Nhà thơ Kim Hoa: Hạnh phúc khi được luận thơ cùng chồng

Cựu nữ sinh trường Gia Long - Áo Tím

Nhà thơ Phạm Thị Kim Hoa sinh năm 1951, quê ở Gò Công, Tiền Giang. Thời giặc Mỹ xâm lược Miền Nam, bà từng là nữ sinh Gia Long - Áo Tím. Nhà thơ kể lại những cuộc bãi khóa, biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ - Ngụy. Lúc này, tâm hồn thi sĩ của nhà thơ đã bộc phát. Những bài thơ của bà giàu tính lãng mạn, mềm mại và nhu mì như lụa. Nhờ sự kiên nhẫn, trau dồi từ việc đọc các sách báo về thơ ca, mặt khác được cô giáo dạy văn chỉ dẫn, nhà thơ Kim Hoa đã sáng tác chỉn chu về câu cú, niêm luật, cả về nội dung. Thơ của bà được đăng báo đều đặn trên các tuần báo, tạp chí Sài Gòn.

Nhà thơ Kim Hoa và chồng (nhà thơ Trà Kim Long).


Sau khi ra trường, nhà thơ Kim Hoa trở về đúng với cái nghề của mình: “Gõ đầu trẻ”. Dạy cấp I, dù có cực nhọc nhưng bà cảm thấy rất vui. Bà thích nghe giọng trẻ ê a đánh vần, đọc thơ, múa hát. Vắng bọn trẻ, cô giáo Kim Hoa dường như thấy thiếu gì đó khó diễn tả. Nhưng rồi vì hoàn cảnh gia đình, bà gác lại chuyện dạy học để kinh doanh.

Đầu thập niên 90, việc kinh doanh thất bại, bà cùng chồng phải mất cả tháng trời để vượt qua cú sốc này. Hai vợ chồng cùng an ủi nhau, cố gắng vượt qua những khó khắn để lo cho con cái ăn học nên người. Lúc này chồng bà - nhà thơ Trà Kim Long vừa kinh doanh, vừa làm thơ và viết báo. Ông đã phát hành nhiều tập thơ riêng cũng như có những tác phẩm tiêu biểu trên báo. Được sự động viên của chồng, nhà thơ Kim Hoa quay lại với nghiệp thơ ca, làm báo và chính thức “sống chết” với nghề cho đến ngày hôm nay.

Duyên thơ Phật giáo

Dù hoạt động trong nghề đã mấy chục năm nhưng nhà thơ tự nhận là mình không có duyên để… nổi tiếng. Bao nhiêu thi hữu đã có tên có tuổi trên thi đàn, xuất hiện dày đặc trên mặt báo nhưng còn mình thì vẫn cứ “bình chân như dại”. Nhà thơ tâm sự là mình không rành công nghệ cho lắm. Trong khi bạn bè lập Blog, mở tài khoản e-mail, xây dựng mạng xã hội Facebook để giới thiệu và đánh bóng thơ của mình thì bà vẫn thích sáng tác bằng cách viết ra giấy, hơn là đánh máy. Nhà thơ Kim Hoa nói: “Sáng tác bằng chữ do chính mình viết ra rất thú vị và có hồn. Nó làm cho mình dâng trào cảm xúc để có thể tuôn ra những dòng thơ, áng thơ ngọt ngào. Vả lại, viết tay cũng là cách tự rèn kỹ năng kiên nhẫn, tỉ mẫn cũng như tính ôn hòa”.

Mặt khác, do là người theo đạo Phật, lại bắt gặp những tâm hồn đồng điệu về thơ đạo nên nhà thơ đã rẽ hướng. Dù tự nhận mình từng là người đa đoan, làm thơ thất ngôn bát cú, thơ Đường, thơ lục bát đều được, nhưng bà vẫn thích làm thơ lục bát hơn vì nó là thơ thuần Việt, giai điệu thơ lại mượt mà. Bà mang hơi thở thơ lục bát vào Phật giáo làm cho những bài thơ thêm nhiều màu sắc, phong phú ở câu chuyện, tính triết lý ẩn dụ, chứ không khô khan bằng những ngôn từ chuyên môn của đạo Phật. Cũng chính nhờ hướng về cửa Phật, sinh hoạt ở các buổi thơ về Phật mà nhà thơ Kim Hoa có dịp gặp nhà thơ Trà Kim Long và quyết định đi đến hôn nhân.

Bà đã đạt giải Ba cuộc thi thơ “Nông thôn mới” do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2013; giải Nhất cuộc thi thơ “Thuyền về bến giác” năm 2014 do Phật giáo Đắk Nông tổ chức; giải Nhất cuộc thi thơ “Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (bút danh Thu Hương) do chùa Pháp Trí (Thủ Đức, TP.HCM) tổ chức năm 2014. “Dù là giải thưởng của cuộc thi lớn hay nhỏ tôi đều trân trọng. Có nhiều giải thưởng đã hơn 20 năm nhưng tôi vẫn còn giữ cho đến ngày hôm nay. Điều đó khích lệ tinh thần, để khi nhìn vào đó, mình có thể sáng tác hăng say hơn”, nhà thơ vui vẻ chia sẻ.

Ngoài làm thơ, bà còn cộng tác thường xuyên cho một số tờ báo chuyên về Phật giáo như: Hoa Đàm, Giác Ngộ, Văn hóa Phật Giáo, Đạo Phật ngày nay, Hương từ bi… các báo Vĩnh Long, Cựu chiến binh, Hàng hóa & Thương hiệu, Sài Gòn giải phóng, Tiếp thị & Gia đình, Bình Dương, Làng Cười… Những áng thơ, tạp văn, truyện ngắn của bà dù giản dị, mộc mạc nhưng tiềm ẩn bên trong là những triết lý về nhân sinh quan rất sâu sắc.

Thích luận thơ cùng chồng

Dù bận rộn với chuyện sinh hoạt ở các câu lạc bộ thơ Đường, Tiểu ban Văn nghệ sĩ Phật giáo, Mây Tần, viết báo… nhưng nhà thơ không quên nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ. Chính vì sự đảm đang, chu toàn cho gia đình mà hiện nay các con của bà đều thành đạt. Ba đứa con trai lớn của bà định cư ở Mỹ, là kỹ sư, thu nhập ổn định. Nhà thơ cười, rổn rảng nói: “Lẽ ra tôi và chồng có thể hưởng thú điền viên, không lo toan về mặt vật chất. Mấy đứa con cứ kêu tôi và chồng nghỉ ở nhà mà hưởng phúc, vắt óc suy nghĩ ra mấy vần thơ làm gì cho tóc bạc, trán nhăn, chân chim chằng chịt đuôi mắt. Nhưng gừng già thì càng cay. Vợ chồng già muốn chứng tỏ cho các con biết là mình vẫn có thể lao động kiếm tiền”.

Bà con thủ thỉ rằng nhờ nuôi dạy con kỹ càng, biết quan tâm đến chúng trong những lúc chúng cần, hiểu chúng đang nghĩ gì mà hôm nay chẳng đứa nào làm vợ chồng bà thất vọng. Ngoài vai trò nội tướng giỏi, nhà thơ còn tham gia các hoạt động ở phường rất tích cực. Hiện tại bà công tác ở phường Hiệp Thành, quận 12 (TP.HCM) với vai trò là tổ hòa giải hôn nhân, gia đình. Cũng chính công việc này đã giúp cho gia đình bà hiểu sâu hơn những tình huống dở khóc dở cười trong hôn nhân, qua đó rút kinh nghiệm để gia đình không đi theo lối mòn xấu đó. Và cũng nhờ thế mà thơ của bà triết lý hơn, sâu sắc hơn về nhân sinh quan.

Đối với chồng, nhà thơ Trà Kim Long, bà bảo đó là cái duyên. Thời trẻ, hai người quen nhau ở các câu lạc bộ thơ ca. Từ tâm đầu ý hợp, họ thân hơn tình bạn, yêu nhau, rồi quyết định đi đến hôn nhân. Hơn 20 năm qua, dù có trải qua những sóng gió, nhưng hai người vẫn như hình với bóng không tách rời nhau… Nhà thơ yêu thích cái cảm giác cùng chồng luận thơ của các nhà thơ nổi tiếng trong và ngoài nước, từ xưa đến nay, và ngay cả thơ của chính mình. Mỗi khi sáng tác xong một bài thơ mới, bà thường đưa cho nhà thơ Trà Kim Long đọc, góp ý.

Bà nói: “Coi vậy chứ ổng khó tính lắm, câu thơ nào chưa hoàn mỹ là ổng sửa lại bằng cách thay những câu chữ khác cho lạ và mượt hơn. Nhất là thơ Đường, ổng chấm khó còn hơn cả ban giám khảo. Nhưng cũng nhờ vậy mà cô có những bài thơ hay, được đánh giá cao”. Nhà thơ Trà Kim Long cười to khi nghe vợ “kể tội” mình, vội phản ứng kiểu pha trò: “Coi vậy chớ bả khó còn hơn cả tôi. Thơ của tôi, bả biên tập te tua luôn”.

Đặng Trung Thành
Nhà thơ Việt đấu giá thơ ủng hộ Nepal trên eBay
Nhà thơ Việt đấu giá thơ ủng hộ Nepal trên eBay

Nhà thơ Việt Nam Nguyễn Phan Quế Mai đã bán đấu giá tập thơ "Bí mật của hoa sen" cùng 175 món hàng khác trên eBay để quyên tiền ủng hộ Nepal.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN