc biệt, những hình ảnh của lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển thực thi chấp pháp trên vùng biển Việt Nam đối với hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép của Trung Quốc tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là thông tin nóng nhất trong những ngày qua, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Lý Sơn nói riêng.    

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn bày tỏ mong muốn, thông qua chương trình, người dân cả nước và bạn bè quốc tế sẽ hiểu rõ hơn về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân đảo Lý Sơn, về ý thức trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhất là đối với hàng nghìn ngư dân đang ngày đêm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, có tiếng nói để lên án và phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa Việt Nam…      

Cầu truyền hình “Tổ quốc nhìn từ biển” đã góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí chiến lược và giá trị tiềm năng to lớn của biển đảo Việt Nam cổ vũ lòng tự hào, tình yêu của nhân dân đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đồng thời truyền đi một thông điệp: Những thế hệ đi trước, những thế hệ đi sau, lớp lớp trùng trùng, có những người ngã xuống, nhưng vẫn luôn có những người tiếp bước, gìn giữ, bảo vệ và xây dựng một Việt Nam hùng cường trong tương lai… 


Nguyễn Đăng Lâm
Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình
Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình là xu hướng tất yếu không thể phủ nhận và được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới ủng hộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN