Nhìn lại âm nhạc Việt Nam 2010

Năm 2010 là năm có không ít sự kiện âm nhạc diễn ra. TTCT xin được điểm qua các sự kiện âm nhạc và vài nét về tình hình sáng tác và tác phẩm âm nhạc của năm 2010.

Dòng âm nhạc đại chúng với 2 cuộc thi lớn nhất

Sao Mai Điểm hẹn (SMĐH): 2010 được coi là năm đột phá của SMĐH khi có vô số những thay đổi về format chương trình (CT). Sự xuất hiện của nữ ca sĩ “họa mi tóc nâu” Mỹ Tâm trong danh sách BGK cùng các nhạc sĩ Tuấn Khanh và Hồ Hoài Anh khiến người ta chờ đợi nhiều hơn. Có tới 700 hồ sơ đăng ký, và sau vòng loại đã chọn được 40 thí sinh phía Bắc, 30 thí sinh phía Nam và vòng chung kết có 16 thí sinh- nhiều hơn 4 người so với các kỳ SMĐH trước đây.

Trần Nguyễn Uyên Linh đã trở thành thần tượng âm nhạc năm 2010.

Điều đáng nói, năm nay hàng loạt các “ sao” đã ít nhiều tạo được thành công trên các sân khấu ca nhạc, cùng nhau cạnh tranh trong 10 đêm biểu diễn sôi động. Cũng như mọi năm, các thí sinh trải qua 9 đêm thi để thể hiện thế mạnh bản thân trong lĩnh vực âm nhạc cũng như nghệ thuật biểu diễn. Đây không chỉ là cơ hội để mỗi thí sinh có cơ hội cọ xát với các đối thủ mà còn là dịp để khẳng định bản lĩnh trên sân khấu và là bước đệm để trở thành ngôi sao.

Vietnam Idol: Trải qua hàng tháng trời dành cho cuộc sàng lọc quy mô trên toàn quốc với hơn 25.000 người tham dự, cuối cùng Vietnam Idol đã tìm ra được hai cái tên sáng giá nhất cho sân chơi này: Văn Mai Hương - Trần Nguyễn Uyên Linh.


Hai cô gái còn rất trẻ, trong đó Mai Hương mới chưa đầy 17 tuổi. Mai Hương được đánh giá là: “Thí sinh nhỏ tuổi nhất nhưng có bản lĩnh trên sân khấu. Giọng hát trong và cao cùng khả năng trình diễn gây được ấn tượng, là điều kiện giúp Mai Hương đi tiếp trên con đường âm nhạc chuyên nghiệp”. Uyên Linh với chất giọng khỏe, gương mặt xinh xắn; khả năng ứng xử có văn hóa đã trở thành thần tượng âm nhạc năm 2010, chinh phục hoàn toàn khán giả. Và chắc chắn cô còn đi xa hơn nữa sau cuộc thi Vietnam Idol.

Dòng âm nhạc dân gian

Nếu có ít nhất hai cuộc thi hoành tráng dành cho âm nhạc đại chúng thì ở dòng âm nhạc dân gian hầu như không có, hoặc có thì ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Song âm nhạc dân gian lại “phủ sóng” toàn bộ đời sống người dân ở trên khắp vùng miền.


Không thể kể hết những loại hình sân khấu và số lượng người hát và nghe hát dành cho loại hình âm nhạc này: Từ Hội Lim, tháng Giêng ở Bắc Ninh với quan họ, chèo… đến các lễ hội phía Bắc dành cho hát then, hát ru, hát chầu văn và miền Trung với hát ca trù, hát bài chòi, hát cung đình, miền Nam với hát cải lương, hát tuồng cổ…


Âm nhạc dân gian đang được chú trọng trở lại. Nhiều tờ báo đã dành lượng bài sâu, kỹ cho thể loại âm nhạc này và nhiều website về nhạc dân gian được mở ra để giới thiệu với khán giả trong và ngoài nước, cũng như nhận các hợp đồng biểu diễn phù hợp với nhu cầu của nhiều loại đối tượng khác nhau.

Dòng âm nhạc cổ điển bác học

Hàng năm người Việt Nam ít nhất được thưởng thức những tác phẩm âm nhạc kinh điển với những dàn nhạc và nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế từ các chương trình của Toyota và Hennessy (mỗi đơn vị cung cấp cho khán giả một chương trình nhạc trẻ và một chương trình nhạc cổ điển có quy mô hoành tráng). Ngoài ra còn những chương trình khác của các trung tâm văn hóa của các Đại sứ quán, đến VN biểu diễn như Dàn nhạc Tokyo Metropolitan... Đặc biệt là các chương trình hòa nhạc đặt vé trước của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, trong đó nổi bật là đêm trình diễn bản GH số 8 của nhạc sĩ vĩ đại Mahler.


Đây là chương trình âm nhạc lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam cả về quy mô tổ chức và số lượng nghệ sĩ, gồm hai dàn hợp xướng hỗn hợp và một dàn hợp xướng trẻ em, ước tính khoảng hơn 800 nghệ sĩ. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng danh tiếng người Nhật Bản Honna Tetsuji, phần dàn dựng và luyện tập cho hợp xướng do nhạc trưởng người Anh Graham Sutcliffe và Chỉ huy Hợp xướng Hà Mạnh Chung, Đặng Châu Anh, Trần Nhật Minh, Lý Giai Hoa, Lê Vinh Hưng, Nguyễn Kiều Lan, Nguyễn Ngọc Tùng đảm nhiệm.

Có thể kể thêm Cuộc thi Piano quốc tế dành cho lứa tuổi thiếu niên do Học viện Âm nhạc Quốc gia tổ chức hồi tháng 10. Và CT giao hưởng của VienamNet “Hòa giải & Yêu thương” .

Ngày âm nhạc Việt Nam

Lần đầu tiên chúng ta có Ngày Âm nhạc Việt Nam (Ngày ÂNVN), tức là ngày 3/9 hàng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp "Bài ca kết đoàn" tại Công viên Bách thảo năm 1960. Trong ngày ÂNVN tại Cung Hữu nghị Hà Nội đã có một chương trình âm nhạc lớn với sự tham dự của đông đảo các nhạc sĩ, ca sĩ cùng công chúng yêu nhạc. Ngày ÂNVN nhằm đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu nay của các thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ và công chúng yêu âm nhạc cả nước.


Đây cũng là dịp để ngợi ca các thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ với các sáng tác có giá trị, đồng thời, định hướng thưởng thức nền âm nhạc lành mạnh, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Ngày ÂNVN được bắt đầu từ 2 - 5/9/2010 tại 15 tỉnh, thành phố như: Yên Bái, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Nội, Lâm Đồng và TP.HCM… Hội Nhạc sĩ VN đã bắt đầu mở website âm nhạc từ tháng 10, nhằm cung cấp thông tin toàn diện đa chiều và khoa học với tốc độ cung cấp nhanh hơn tạp chí Âm nhạc cũng của Hội cho người yêu nhạc. Đặc biệt, chương trình âm nhạc vì đồng bào miền Trung đã quyên góp được 1,2 tỷ đồng, nhóm sáng lập chương trình và Hội Nhạc sĩ đã vào tận vùng lũ, trao tận tay những người cần giúp đỡ.

Sáng tác và tác phẩm

Hiện nay đã có một lực lượng nhạc sĩ trẻ xuất hiện và kế thừa những thế hệ đàn anh đi trước. Lớp nhạc sĩ thời kỳ chống Mỹ nổi tiếng với nhiều tác phẩm còn mãi với thời gian như Hồ Bắc, Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Huy Du, Đồng Đăng… tuy vẫn còn sáng tác nhưng cũng đã thuộc lớp người... về già.


Một thế hệ tiếp nối như Nguyễn Cường, Trần Tiến, An Thuyên... cũng một thời lẫy lừng với ca khúc dành cho công chúng tuy đang ở tuổi xế chiều nhưng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cách biểu hiện mới, đó là viết hợp xướng, giao hưởng, những thể loại dành cho khí nhạc.

Còn lớp nhạc sĩ trẻ, có những tác phẩm mang lại hiệu ứng cao, được giới trẻ đón nhận như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Hoài Sa, Nguyễn Thiện Thanh, Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Sa Huỳnh, Nguyễn Minh Hiền... đã và đang chiếm lĩnh… “thị phần âm nhạc” trong nước.


Nhiều tác phẩm của họ đã xuất hiện trong chương trình Bài hát Việt của VTV. Tuy nhiên, những gương mặt tiêu biểu làm rung động người hâm mộ lẫn giới chuyên môn và các nhà nghiên cứu âm nhạc khiến họ phải phục nể thì… e rằng còn ít ỏi.

Người ta nói rằng, có hai kiểu người làm nhạc: Một là những người hành nghề, coi sáng tác nhạc như một nghề kiếm sống, họ chiếm dụng vốn, đôi khi gian lận (đạo nhạc của nhau, của bên ngoài)... Loại thứ hai, sáng tạo, khám phá đích thực. Đặc biệt là những nhạc sĩ viết khí nhạc, những nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc thính phòng (thể loại âm nhạc có ngôn ngữ quốc tế) lại khó được đông đảo công chúng “nhớ mặt nhớ tên”.

Tuy nhiên có một thực tế và cũng là mặt sau của thị trường âm nhạc hiện nay, đó là “quy trình để trở thành một nhạc sĩ ở Việt Nam” hiện nay đơn giản đến mức, dù không biết nhạc, chỉ cần hát vào một phương tiện ghi âm, sau đó copy lại và đưa dịch vụ (khoảng từ 2 triệu trở lên/bài), dịch vụ sẽ ghi âm, chỉnh sửa thành bản nhạc, sau đó phối âm hòa khí (sự phối này chủ yếu làm bằng điện tử và theo những tiết tấu có sẵn, sản xuất sẵn).


Tiếp sau là thuê ca sĩ (giá cả tùy theo độ nổi của ca sĩ, nếu là “sao” thì có thể rất đắt) và ghi âm thành CD hoàn chỉnh, và nếu có khoảng 8 - 10 bài, người ta có thể làm thành CD rồi phát hành, cộng với khả năng tài chính, hoặc quan hệ tốt, được báo chí lăng xê… Nhưng những tác phẩm này sau đó được tung ra thị trường thì thật khó có thể lường hết được hệ quả của nó.

Trần Thị Trường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN