Nhạc sĩ Hoàng Vân trọn đời trả nghĩa Điện Biên

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi…” - 60 năm đã qua nhưng âm hưởng của “Hò kéo pháo” vẫn vang vọng mãi cùng thời gian, cùng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trên căn gác nhỏ số 14 Hàng Thùng, Hà Nội, bên ấm trà ngan ngát, nhạc sĩ Hoàng Vân, người sáng tác ca khúc nổi tiếng "Hò kéo pháo" như đang sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc với bao hoài niệm. Trong tâm trí ông, chiến dịch Điện Biên Phủ như mới diễn ra ngày hôm qua. Ông có thể kể rất rành rẽ về ngày mở màn chiến dịch, về những ngày đêm ”khoét núi mở đường, mưa dầm cơm vắt” và cả những kỷ niệm với Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, vị tổng chỉ huy vĩ đại làm nên một chiến thắng huyền thoại, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu…

Các đồng chí cán bộ Đảng thăm hỏi nhạc sỹ Hoàng Vân (thứ hai từ phải sang) nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN


Chiến dịch Trần Đình, mật danh thời bấy giờ của chiến dịch Điện Biên Phủ, mở màn với trận đánh vào cứ điểm Him Lam ở phía Đông Bắc của lòng chảo Mường Thanh. Hoàng Vân, chàng trai gốc Hà Nội, tuổi vừa đôi mươi đã có mặt trong suốt chiến dịch này. Được “biên chế” ở Sư đoàn 312, Hoàng Vân nhận nhiệm vụ đến mặt trận quan sát để dẫn các tốp văn nghệ xung kích tới từng chiến hào phục vụ bộ đội.

Sinh năm 1930, tên khai sinh là Lê Văn Ngọ, bút danh Y Na, nhạc sĩ Hoàng Vân từng theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng khi tham gia cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, thay vì hội họa, năng khiếu âm nhạc của ông được phát lộ. Dạo đó, khi đại quân ta bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ oanh liệt, bên cạnh các tác phẩm của Đỗ Nhuận như “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, những người lính đã tiếp nhận thêm điệu hò đặc biệt, đó là “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân.

“Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi…” - điệu hò đặc biệt đó chỉ có thể xuất hiện trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh của dân tộc, đã được hai ca sĩ của Sư đoàn là Kim Ngọc và Thanh Phúc thể hiện tại Sở Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ngân lên khắp chiến trường Điện Biên Phủ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bài hát được trao giải Nhất tại Đại hội Liên hoan toàn quân. Hoàng Vân cũng được thưởng Huân chương chiến công hạng 3 và Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Tiếp đó, ông được Tổng cục Chính trị cử đi học Đại học âm nhạc 5 năm tại Trung Quốc, rồi trở thành nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam , là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban sáng tác thanh nhạc... Nụ cười luôn thường trực trên môi, nhạc sĩ tâm sự “Điện Biên đã gợi cho tôi nhiều cảm hứng sáng tác. Có nhiều dịp trở lại chiến trường xưa, chính giai điệu của điệu "Hò kéo pháo" đã giúp tôi sống lại tháng ngày tươi đẹp, tiếp tục có những sáng tác hay về Điện Biên”.

Có thể nói “Hò kéo pháo” chính là bước khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Vân. Nhưng có lẽ với ông, sâu đậm nhất vẫn là hồi ức về những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Để trả nghĩa cho mảnh đất oai hùng ấy, Đại hợp xướng “Bài ca Điện Biên Phủ” gồm 4 phần: Trên chiến trường không bao giờ quên, Đọc thư hậu phương, Lá cờ của Bác và Bài hát của các chiến sĩ trẻ, ra đời sau gần 15 năm Hoàng Vân “quên ăn, quên ngủ”. Để rồi con trai ông, nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng dàn nhạc giao hưởng thể hiện hợp xướng này tại Nhà hát Lớn Hà Nội kể dùm ông hồi ức đẹp đẽ ấy bằng âm thanh khi chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa qua nửa thế kỷ.

Là một trong những học trò của nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ An Thuyên tự hào khi nói về người thầy yêu quý của mình: Thầy Hoàng Vân là một trong số các nhạc sĩ hiếm hoi thành công trên nhiều phương diện sáng tác, từ khí nhạc đến ca khúc cho người lớn, ca khúc thiếu nhi, ca khúc cho các ngành, ca khúc cho phim… Từ những sáng tác của thầy, công chúng nhận thấy một cách nhìn, một phát hiện độc đáo, một ngôn ngữ âm nhạc bình dị nhưng vẫn ẩn chứa trong đó nét tươi mới, đáng yêu, gần gũi. Có thể nói, giai điệu trong các ca khúc của thầy Hoàng Vân bắt nguồn từ những làn điệu dân ca khác nhau, tạo cho người nghe những âm hưởng nồng ấm, quen thuộc nhưng vẫn tạo được sự lôi cuốn, thu hút và thú vị rất riêng.

Lao động không biết mệt mỏi, Hoàng Vân được bạn bè ví như một “chiến mã lực lưỡng” trong nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Trần Tất Toại, tác giả "Buổi sáng trên đồng nội" nổi tiếng, đã từng trầm trồ về năng lực làm việc của Hoàng Vân rằng, cuốn sổ tay của nhạc sĩ lúc nào cũng có những nét nhạc chủ đề cho một ca khúc, những nét nhạc dành cho những bản phối khí các tác phẩm của những nhạc sĩ khác và những nét nhạc chủ đề dành cho những tác phẩm nhạc không lời.


Bất kể những năm tháng rực lửa chiến tranh hay thời điểm đất nước thanh bình, Hoàng Vân đều có những ca khúc đi vào lòng người, như “Quảng Bình quê ta ơi”, “Nổi trống lên rừng núi ơi”, “Trên đường tiếp vận”, “Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng”, “Chào mùa xuân đại thắng – chào anh giải phóng quân”…Đến những ca khúc thiếu nhi thật trong trẻo, như “Mùa hoa phượng đỏ”, “Con chim vành khuyên”… Ngay trong ngày đạn bom ác liệt, âm nhạc Hoàng Vân vẫn vượt lên hòa nhập thế giới bằng những tư duy rất “rock” trong “Bài ca trên đường xa” hay rất hùng tráng trong “Người chiến sĩ ấy”. Rồi một Hoàng Vân hành trình không nghỉ qua những sáng tạo trong thanh bình như “Bài ca xây dựng”, “Tình ca Tây Nguyên”…, tràn đầy hơi thở nhạc nhẹ như “Tuổi trẻ đi xa".

Năm nay 86 tuổi, tuy bị căn bệnh tim quái ác nhưng nhạc sỹ Hoàng Vân vẫn duy trì khả năng làm việc nhờ những môn thể thao nhẹ nhàng hơn quần vợt - môn thể thao theo ông suốt mấy chục năm qua, là đi bộ và bơi. Và nâng cánh cho những sáng tác của ông, đó chính một gia đình thành đạt với người vợ thảo hiền, tiến sĩ y khoa 80 tuổi nhưng vẫn hăng hái làm việc thiện; 2 người con đều là những người thành đạt trong lĩnh vực âm nhạc trong, ngoài nước; các cháu nội, ngoại rất có ý thức học hành, trong đó cháu ngoại đã viết được 3 cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp và hiện giảng dạy văn học Pháp tại thủ đô Paris. Ông vừa hoàn thành Tổ hợp giao hưởng về thần thái và tâm linh trong đó có bản giao hưởng 7 chương ghi lại những xúc cảm mà con người trải qua trong cuộc đời; chuẩn bị sáng tác một hợp xướng khác về nguồn gốc loài người gồm 5 chương. Thời gian này ông vẫn viết thư pháp và dịch các bản sách của Shakespeare sang tiếng Pháp mà theo ông để “cho trẻ em học được dễ dàng hơn”.

Từ nơi khởi nguồn sự nghiệp âm nhạc - Điện Biên Phủ, nhạc sỹ Hoàng Vân đã nhiều đóng góp quý báu cho nền nghệ thuật âm nhạc nước nhà với tấm lòng, tâm huyết và tài năng của một nhạc sĩ cách mạng. Ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000 cùng nhiều giải thưởng âm nhạc cao quý khác.


Mỹ Bình
Nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều 10/4/2014, tại Hà Nội, Ban tổ chức cấp quốc gia kỷ niệm 60 chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014) đã tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động chính trong chương trình kỷ niệm lần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN