Người nhiều lần thể hiện hình tượng Bác Hồ

Khi còn bé tôi đã được gặp nghệ sĩ Văn Tân trong vai diễn Bác Hồ, tâm hồn trẻ thơ chúng tôi lúc ấy cứ ngỡ đó là Bác Hồ thật đang trò chuyện cùng học sinh. Sau mấy chục năm, hôm nay tôi gặp lại ông, vẫn bộ quần áo kaki bình dị, đôi dép cao su, mái tóc, chòm râu bạc trắng, cộng thêm tác phong, lời nói giống hệt Người…


Hạnh phúc thiêng liêng


Cả khán phòng hội nghị gặp mặt, tọa đàm về điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng ủy Các cơ quan tỉnh Bắc Giang tổ chức tháng 5/2013 tại Rạp Sông Thương (TP Bắc Giang) đang ồn ào bỗng trầm lắng xuống. Không ít người đã ngỡ ngàng khi thấy “Bác Hồ”. “Người” bước vào với cử chỉ thân thiện, gần gũi, sau đó là những tiếng vỗ tay, hoan hô thật to “Bác Hồ, Bác Hồ”... Từng lời trong bài nói chuyện của Bác năm xưa (do nghệ sĩ Văn Tân, 70 tuổi thể hiện) được cất lên bằng một âm giọng Nghệ An trầm ấm: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết chăm lo, vun vén cho bản thân mình mà quên tình đồng chí, quên nghĩa đồng bào”. Bằng những lời lẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa, nghệ sĩ Văn Tân đã khiến nhiều người như được gặp Bác.

 

Nghệ sĩ Văn Tân ngoài đời.


Tiếp khách tại căn nhà giản dị được trưng bày nhiều hình ảnh, sách vở về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Văn Tân chia sẻ: “Những năm 60 của thế kỷ trước, tôi vinh dự được gặp Bác hai lần, từ đó hình ảnh Người cứ in đậm trong tôi. Năm 1970, sau khi Người qua đời, Trung ương yêu cầu các nghệ sĩ đưa hình tượng Bác lên sân khấu. Năm 1974, lúc đó tôi 31 tuổi, đang là diễn viên Đoàn ca, múa, kịch Bắc Giang nên đã mạnh dạn thử sức vai diễn và tạo được dấu ấn với hoạt cảnh “Kỷ niệm cao quý”. Đó là hoạt cảnh Bác Hồ khen ngợi quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ. Từ lần diễn này, tôi được nhiều người biết đến và dành những tình cảm yêu mến”.


Theo nghệ sĩ Văn Tân, không dễ để thể hiện hình tượng Bác Hồ, từ cách trang điểm, âm giọng đến tác phong, điệu bộ sao cho toát lên thần thái, cốt cách và trí tuệ của vị lãnh tụ kính yêu. Hơn nữa, trong đời Bác từng có nhiều buổi nói chuyện với hầu hết các tầng lớp nhân dân như: bộ đội, công an, nhà báo, nhà giáo, văn nghệ sĩ, nông dân, công nhân, bác sĩ… do vậy muốn thể hiện thành công vai diễn về Bác, bên cạnh năng khiếu thì cần rèn rũa, chăm chỉ tập luyện. Ban đầu, nghệ sĩ Văn Tân lấy sợi đay tết thành râu, tóc giả, tự hóa trang, tự viết hoạt cảnh, tập đi tập lại cho đạt. Sau đó ông nhiều lần lui tới Phủ Chủ tịch, năm 1981, được đồng chí Vũ Kỳ tặng cuốn băng có 13 bài diễn thuyết, nói chuyện, đọc thơ của Bác và hầu như ngày nào ông Tân cũng nghe, học để nhớ những lời nói, cách nói của Người.


Kể về những kỷ niệm để đời trong các lần diễn hình tượng Bác, nghệ sĩ Văn Tân bảo: “Xúc động và hạnh phúc lắm, đó là năm 1984, khi tôi diễn ở Pắc Bó và Hà Quảng (Cao Bằng), khi tôi vừa bước lên sân khấu thì nhiều người òa lên khóc và chen nhau đến gần hơn để được thấy “Bác”. Còn mấy cựu chiến binh từng phục vụ Bác ở hang Pắc Bó run run dâng tặng hoa và thốt lên: “Bác ơi, gần 60 năm trôi qua giờ chúng con mới được gặp lại Bác”… Hay như năm 1990, tôi diễn ở địa đạo Củ Chi, các bà má Nam Bộ cứ vây quanh, có người cảm động khóc, thi nhau tặng hoa… khiến buổi diễn gián đoạn”…


Gìn giữ hình ảnh đẹp về Bác


Đến giờ nghệ sĩ Văn Tân vẫn tâm đắc nhất một điều mà người thân của ông đã góp ý là: Khi đã hóa trang thành Bác Hồ thì không tiếp xúc, trò chuyện với ai ngoài sân khấu, chỉ khi nào gỡ trang thành chính mình thì mới giao tiếp. Do vậy, cả khi hóa trang thể hiện hình tượng Bác Hồ và ngay cả cuộc sống đời thường hằng ngày, ông Tân đều ghi nhớ phải gìn giữ hình ảnh của mình cho đẹp, cao quý để có thể bảo vệ hình ảnh của Bác. Nghệ sĩ Văn Tân cho hay, ở nước ta có không ít nghệ sĩ thể hiện thành công hình ảnh Bác trên sân khấu như: Nghệ sĩ Sỹ Hùng, Tiến Hợi, Đức Trung, Ngọc Thủy. Mỗi người có một thế mạnh riêng khi hóa thân thành vị Cha già dân tộc. Tuy nhiên, các nghệ sĩ kể trên thường thích hợp với các vai diễn Bác Hồ thời mà mọi người gọi Bác là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Còn thời kỳ Bác là Chủ tịch Hồ Chí Minh thì bạn nghề đánh giá ông Tân là số một.

 

Nghệ sĩ Văn Tân trong hoạt cảnh Bác Hồ với văn nghệ sĩ.


Để có hình hài giống Bác, nghệ sĩ Văn Tân đã dày công nghiên cứu sách báo, tài liệu, phim ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phần hoá trang phải thực hiện tất cả 17 chi tiết trên khuôn mặt như mũi, trán, cằm, râu… Nghệ sĩ bảo: “Hóa trang giống Bác đã khó, thể hiện được cốt cách, phong thái của Người càng khó hơn. Chỉ riêng việc học nói giọng, cử chỉ đi đứng của Bác cũng mất cả tháng trời”.


Đã ngàn lần thể hiện hình tượng Bác Hồ nhưng trước khi lên sân khấu nghệ sĩ Văn Tân đều chuẩn bị chu đáo, từ trang điểm đến lời thoại, trang phục... Với Văn Tân, mỗi lần thể hiện vai Bác là mỗi lần ông tự xác lập cho mình một kỷ lục mới. Bởi vậy, gần 40 năm qua, mỗi lần đi diễn ông đều ghi chép cẩn thận từng địa điểm, nội dung buổi diễn và đương nhiên, niềm hạnh phúc khi được đóng Bác Hồ, đến giờ, chỉ nghệ sĩ Văn Tân là người hiểu hơn cả. Năm 2010, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng Bằng chứng nhận "Xác lập kỷ lục Việt Nam" cho Văn Tân là nghệ sĩ thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh nhiều nhất. Sau gần 40 năm, đến thời điểm này Nghệ sĩ đã tự phá kỷ lục của chính mình với 1.693 lần thể hiện vai Bác Hồ ở tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Thế nhưng, với ông thì ngần ấy thôi vẫn là chưa đủ, bởi “Có thể hiện hình tượng Bác Hồ cả đời cũng không thể tả hết những điều hay, lẽ đẹp trong tâm hồn, cốt cách của Người” nghệ sĩ Văn Tân chia sẻ.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN