Người vẽ ba ngôi sao đỏ trên bầu trời Việt Nam

Là một trong những phi công xuất sắc của Trung đoàn 921 (Đoàn Sao Đỏ), trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của không quân Việt Nam, Thiếu tướng Trần Việt đã bắn rơi ba máy bay Mỹ, góp phần tạo nên những chiến công lừng lẫy của không quân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Con đường đến với “én bạc”


Thiếu tướng Trần Việt (1946) sinh ra ở miền đất võ Bình Định nhưng từ năm chín tuổi ông đã phải rời xa gia đình tập kết ra Bắc. Cha ông đi kháng chiến chống Pháp biền biệt xa nhà, tiễn ông lên tàu lúc đó chỉ có mẹ. Lúc đó, người mẹ hiểu rằng, rồi con trai mình sẽ theo gương cha tham gia cách mạng, nhưng việc sau này Trần Việt trở thành phi công lái những chiếc “én bạc” MiG-21 thì chắc hẳn nằm ngoài trí tưởng tượng của bà.

Phi công Trần Việt đã bắn rơi
3 máy bay Mỹ.


Trong hơn mười năm sau đó, cậu bé Trần Việt học tại Hải Phòng, Chợ Chuông (Hà Tây), Nam Ninh (Trung Quốc), rồi lại quay về Hà Đông, Thái Nguyên... Năm 1965, tốt nghiệp trường Phổ thông trung học Việt Đức (Hà Nội), theo lời kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Việt đã xung phong khám tuyển phi công. Và trước sự bất ngờ của chúng bạn, ông, một chàng trai nhỏ nhắn nặng chưa đầy năm mươi cân đã trúng tuyển. Ngay sau đó, Trần Việt được cử sang Liên Xô học lái máy bay.


Ba năm sau trở về, ông đầu quân về Trung đoàn Không quân 921, cái nôi của rất nhiều các tướng lĩnh anh hùng của không quân Việt Nam như: Nguyễn Đức Soát, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Văn Nghĩa, Phạm Phú Thái... Những năm tháng sau đó là thời gian huấn luyện ngày đêm, luôn chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Bốn năm bay tập, ông thuộc địa hình như trong lòng bàn tay, đến mức, dù đang bay ở không phận nào, khi cần đều có thể hạ cánh ở bất cứ sân bay nào.

 
Năm 1972, sau khi thất bại ở chiến dịch Sấm Rền và cả thời gian ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào, không quân và hải quân Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker I và II với tham vọng “biến miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Cũng chính năm này, Trần Việt đã liên tiếp lập chiến công, ghi thêm những ngôi sao đỏ trên bầu trời Việt Nam (một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi tương ứng với một ngôi sao đỏ).


Chiến đấu cho cả đồng đội nữa


Thiếu tướng Trần Việt kể lại rằng, chiến công đầu tiên ông ghi được vào ngày 8/7/1972. Sáng hôm ấy, biên đội của phi công Đặng Ngọc Ngự - Trần Việt được lệnh cất cánh từ sân bay Vĩnh Phú (Nội Bài) ra khu vực Thanh Sơn. Chưa đầy nửa tiếng sau, khi chạm trán với biên đội F4 của Mỹ với số lượng đông gấp đôi đang làm nhiệm vụ hộ tống các máy bay thả nhiễu, hai chiếc MiG - 21 lập tức tấn công. Ngày hôm đó, Trần Việt bắn rơi một chiếc F4.

Thiếu tướng Trần Việt (thứ hai từ phải sang) tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Thế nhưng cùng với niềm vui ấy là một mất mát to lớn với ông. Trong trận chiến đấu đó Đại đội trưởng Đặng Ngọc Ngự mà ông vô cùng yêu quý đã anh dũng hy sinh khi lập nên chiến tích cuối cùng là hạ gục chiếc máy bay Mỹ thứ bảy. Vẫn biết rằng, mất mát là điều khó tránh khỏi, nhưng ông vẫn cảm thấy trái tim mình đau đớn, thổn thức, có thứ gì đó uất nghẹn nơi ngực trái.


“Biết bao lần bữa cơm còn đang dang dở, nhận được lệnh xuất kích là anh em lại lên đường. Khi trở về, cơm còn đó, bát, đũa còn đó, mà đồng đội lại đã mãi mãi ra đi”, ông trầm ngâm kể.


Và cũng vào ngày hôm ấy, ông đã ghi rất rành mạch vào nhật ký: “Ngày 8/7/1972. Anh Ngự không về nữa. Phải quyết tâm bắn rơi tại chỗ 3 chiếc F4 để trả thù cho đồng chí thân yêu, phải đánh thật mãnh liệt!”. Cuốn nhật ký ấy bây giờ là một kỷ vật không thể thiếu đối với ông; qua năm tháng, giấy đã ngả màu ố vàng nhưng nét chữ vẫn còn rất rõ.


Ông khẳng định rắn chắc rằng, chính sự hy sinh của đồng đội đã thắp thêm lửa, giúp ông vững ý chí chiến đấu và càng thêm khát khao đánh bại kẻ thù. Ông chiến đấu không chỉ cho quê hương đất nước mà còn cho cả đồng đội nữa. Với tinh thần và ý chí quyết tâm đó, ông đã lập chiến công thứ hai vào ngày cuối cùng của tháng chín năm 1972 khi bắn rơi thêm một chiếc máy bay “con ma” F4 và cũng là chiếc máy bay thứ 300 của Mỹ bị quân ta bắn rơi, đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử chiến đấu của không quân Việt Nam.


Chiến công cuối cùng không thể nào quên


Tuy nhiên với Thiếu tướng Trần Việt, kỷ niệm sâu sắc trong ông hơn cả là chiến công thứ ba và cũng là chiến công sau cùng khi ông bắn rơi chiếc F4 trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của ông, mà còn là của bà Nguyễn Việt Nga, người yêu và sau này là vợ của ông.


“Chúng tôi đã định ngày cưới vào đúng đêm Noel năm 1972. Nhưng sau đó tôi đã nhận được lệnh từ sân bay Gia Lâm cơ động đến sân bay đất Miếu Môn. Đến ngày 27/12/1972 khi phát hiện máy bay địch, sở chỉ huy đã lệnh cho tôi xuất kích. Trong lần đó, trực chiến đấu chính chỉ có mình tôi. Bằng những kinh nghiệm thực tế, tôi biết nếu kéo dài trên đường bay đất sẽ là một bất lợi vì sẽ tạo ra đuôi khói dễ dàng bị địch phát hiện. Vì thế tôi chỉ cho chiếc MiG-21 bay thấp và thoát ly nhanh khỏi khu vực cất cánh rồi sau đó mới kéo cao lên”, ông kể.


Sau khi phát hiện được địch nhưng lại ở thế đối đầu, Trần Việt đã được sở chỉ huy cho thoát ly nhưng ông xin công kích vì thấy vẫn còn lợi thế rồi lập tức vòng gấp bên phải bám theo hai chiếc F4. Sau đó mặc cho chúng đan chéo rồi tách tốp định kẹp máy bay ta ở giữa, ông đã ổn định điểm ngắm ở chiếc F4 và bắn. Một chiếc F4 khựng lại, gẫy đôi và bốc cháy.


Về sau khi đã đoàn viên, Trần Việt mới biết rằng, trong lúc ông đang trực chiến ở sân bay Miếu Môn để đón đầu cản phá âm mưu của Mỹ đem máy bay phá các sân bay của ta thì cha của ông khi nghe tin con sắp cưới đã từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để chứng kiến ngày trọng đại đó của con trai mình. Sau khi cùng con dâu tương lai tìm Trần Việt mấy ngày ròng mà không thấy, ông cụ đành quay trở về Hà Tĩnh nơi bom đạn cũng đang rất ác liệt. Đám cưới của ông vì vậy đành gác lại để bước vào một cuộc chiến đấu ác liệt của những ngày tháng lịch sử cuối năm 1972.


Trong những ngày đầu tiên năm 1973, ông và vợ chưa cưới đã tìm lại được nhau. Chưa đầy một tuần sau đó, bạn bè và người thân đã chứng kiến lễ thành hôn giản dị của hai người.


Sau này, đúng dịp kỉ niệm 40 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ông đã bất ngờ gặp lại Jack R.Trimble, phi công lái chiếc F4 bị ông bắn rơi trên bầu trời Việt Nam ngày 27/12/1972. Khi ấy, Jack R.Trimble đã nói với ông rằng: “Mẹ tôi muốn chuyển lời cảm ơn đến anh, vì ngày đó đã bắn rơi tôi nhưng lại không bắn chết tôi”. Cho đến bây giờ, Trần Việt và Jack R.Trimble chưa khi nào gặp lại nhau và cũng không có mối liên lạc nào, nhưng đây hẳn là cuộc gặp gỡ đem lại cho ông nhiều cảm xúc.


Giờ đây, khi đã gần bảy mươi tuổi, ông vẫn không ngại ngần khẳng định rằng, trong chiến đấu, lúc chưa nhìn thấy địch thì còn lo lắng một chút chứ khi nhìn thấy rồi thì không có chút do dự nào. Dù bị kẹp giữa hay bị bắn tên lửa thì mình cũng không sợ gì cả. Trong lòng chỉ còn ngọn lửa sục sôi quyết tâm chiến đấu. Ông cũng nói rằng, ông chiến đấu trả thù cho nhân dân, cho đồng đội với mong ước duy nhất, đó là được cài lên ngực huy hiệu có hình ảnh Bác Hồ...


Ngồi nghe ông kể chuyện, bây giờ thì tôi hiểu vì sao, đã hơn bốn mươi năm qua đi, nhưng tất cả với ông vẫn mới như hôm qua. Những ngày tháng ấy đã đem lại cho ông lẽ sống, sức chiến đấu mạnh mẽ, chấp nhận hy sinh, đối mặt với cái chết bằng tinh thần cảm tử, để rồi hôm nay thấy tự hào vì mình đã làm tròn nhiệm vụ. Câu chuyện của ông vì thế như có lửa, khiến cho tôi quên đi cái lạnh giá của tiết trời ở ngoài kia...


Bài và ảnh: Hồng Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN