Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời ở tuổi 75

Thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã qua đời sáng ngày 6/7/2023, thọ 75 tuổi.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Ảnh: Theo dantri.com.vn

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình, sống cùng chồng - nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường tại Huế. Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978, từng học Trường viết văn Nguyễn Du; tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ), Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa III và IV.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là tác giả của nhiều tác phẩm thơ, truyện thiếu nhi được độc giả nhiều thế hệ yêu thích. Các tác phẩm chính của nhà thơ đã xuất bản gồm: “Khoảng trời - Hố bom” (thơ, 1972),  "Trái tim sinh nở" (thơ, 1974), “Chuyện cổ nước mình” (thơ, 1978), "Bài thơ không năm tháng" (thơ, 1983), "Danh ca của đất" (truyện thiếu nhi, 1984), "Nai con và dòng suối" (truyện thiếu nhi, 1987), "Phần thưởng muôn đời" (truyện thiếu nhi, 1987), "Hái tuổi em đầy tay" (thơ, 1989), "Mẹ và con" (thơ, 1994), "Đề tặng một giấc mơ" (thơ, 1998), "Hồn đầy hoa cúc dại" (thơ, 2007)…

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng giành giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Bài thơ không năm tháng”; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999; Giải A thơ Giải thưởng văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế.

Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: “Trái tim sinh nở” (1974), “Bài thơ không năm tháng” (1983), “Đề tặng một giấc mơ” (1988). Năm 2005, tập thơ “Cốm non” (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Mỹ.

Từ năm 2012 đến khi qua đời, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và chồng là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chuyển vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng với gia đình con gái Hoàng Dạ Thư.

Nói về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Từ mấy chục năm trước, tôi đã gọi chị là một thiên thần bay xuống trần gian, bởi gương mặt chị đẹp, thánh thiện, bởi tâm hồn chị trong sáng vô ngần, những câu thơ của chị luôn vang lên như khúc ca của yêu thương, dịu dàng và mang một đẹp mong manh nhưng đầy lan tỏa. Ngay cả những câu thơ chị viết về những mất mát trong chiến tranh cũng vang lên vẻ đẹp ấy. Trong bài thơ nổi tiếng “Khoảng trời hố bom”, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết: "Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/ Đất nước mình nhân hậu/ Có nước trời xoa dịu vết thương đau. Hình như chị xuống thế gian này chỉ để hiển hiện một gương mặt đẹp, một tâm hồn trong sáng và để vang lên những câu thơ của yêu thương, che chở”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết.

Phương Hà (TTXVN)
NSND Bùi Đình Hạc qua đời: Tiếc thương 'cây đại thụ' của điện ảnh Việt Nam
NSND Bùi Đình Hạc qua đời: Tiếc thương 'cây đại thụ' của điện ảnh Việt Nam

Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc là một trong những nghệ sỹ đặt những viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương cho người thân, đồng nghiệp và những người yêu điện ảnh Việt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN