Nhà hát Lớn Hà Nội thành điểm đến nghệ thuật đỉnh cao

12 nhà hát thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sẽ lần lượt trình diễn các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vào các ngày cuối tuần, bắt đầu từ ngày 30/8 này và kéo dài tới hết tháng 12/2016.

Đây là bước đột phá và cũng là quyết tâm lớn của lãnh đạo Bộ VHTTDL,  để tạo dựng một điểm đến nghệ thuật cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, trong bối cảnh nghệ thuật đỉnh cao đang thật sự thiếu vắng và chưa có “đất” để phát triển.

Trong một cuộc giao ban của Bộ VHTTDL dịp tháng 7, ý tưởng về việc xây dựng Nhà hát Lớn Hà Nội thành điểm đến sáng đèn mỗi cuối tuần, với những tác phẩm có chất lượng, do các nhà hát, đoàn nghệ thuật lớn trong cả nước biểu diễn; đã được lãnh đạo Bộ VHTTDL đưa ra. Ý tưởng này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của lãnh đạo Nhà hát Lớn Hà Nội, các đoàn nghệ thuật, cũng như đông đảo công chúng Thủ đô; bởi đã một thời gian dài, “thánh đường” nghệ thuật của Thủ đô vẫn phải hoạt động cầm chừng, chờ vào các hợp đồng thuê của các đơn vị tổ chức sự kiện.

Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ trở thành điểm đến cho khán giả Thủ đô từ nay đến cuối năm 2016.

Đã nhận được sự đồng thuận lớn như vậy, nên ngày 12/8 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và lãnh đạo 12 nhà hát thuộc Bộ VHTTDL đã nhanh chóng ngồi lại, bàn về kế hoạch chuẩn bị các đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong thời gian tới. Mục tiêu đưa ra: Phải là các chương trình dài hơi của Bộ VHTTDL, đảm bảo chất lượng, sự hấp dẫn.

Theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương - đơn vị được Bộ VHTTDL giao phối hợp cùng Nhà hát Lớn Hà Nội xây dựng kế hoạch; đến nay các nhà hát đã chuẩn bị tương đối tốt. Đặc biệt, ba chương trình mở đầu gồm Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam đã sẵn sàng biểu diễn vào các đêm 30, 31/8 và 1/9.

Cụ thể, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sẽ mang đến “Bản giao hưởng mùa thu I” (ngày 30/8); tiếp sau đó là Nhà hát kịch Việt Nam với vở kịch “Biệt đội báo đen” (31/8) và Nhà hát Chèo Việt Nam với chương trình âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực (1/9). 

Sau 3 đơn vị này, lần lượt sẽ là chương trình của Liên đoàn xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

“Nhà hát Lớn là một điểm biểu diễn đẹp, địa điểm đẹp, kiến trúc đẹp. Được biểu diễn ở đó là vinh dự của các nghệ sĩ. Quyết định của Bộ làm cho các chương trình nghệ thuật thực sự sang trọng hơn, là động lực cho các nghệ sĩ. Được biểu diễn ở sân khấu sang trọng đó, người nghệ sĩ sẽ ý thức được mình hơn, biểu diễn tốt hơn”, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - đơn vị tham gia chương trình, chia sẻ.

Còn theo đại diện Nhà hát Chèo Việt Nam, anh em nghệ sĩ Nhà hát đều rất vui vẻ, nỗ lực tập luyện để bước vào “thánh đường nghệ thuật”; bởi đó là nơi họ có thể  “khoe” nghệ thuật chèo, đồng thời khẳng định thương hiệu của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Các nhà hát đã sẵn sàng, bản thân Nhà hát Lớn - thánh đường nghệ thuật, cũng đã khởi động cho việc chuẩn bị sáng đèn liên tục. Theo đó, Nhà hát sẽ thúc đẩy việc trang hoàng lại; đảm bảo hiện đại, hấp dẫn, kể cả vào buổi tối. Thậm chí, như lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định, để đảm bảo chất lượng của điểm diễn này,  Bộ có thể sẽ thực hiện Dự án chiếu sáng Nhà hát Lớn trong thời gian tới.

 Bên cạnh việc đỏ đèn những đêm cuối tuần, dự kiến Bộ VHTTDL cũng sẽ  tổ chức các hoạt động bên lề để Nhà hát Lớn thành điểm đến hấp dẫn như: Triển lãm về lịch sử Nhà hát Lớn, bán quà lưu niệm… xây dựng màn hình Led ở phía ngoài Nhà hát Lớn để quảng bá chương trình. Cũng sẽ có những quy định riêng về trang phục văn minh, lịch sự, ứng xử khi bước vào Nhà hát Lớn, xây dựng đội ngũ tổ chức sự kiện, phục vụ chuyên nghiệp... để khi bước vào Nhà hát Lớn, khán giả có cảm giác thực sự là thưởng thức nghệ thuật.

“Trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng sẽ làm việc với Sở Du lịch Hà Nội, Tổng cục Du lịch; yêu cầu hỗ trợ trong việc đề nghị các doanh nghiệp du lịch đưa chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn vào tour giới thiệu với du khách”, đại diện lãnh  đạo Bộ VHTTDL chia sẻ.

 Cùng với đó, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã làm việc với TP Hồ Chí Minh và TP Huế, để các nhà hát tại hai địa phương cũng sẽ đưa các chương trình nghệ thuật ra biểu diễn tại Nhà hát Lớn thành phố sớm nhất có thể. 

Bằng bước khởi động đầu tiên này, xem ra cơ hội cho những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao đã mở ra. Việc quan trọng là các nhà hát, đơn vị nghệ thuật của Bộ sẽ tận dụng được cơ hội này thế nào để quảng bá cho chính mình và tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả.
PV
Xem  “Carmen” tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Xem “Carmen” tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Buổi diễn vở opera “Carmen” với trên 150 nghệ sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ đến từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tham gia, đạo diễn Helena Rohr (Thụy Điển) và nhạc trưởng Quang Vinh, sẽ diễn ra ngày 2 - 3/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN