Nhiều bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh 'kêu cứu'

Cơ sở vật chất xuống cấp, cũ kỹ, thiếu trang thiết bị chuyên dụng, thiếu sự quan tâm phát triển nguồn nhân lực; các dự án đầu tư cải tạo, tu bổ hay mở rộng vẫn còn nằm trên giấy... là thực trạng mà các bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh đang “gánh".

Rủ nhau... xuống cấp


TP Hồ Chí Minh hiện nay có 13 bảo tàng, trong đó có 7 bảo tàng do Sở Văn hóa, Thể thao quản lý, như: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Lịch sử thành phố… Từ nhiều năm qua, các bảo tàng này được xem là những địa điểm “hot” để các công ty lữ hành giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước lựa chọn tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do những bảo tàng này đều được xây dựng từ trước giải phóng, lại chưa được trùng tu sửa chữa lần nào nên đa phần cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng.


Ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết 3 tòa nhà hiện tại mà bảo tàng đang sử dụng cho trưng bày có tuổi thọ gần 100 năm, kết hợp với dư chấn do các công trình phụ cận đang xây dựng đã ảnh hưởng tới chất lượng, kết cấu, tuổi thọ công trình. Theo ông Yên, từ ngày xây dựng tới nay, công trình chưa được tu bổ toàn diện lần nào nên xuống cấp trầm trọng. Hiện nay, cả 3 tòa nhà đã được Thành phố công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật” nên rất cần tu bổ, trung tu ngay để bảo đảm độ bền vững công trình cũng như bảo vệ các tài sản tinh thần của bảo tàng.

Các bảo tàng là địa điểm thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài và trong nước khi đến TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, theo bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, bảo tàng đang sử dụng nguyên là dinh thự của thủ tướng chế độ cũ cải tạo lại. Toà nhà được xây dựng trước năm 1975, phòng ốc nhỏ hẹp, không liên hoàn nhau, hành lang và lối đi quanh co và bị sụt lún nghiêm trọng. Năm 2010, Thành phố đã lên kế hoạch sửa chữa mở rộng bảo tàng khoảng 80 tỷ đồng nhưng theo quy hoạch mở rộng đường Thái Văn Lung ra Tôn Đức Thắng bị mất tới 2.000m². Theo đơn vị tư vấn, việc mở đường sát với tượng Bác Tôn ảnh hưởng đến không gian chung, ngôi nhà cũ bị xéo rất khó cải tạo, phải chờ đợi điều chỉnh hoặc cho xây mới với trên 200 tỷ đồng nên cứ "lình xình" cho tới tận giờ vẫn chưa được giải quyết.


“Cơ sở vật chất của bảo tàng hiện nay đã quá cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển theo hướng hiện đại hóa bảo tàng của Thành phố đề ra cho nên chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ, can thiệp giải quyết từ các đơn vị quản lý”, bà Thảo cho biết thêm.


Không chỉ có khó khăn về cơ sở vật chất, việc đầu tư phát triển nhân lực cho bảo tàng cũng không được quan tâm. Được xem là một nơi hàng năm đón hàng trăm du khách đến tham quan nhưng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3) đang gặp khó khăn về việc bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực. 


Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chia sẻ, mặc dù có tổng lượng khách đến tham quan luôn dẫn đầu cả nước, song vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lĩnh vực bảo tàng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, bà Vân mong muốn, Thành phố tạo điều kiện hơn nữa cho việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho nhân viên, chuyên viên bảo tàng… để bảo tàng thành phố phát triển sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới.


Chú trọng đầu tư cho văn hóa


Theo bà Xuân Thảo, muốn giải quyết khó khăn cho các bảo tàng, Thành phố cần có những cuộc khảo sát các nhu cầu bức thiết của từng bảo tàng hiện nay để có những đầu tư đúng mức. Trước hết, những bảo tàng nào có dự án đầu tư cải tạo thì cần đẩy nhanh tiến độ, tránh để tình trạng như những năm qua như đã có dự án cải tạo xong cứ phải nằm chờ hàng chục năm.


Mới đây, khi chứng kiến không gian chật hẹp của Triển lãm những trang phục trong cung đình triều Nguyễn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cũng không khỏi xót xa. Ông Vũ chia sẻ: Bảo tàng là nơi thu hút công chúng, du khách bằng những câu chuyện và nghệ thuật dẫn dắt công chúng đến với hiện vật. Bảo tàng là tài nguyên di tích lịch sử sẵn có để phát triển điểm đến cho du khách khi tới thành phố. Tuy nhiên, khi tham quan bảo tàng, tham quan các buổi trưng bày các hiện vật quý với mật độ quá dày đặc, không có không gian để dẫn dắt các câu chuyện sẽ không thể nào níu chân được du khách. Vì vậy, các đơn vị quản lý ngành văn hóa nên có những đầu tư nhiều hơn cho các bảo tàng, bởi việc đầu tư phát triển các bảo tàng cũng chính là đầu tư, phát triển xây dựng hình ảnh điểm đến của ngành du lịch thành phố.

Bảo tàng cần có không gian rộng rãi để trưng bày những hiện vật quý. Ảnh chụp tại Bảo tàng áo dài Thành phố

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố rất chú trọng, quan tâm đầu tư cho ngành văn hóa phát triển toàn diện, tương xứng với sự phát triển kinh tế của thành phố. Theo đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, phòng trưng bày, bảo tồn hiện vật, đội ngũ nhân lực của hệ thống các bảo tàng thành phố cũng sẽ được quan tâm đúng mức.


“Trước mắt, các đơn vị cần khắc phục ngay tình trạng các bảo tàng xuống cấp bằng việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trùng tu, sửa chữa, nâng cấp các bảo tàng như: Kho bảo quản hiện vật đúng chuẩn và đầu tư xây dựng, sửa chữa mở rộng (Bảo tàng Tôn Đức Thắng); xây dựng khu trưng bày chuyên đề đa năng và phòng trải nghiệm, hiện đại hóa trưng bày, kho bảo quản hiện vật, xưởng phục chế (Bảo tàng Mỹ thuật thành phố)… Ngoài ra, trong thời gian sớm nhất lãnh đạo thành phố sẽ làm việc với sở, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn của các bảo tàng hiện nay”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết.


Ngoài ra, ông Phong cũng cho rằng, để thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước đến với bảo tàng nói riêng và thành phố nói chung, các bảo tàng cần quan tâm hơn nữa đến việc trình chiếu phim tư liệu, hình ảnh hiện vật trong từng không gian trưng bày để hấp dẫn du khách. Tăng cường liên kết với trường học phổ thông, cao đẳng, đại học, để học sinh, sinh viên có thêm cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu với những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc thông qua hiện vật, tư liệu trưng bày tại bảo tàng.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tham quan Bảo tàng Sinh học
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tham quan Bảo tàng Sinh học

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 28/2 - 5/3, chiều 2/3, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã tới tham quan Bảo tàng Sinh học thuộc Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - nơi lưu giữ hai hiện vật là cá bống trắng và gà Onagadori do Hoàng gia Nhật Bản tặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN