Nhiều di tích ở Vĩnh Phúc "nằm" chờ bảo tồn

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 1.300 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 455 di tích được xếp hạng, có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Do nhiều nguyên nhân, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã và đang xuống cấp.

Nhiều di tích xuống cấp trầm trọng 

Nằm ở vị trí trung tâm xã, đình làng Đình Chu, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc được đánh giá là một công trình kiến trúc nghệ thuật đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật kiến trúc đình làng đầu thế kỷ XIX. Đình đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996. 

Tuy nhiên, hiện nay di tích này xuống cấp trầm trọng, nhiều bức tường nứt toác từ chân lên tới ngói, vôi vữa bong tróc loang lổ, để lộ cả gạch đỏ bên trong. Mái ngói nhiều nơi vỡ vụn, xếp chồng lên nhau, một vài chỗ ngói vỡ thấy được cả bầu trời, cột chống đỡ mái đang bị mục rỗng. Nhiều vì, kèo bị gãy mộng, người dân phải dùng các miễng gỗ hay dây thép buộc để giữ tạm. Thậm chí vào những ngày mưa bão, chính quyền xã phải khuyến cáo người dân hạn chế vào thắp hương, tham quan vì lo mái đình có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. 

Đình làng Đình Chu, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc đang xuống cấp trầm trọng.

Ông Hoàng Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã Đình Chu cho biết: “Đình làng xuống cấp đến 90% , cần được chống xuống cấp khẩn cấp. Nhiều năm nay, dân làng kêu cứu, làm đơn kiến nghị, đề xuất nhưng vẫn chưa được trùng tu”. 

Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng trên, năm 2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 476 ngày 18/02/2013 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích đình Đình Chu với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng. Tuy nhiên cho đến nay, dự án vẫn chưa được thực hiện trong khi các hạng mục ở đình tiếp tục bị hư hỏng nhiều hơn. 

Cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Đình Chu đã và đang vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn lực, công sức để trùng tu, tôn tạo đình làng Đình Chu. Tuy nhiên, do mức kinh phí quá lớn nên việc trùng tu đình vẫn bị trì hoãn. 

Tương tự như đình làng Đình Chu, đình Đông Đạo (phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) được xây dựng năm 1572, đời vua Lê Anh Tông và được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1994. Hiện nay, đình còn lưu giữ nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ tinh xảo trên nền gỗ, tuy nhiên, nhiều hạng mục công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Theo cụ Nguyễn Văn Đầm, Trưởng Ban Quản lý di tích đình Đông Đạo: Năm 1947, nhân dân địa phương đã tháo dỡ toàn bộ phần mái ngói của đình để thực hiện chính sách “Tiêu thổ kháng chiến”. Năm 1954, nhân dân lợp lại mái đình bằng rơm, rạ để làm nhà hợp tác, trường học, chỗ chứa nông sản. Năm 1994, đình Đông Đạo được tôn tạo lại theo đúng nguyên bản và được công nhận di tích cấp quốc gia. Hiện nay, nhiều hạng mục của đình Đông Đạo đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều cột đình đã bị mối mọt, xuống cấp nặng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, 2 bộ vì gian giữa đang bị nghiêng về phía trước, xô lệch ngói, hiện nay địa phương đã chống tạm thời bằng cây sắt. Mỗi khi trời mưa, nước xối xả chảy theo những khe nứt, mái hở khiến các cấu kiện kiến trúc gỗ bên trong bị hư hại nghiêm trọng.

Trùng tu tập trung, không dàn trải 

Trao đổi về thực trạng di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, ông Dương Văn Minh, Phó Ban quản lý di tích tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện nay, Vĩnh Phúc có 34 di tích quốc gia xuống cấp, trong đó có 17 di tích xuống cấp nặng, 96 di tích cấp tỉnh bị xuống cấp. Hầu hết các nguồn thu từ di tích đều do tiểu ban quản lý di tích và chính quyền thôn nơi có di tích quản lý, sử dụng vào việc tu sửa di tích, xây dựng các công trình phụ trợ và mua sắm thêm đồ thờ phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân”. 

Ông Dương Văn Minh cho biết thêm: Kinh phí để tu bổ, sửa chữa các di tích là quá lớn trong khi Vĩnh Phúc vẫn phụ thuộc chính vào nguồn ngân sách từ Bộ VH,TT&DL nên gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi năm, Vĩnh Phúc nhận được từ 200 - 500 triệu đồng từ nguồn vốn trùng tu, sửa chữa các di tích của Bộ VH,TT&DL nhưng nguồn vốn này còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc là đầu tư tập trung đối với các di tích có ý nghĩa, giá trị tiêu biểu, có sự ảnh hưởng, thúc đẩy đến sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, không đầu tư dàn trải cho tất cả các di tích được xếp hạng. 

Trước mắt, Vĩnh Phúc chưa có giải pháp nào ngoài trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ Bộ VH,TT&DL. Còn về lâu dài, theo Phó BQL di tích tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đơn vị đang có ý tưởng xây dựng phương án, kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích dài hơi trình UBND tỉnh Vĩnh Phúc có chính sách hỗ trợ việc tu bổ, tôn tạo di tích để đơn vị có sự chủ động trong việc tu bổ các di tích, không bị phụ thuộc vào nguồn ngân sách cấp trên. Cùng với đó, Vĩnh Phúc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân để nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ di tích; tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng trong bảo vệ di tích; huy động nguồn xã hội hóa chung tay bảo vệ các giá trị văn hóa của lịch sử. 
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thảo
Mả Bụt, di tích Quốc gia cần được bảo tồn
Mả Bụt, di tích Quốc gia cần được bảo tồn

Di tích Mả Bụt ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là nơi từng diễn ra cuộc mít tinh phản đối chính sách của thực dân Pháp năm 1940, để lại tiếng vang mạnh mẽ trong cao trào cách mạng thời kỳ đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN