Những bài thơ mặt trận

Nơi chiến trường Điện Biên Phủ, thơ ca đã làm đươc điều kỳ diệu, vừa cổ vũ tinh thần chiến đấu vừa khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên anh dũng vượt qua gian khổ, ác liệt bom đạn, giành chiến thắng vang dội.


Khích lệ tinh thần chiến đấu


Với những chiến sĩ-nghệ sĩ, trong hành trang khi đi chiến dịch, ngoài vật dụng cá nhân thì không thể thiếu một chiếc bút máy. Sáng tác, ghi chép là nhiệm vụ của họ, để có những tác phẩm phục vụ chiến sĩ.


 

Những gian nan vất vả của chiến sĩ Điện Biên đã khơi mạch cảm xúc cho nhiều bài thơ chiến trường. Ảnh: Tư liệu TTXVN

 

Lúc ấy, nơi chiến trường Điện Biên Phủ, tờ báo in thủ công duy nhất là báo Quân Đội nhân dân, báo có hai trang, khổ 27x39cm. Những bài viết nào hay trên báo đều được các đơn vị phổ biến cho chiến sĩ. Có những bài còn được chiến sĩ phụ trách văn hóa văn nghệ kỳ công chép lại rồi về đọc cho anh em nghe. Những bài thơ làm ở mặt trận của các nhà thơ cũng được “lan truyền” bằng hình thức đó.


Có những văn nghệ sĩ, cho đến bây giờ không khỏi tự hào rằng, có những bài thơ họ chép để phục vụ cho bộ đội lúc ấy được viết bằng chiếc bút máy quý giá và thứ mực “paker” màu xanh đen tự chế theo “công thức đặc biệt” của chiến sĩ ta ở Điện Biên Phủ. Trong đó phải nhắc đến bài thơ “Lá thư hậu phương” và “Tiếng cuốc trên chiến trường Điện Biên Phủ” của Hoàng Cầm. Hai bài thơ này được các chiến sĩ yêu thích, viết vào sổ tay, luôn giữ bên mình.


“Em viết thư cho anh/Trong làng còn lửa đỏ… Thư em viết không cạn/Lòng căn giận tràn đầy/Anh xuất trận đêm nay/Bao quân thù gục xuống” (Lá thư hậu phương). Bài thơ mộc mạc, giản dị như lời tâm tình, thủ thỉ, dễ đi vào lòng người của nhà thơ Hoàng Cầm đã thay người ở nhà, nhắn nhủ, ngóng trông, hy vọng, động viên người ở mặt trận quyết tâm chiến đấu, chiến thắng kẻ thù.


Trong lúc quân ta đào cả trăm ki lô mét giao thông hào, nhà thơ Hoàng Cầm viết “Tiếng cuốc trên chiến trường Điện Biên Phủ”, bài thơ cũng ngay lập tức được truyền đi: “Một sớm tôi thức giấc/Hoa mai nở trắng rừng/Lá thư Đại tướng trắng hồng/Trao tay quân đội tấm lòng càng sâu/Mỗi chữ một nhát cuốc/Mỗi dòng một thước hầm sâu/Thư của Người là tiếng cuốc mở đầu”.


Điều kỳ diệu là, càng trong khói lửa bom đạn, những vần thơ lại càng có sức sống mãnh liệt. Được viết ngay tại mặt trận, bài thơ đã mang trong nó sức mạnh của ngòi bút, chứa đầy cảm xúc của người viết theo từng bước tiến của chiến dịch.


Những vần thơ reo vui chiến thắng


Có lẽ trong thời điểm ấy, không tác phẩm nào mô tả đầy đủ và rõ nét về chiến thắng Điện Biên Phủ như bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu. Bài thơ này ông viết ngay sau khi Điện Biên Phủ toàn thắng ngày 7/5/1954, đã khái quát toàn bộ tinh thần, sức mạnh, sự chịu đựng gian khổ, ác liệt, hy sinh cả tính mạng của quân và dân ta. Bài thơ mang âm hưởng hào hùng của bản anh hùng ca chiến thắng.


“Tin về nửa đêm/Hỏa tốc! Hỏa tốc/Đuốc chạy sáng rừng… Làng bản đỏ đèn đỏ lửa”. Đón nhận niềm vui chiến thắng lúc nửa đêm, rừng núi, bản làng không ngủ, đuốc thắp rực sáng. Trong niềm vui như vỡ òa ấy, cảm xúc của nhà thơ cách mạng Tố Hữu trào dâng, tiếng thơ reo vui, những người ngay từ đầu được nhà thơ nhắc tới không ai khác là những chiến sĩ quả cảm, là vị tướng Tổng tư lệnh tài ba Võ Nguyên Giáp, là Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên! Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp… Vinh quang Hồ Chí Minh/Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi!”. Chín năm làm một Điện Biên được Tố Hữu nhấn mạnh: “Kháng chiến ba ngàn ngày/Không đêm nào vui bằng đêm nay”.


Lời ca reo vui ấy lặp lại trong một tiết tấu nhanh hơn, hào hùng hơn. Đoạn thơ tiếp theo mang sức nặng nhất của cả bài thơ. Hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên được phác họa chân thực hơn bao giờ hết: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm/Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Gan không núng/Chí không mòn”.


Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân. Tất cả sức người sức của được huy động cho chiến trường. Dân công, công binh, văn công, cùng với bộ đội, tất cả sẵn sàng chiến đấu. Cả một dân tộc ra trận. Những Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện và biết bao chiến sĩ đã góp phần làm nên lịch sử: “Những đồng chí thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm”…“Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/Dù bom đạn, xương tan thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Niềm tự hào ấy Tố Hữu đã nói thay cho tất cả những người dân đất Việt trong thời khắc lịch sử đó và cả những năm tháng về sau.


Sự hy sinh xương máu của bao chiến sĩ, đồng bào cho Điện Biên đã được đáp trả bằng chiến công lẫy lừng, khiến quân giặc khiếp sợ. Lời thơ đanh thép, quyết liệt, không nhân nhượng: “Quân giặc điên/Chúng bay chui xuống đất/Chúng bay chạy đằng trời… Chúng bay chỉ một đường ra/Một là tử địa hai là tù binh… /Trông: bốn mặt, lũy hầm sập đổ/Tướng quân bay lố nhố cờ hàng/Trông: chúng ta cờ đỏ sao vàng/Rực trời đất Điện Biên toàn thắng”.


Tin vui chiến thắng ấy là món quà toàn dân gửi về mừng thọ Bác. Thắng lợi trên chiến trường sẽ mang lại cho ta một tư thế mới trên bàn đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ. Quan trọng hơn, Tố Hữu muốn tuyên bố với cả thế giới rằng, Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc; rằng thực dân, phát xít: “Đã tàn rồi”. Dân tộc Việt Nam luôn ưa chuộng hòa bình, muốn được sống trong hòa bình. Có một điều nhắc nhớ rằng: đất nước Việt Nam là đất nước anh dũng, kiên cường, một đất nước “Tre đã thành chông, sông là sông lửa/ Và trận thắng Điện Biên/Cũng mới là bài học đầu tiên!”.


Xuân Phong

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN