Nhà văn Quỳnh Lê: “Nếu không viết, sẽ thật có lỗi”

Tiểu thuyết “Kinshasa - không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ” của tác giả Quỳnh Lê là bức tranh sống động về thành phố Kinshasa với những nỗi buồn của chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật lan truyền, nhưng lại cuốn hút con người bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên hoang dại, bởi sức mạnh của âm nhạc, vẻ đẹp của hội hoạ… Một thành phố có tất cả, nhưng lại có rất ít niềm vui và hy vọng. Một nơi luôn rực rỡ ánh mặt trời, nhưng lại được mệnh danh là “Trái tim bóng tối”...

Kinshasa - trái tim bóng tối

“Không gian ngoài khơi bị ngăn trở bởi một rặng mây đen và con nước lặng lẽ dẫn tới điểm tận cùng của trái đất ẩn nhẫn trôi dưới bầu trời u ám, như dẫn đến trái tim của bóng tối bao la. Một dòng nước trống trải, một sự im lặng tuyệt đối và một rừng cây không thể xâm phạm. Không khí hầm hập, nặng trĩu, ngột ngạt và uể oải. Không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ”.

Nhà văn Quỳnh Lê.

Tiểu thuyết “Kinshasa - không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ” của tác giả Quỳnh Lê đã được mở đầu bằng những đoạn trích dẫn từ tiểu thuyết “Trái tim bóng tối” của Joseph Conrad vừa là dẫn dắt, vừa như mời gọi người đọc tò mò bước vào câu chuyện để tìm hiểu về thành phố được mệnh danh là “trái tim bóng tối” này.

Câu chuyện trong “Kinshasa - không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ” kể về hành trình của một cô gái Việt Nam đến Congo để tìm hiểu về quá khứ bí ẩn của cha mình, một giáo sư đại học từng sinh sống bất hợp pháp nhiều năm ở Kinshasa. Để có thể đến được Cộng hòa dân chủ Congo, một đất nước vốn chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Pha Lê (tên nữ nhân vật chính) đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của Phan, chàng kiến trúc sư người Pháp gốc Việt, đang phụ trách một dự án xây dựng bệnh viện đa khoa ở Kinshasa. Pha Lê sẽ bắt đầu cuộc sống mới ở Kinshasa như thế nào, sẽ phát hiện ra những bí mật khủng khiếp gì về cha mình, mối quan hệ không rõ ràng của cô với Phan sẽ đi tới đâu… dần được giải đáp trong tác phẩm.

Với bút danh Quỳnh Lê, tới nay tác giả Vũ Lê Thúy Quỳnh đã cộng tác với Nhà xuất bản Nhã Nam chuyển ngữ năm cuốn sách bao gồm: “Ác quỷ Nam Kinh” của Mo Hayder, “Đảo kinh hoàng và Dòng sông kỳ bí” của Dennis Lehane, “Xấu” của Natsuo Kirino và mới đây nhất là “Công chúa băng” của Camilla Lackberg.

Năm 2015 Quỳnh Lê ra mắt cuốn sách dành cho thiếu nhi “San San chân to đi Xốp” do NXB Trẻ ấn hành. Cuốn sách là những câu chuyện ngộ nghĩnh về tuổi thơ thời bao cấp, một quãng thời gian đặc biệt, gian khó nhưng đẹp đẽ, giản dị mà ấm áp.

Đọc “Kinshasa - không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ”, độc giả sẽ cảm thấy tò mò và hấp dẫn bởi câu chuyện tình giữa Pha Lê với Phan, người đàn ông gốc Việt lịch lãm và đầy lý tưởng, dám dấn thân vào chốn hiểm nguy. Song song với câu chuyện tình ấy, là những câu chuyện về cuộc sống trong một bầu không khí đa văn hóa thú vị của nhiều người, nhiều quốc tịch, làm trong các tổ chức phi chính phủ và quỹ tình nguyện tại Kinshasa. Đồng thời, tác giả cũng mang đến cho người đọc những hình ảnh vô cùng chân thực, nhưng cũng đầy nhức nhối, về thủ đô của Cộng hòa dân chủ Congo: “Kinshasa là thành phố của sự trầm uất.

Những con đường ngập rác và những đứa trẻ mồ côi, người tàn tật, những bệnh viện bẩn thỉu, những trường học tan hoang, những viên chức cả ngày chỉ nạp năng lượng bằng một chai Coca-cola vì không có tiền ăn trưa. Mặc dù là mùa mưa, thời tiết dịu mát hơn bình thường, nhưng giữa trưa, mặt trời vẫn gay gắt và nhức nhối. Cũng là mùa muỗi độc và côn trùng sinh sản, những con mwanga núp trong tán lá cây dày đặc, nhả ra acid và dọc bờ sông, những con trùng giun xoắn bilasia chuyên hút máu người lặng lẽ đi săn mồi”.

Chỉ vài dòng ngắn ngủi, tác giả đã khiến người đọc hiểu và hình dung một phần những thực tế đen tối, trần trụi và đau lòng của đất nước nằm ở giữa trái tim của châu Phi này. Nhưng, ở tận cùng bóng tối ấy, vẫn có những con người lạc quan, họ hát về cuộc sống trên đường phố, về cuộc đấu tranh với bệnh tật. Họ còn hát về tình yêu, hôn nhân, về sự bất công, về bạo lực, nhưng trên tất cả là thái độ tích cực của họ đối với cuộc sống.

Viết bởi đam mê

Có thể nói, trong tiểu thuyết “Kinshasa - không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ”, tác giả Quỳnh Lê đã dẫn dắt câu chuyện hết sức khéo léo qua cách kể chuyện chân thực nhưng đầy cảm xúc, khiến người đọc không thể đặng đừng, mà từng bước cuốn vào câu chuyện. Thêm vào đó, với lối hành văn vô cùng cẩn trọng, câu từ được trau chuốt đến mượt mà, khiến người đọc có lúc tưởng chừng như đang đọc một bài thơ, như cách tác giả miêu tả về Remy, một cậu bé mồ côi đang say sưa trong điệu nhảy của một ban nhạc đường phố: “Nào đâu thấy cái vẻ tủi thân của một đứa trẻ bị ruồng bỏ, trông nó hớn hở, say mê, như đang yêu quá cuộc đời này”.

Tác giả của cuốn tiểu thuyết - nhà văn Quỳnh Lê, tên thật là Vũ Lê Thúy Quỳnh là một nhà báo, từng công tác tại Ban Đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó chuyển sang làm trợ lý báo chí của văn phòng AFP. Cuối năm 2004, chị kết hôn và cùng chồng, một nhà ngoại giao người Pháp sang sống ở Congo. Sau bốn năm ở đây, tận mắt chứng kiến những gì xảy ra trên đất nước này: “Tôi chầm chậm, nhưng rốt cục cũng hiểu được, điều đáng sợ nhất ở Congo, trong thời gian nội chiến lại không phải là chiến tranh hay nghèo đói, mà chính là sự thiếu thốn hy vọng.

Người dân ngày càng mất đi hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn dù mặt trời vẫn luôn rực rỡ,” chị nói. Với tác giả, Kinshasa là một thành phố kỳ lạ với quá nhiều câu chuyện để kể, với những con người đầy những trải nghiệm lạ lùng. Và chị cũng nhận thấy, “nếu không viết gì về Kinshasa, mình hẳn sẽ cảm thấy có lỗi với thành phố này”. “Kinshasa - không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ”, đã ra đời như thế.

Nhà văn Quỳnh Lê cho biết, tuy là một tiểu thuyết, nhưng bối cảnh, không gian, thời gian, các sự kiện lịch sử liên quan trong đó đều có tính chân thực cao, bởi đó chính là những trải nghiệm thật sự của chị trong thời gian ở Congo, những người bạn tuyệt vời, những nhân vật khó quên mà chị đã có duyên gặp gỡ. Thêm vào đó, thói quen của một người làm báo luôn đòi hỏi mọi chi tiết chính xác đến tuyệt đối cũng có phần ảnh hưởng đến cách viết của chị, chính vì vậy chị luôn coi trọng, đôi khi là quá mức, tính khả thi của các tình tiết và điều này đôi khi trở thành một trở ngại cho việc phát huy trí tưởng tượng của chị.

Tác giả Quỳnh Lê tâm sự, khi luôn phải va chạm với các ngôn ngữ thì mối quan hệ với tiếng mẹ đẻ lại càng trở nên mật thiết. Cũng vì vậy mà chị bắt đầu con đường viết lách với việc chuyển ngữ, dịch sách từ tiếng Anh và tiếng Pháp sang tiếng Việt. “Hiện nay, mặc dù không còn làm báo nữa và chính thức trở thành người nội trợ, nhưng tôi vẫn luôn viết, bằng cách này hay cách khác, bởi đó là một niềm đam mê, cũng là một sự an ủi với tôi”, nhà văn Quỳnh Lê chia sẻ.
Phương Lan
Nhà văn hóa lớn của dân tộc
Nhà văn hóa lớn của dân tộc

Với vốn văn hóa phong phú và sâu sắc, vươn tới tầm cao tri thức văn hóa của dân tộc, suốt bảy mươi lăm năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Văn Đồng đã đưa những tri thức rộng rãi mình có ra phục vụ dân tộc, đem lại cho đất nước những lợi ích thiết thực, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển phong phú, đa dạng của nền văn hóa dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN