Người lính viết về người lính

Tập thơ “Giấc rừng” của nhà thơ Đàm Chu Văn vừa đoạt giải C, giải thưởng Bộ Quốc Phòng về văn học nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn( 2009- 2014). Đây là tập thơ thứ 9, là thành quả sáng tác, công sức lao động miệt mài bền bỉ của anh trong vòng 5 năm qua. Sách được Nhà xuất bản Quân Đội phát hành tháng 10/2014.

45 bài thơ xinh xắn như những bản nhạc nhẹ nhàng sâu lắng mà khơi gợi thiết tha với nhiều giai điệu cung tầng cảm xúc khác nhau. Những cung bậc ấy được chắt lọc từ chính những tâm trạng, những nghĩ suy, nỗi tâm tư, niềm xúc cảm của nhà thơ, người đã từng một thời khoác áo lính và đồng thời cũng là một nhà thơ luôn đau đáu nặng lòng với quê hương, với miền quê nơi anh đã từng sinh ra và lớn lên.



Ở “Giấc rừng” nổi lên hai đề tài chính. Đó là mảng những bài thơ viết về chiến tranh, là những ký ức của nhà thơ về một thời trai trẻ, một thời binh lửa hào hùng mà anh đã từng trải qua. Nơi đó là chiến trường khắc nghiệt với bom rơi lửa đạn thấm bao đau thương và mất mát. Nơi đó có đồng đội anh luôn vững chí bền lòng không quản ngại gian khó hy sinh cho lý tưởng cao đẹp giành độc lập, thống nhất nước nhà. Có thể bắt gặp ở các bài Giấc rừng, Nghĩ về lá cờ anh Thận cắm trên Dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4, Long Bình, Viếng bạn ở nghĩa trang biên giới Tây Nam...

Bên cạnh đó, qua tập thơ “Giấc rừng”, nhà thơ còn gửi gắm những tình cảm chân thực đầy xúc động của mình đối với quê hương, tình cảm với những người thân thương gần gụi bên anh. Là mẹ, là cậu, là vợ con và còn có cả bóng hình người mà anh yêu dấu. (Tiếng làng, Ngày giỗ Mẹ, Củng Lợi và vợ tôi, Hoa cánh bướm...)

Chiến tranh như một trải nghiệm lớn mà ở đó là thử thách lòng người trước những hiểm nguy và gian khó. Để Tổ quốc có được ngày độc lập hát vang khúc khải hoàn, đã có bao nhiêu mất mát, hy sinh:

“Bao tuổi trai mười tám/ Gửi lại hành quân xa/ Năm tháng có phôi pha/ Máu đào còn đỏ mãi”- (Bên cầu Rạch Chiếc)

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã lùi xa cách nay đã lâu nhưng những kỷ niệm nơi chiến trường luôn trở về với anh trong ký ức mênh mang:

“Đêm rừng ai hát ca vang/ Bóng mình chạm nỗi mênh mang núi rừng/ Ngỡ còn súng đạn choàng lưng/ Lên rừng lòng lại nhớ rừng khôn khuây”- (Giấc rừng)

Những người lính, người đồng đội của Đàm Chu Văn hiện ra hiền lành chân chất nhưng trước những bão táp hiểm nguy họ luôn anh dũng can trường. Họ đã đi vào những câu thơ anh một cách lặng lẽ, bình dị nhưng lại cũng lấp lánh sáng ngời:

“Những người lính âm thầm như đất/ Lặng lẽ thẳm sâu như đất/ Mạnh mẽ can trường như đất/ Đã làm nên sấm sét long trời”- (Long Bình)

Nhà phê bình Hoài Thanh từng có nhận xét: “Hầu hết những người mang ba lô lặng lẽ đi trên các nẻo đường kháng chiến, trong một quyển sổ tay nào đó thế nào cũng có ít bài thơ. Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ cùng hòa điệu”.

Quả thế, trong “Giấc rừng” với những bài thơ về mảng đề tài này cũng có thể ví như những dòng hồi ký của một người lính vậy. Bởi trong đó người đọc bắt gặp những địa danh cụ thể với những câu chuyện hoàn toàn có thật về những con người thật. Trong chiến tranh ước vọng cao nhất của con người là được sống trong hòa bình. Và bởi thế, dẫu cuộc chiến có ác liệt đến mấy, người lính vẫn chiến đấu anh dũng và luôn mang trong mình niềm tin vào một ngày mai sáng tươi. Tự hào về những con người anh hùng đã ngã xuống, quên mình cho niềm vui của ngày toàn thắng, trong anh đã trào dâng niềm xúc động:

“Linh hồn các anh bay lên cùng với màu cờ
Giây phút vuông cờ bung ra reo vui phần phật, vỡ òa tự do lồng ngực...”

Ghi nhớ công ơn và canh cánh bên lòng những chiến công, những cống hiến hy sinh của bao người đồng chí đồng đội cho nên anh đã nhờ những câu thơ để nói hộ lòng mình, coi đó như một nén nhang thơm kính cẩn dâng lên hương hồn các anh hùng liệt sỹ. Trong đó có cả người liệt sỹ, người cậu mà anh đã không quản ngại vất vả khó khăn lặn lội kiếm tìm:

“Cậu nằm lại nơi đâu?
trời xanh bát ngát
khói hương xin gửi tận trời xanh
Biển Đông thăm thẳm
xin dâng biển khói hương này”

Câu hỏi như lời thảng thốt ứa ra tự đáy lòng. Đọc những câu thơ này của Đàm Chu Văn tôi có thể thấm thía nỗi đau tận cùng, sự hẫng hụt chơi vơi trong anh. Không chỉ là nỗi đau riêng mình anh mà đó còn là nỗi mất mát chung của những gia đình có người thân nằm lại nơi chiến trường mà hồn vẫn chưa được trở về với đất mẹ quê hương. Rộng hơn, hiểu và cảm theo một tầng nghĩa khác chính là nhà thơ cũng nói thay nói hộ nỗi lòng của cả dân tộc. Cảm thương với sự thiệt thòi khi phải gánh chịu những di chứng chất độc màu da cam của những người lính đã từng tham gia chiến trận. Sau chiến tranh họ trở về hoàn toàn tay trắng. Những ước mơ bình dị về một mái nhà có tiếng trẻ nô đùa, nỗi khát khao được làm mẹ làm cha, là quyền chính đáng như bao người bình thường khác nhưng lại trở lên quá xa vời:

“À ơi! Cánh võng đưa không/lời ru chờ đợi/tiếng nựng con ghìm nén trong lòng”. (Lời ru những đứa con không ra đời)

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình, khoác trên mình màu xanh áo lính rồi vào Nam lập nghiệp nhưng tâm hồn nhà thơ Đàm Chu Văn chưa lúc nào nguôi vơi nỗi nhớ quê hương. Thơ anh vì thế luôn thấm đẫm hồn quê và thắm thiết tình làng, nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống của miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, còn vẹn nguyên những giá trị văn hóa với “Ngày xuân sới vật rộn trên sân đình”, có điệu chèo câu ca “lúng liếng”, có ngày hội làng “lanh lảnh tiếng xuân tươi”. Và tâm hồn nhà thơ cũng rời rợi tình cảm với ruộng đồng quê hương“, nơi có người mẹ yêu quý của anh nay đã khuất xa cuối chân trời và những giây phút lãng đãng với trái tim yêu chân thành và đằm thắm qua những câu thơ tình nồng nàn da diết:

“Phải duyên phải nợ chi đâu
Mà sao quay quắt nhớ nhau thế này
Anh hỏi gió, anh hỏi mây
Hỏi trăng đầu tháng rạc gầy vì yêu...”- (Nợ duyên)

Có lẽ từng nếm trải nhiều gian nan sóng gió nên bắt gặp ở Đàm Chu Văn không ít những trăn trở niềm riêng, những suy tư chiêm nghiệm về cuộc sống: “Ta ngày một cũ đi, lấm láp mặt ngày qua/ Nhặt câu thơ nhọ nhem khói bụi/ Vẫn mơ ước một điều chưa tới/ Giữa xô bồ náo loạn những bon chen” (Ta ngày một cũ đi) hay: “Cuộc đời xoáy cuồng cơn lốc/ Ngổn ngang trăm lỗi lo toan” (Của chìm)

Cuộc sống vốn chân thật và giản dị. Chính bởi vậy với những câu chữ, ngôn từ, ý thơ dung dị nhẹ nhàng mà chứa chan niềm cảm xúc của tác giả, cùng với thể thơ lục bát, những câu thơ văn xuôi giàu hình ảnh, tính nhạc mang phong cách rất riêng đã đưa tập thơ đến gần hơn và chạm sâu tới miền cảm thức của độc giả.

“Giấc rừng”- thơ của người lính, thơ viết về người lính, về tình đời, niềm riêng với những suy tư chiêm nghiệm về cuộc sống hôm nay.

Phương Mai
Hoa gạo cuối mùa
Hoa gạo cuối mùa

Anh trở về xóm chài vào một ngày đầu tháng ba, khi cây gạo bên bến sông quê đã bắt đầu thắp lên những bông hoa đỏ rực. Tròn hai năm, ấp ủ trong tim lời hẹn ước “Tháng ba năm sau nữa, anh sẽ về cưới em”, chị vẫn đứng đây đếm từng ngày, từng tháng mong chờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN